Gian lận điểm thi ở Hà Giang: "Con Bí thư Triệu Tài Vinh đấy", bà Chính nói "em biết rồi"

B.H.Thanh,
Chia sẻ

Bị cáo Triệu Thị Chính, cựu Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang, cho rằng mình không phạm tội và không đồng ý với cáo trạng truy tố xét xử về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" theo điều 358 Bộ luật hình sự.

Tại phiên tòa sơ thẩm xét xử 5 bị cáo liên quan đến vụ gian lận điểm thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 ở tỉnh Hà Giang chiều 15-10, Hội đồng xét xử (HĐXX), Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND), các luật sư tiếp tục xét hỏi bị cáo trong vụ án.

Gian lận điểm thi ở Hà Giang: Con Bí thư Triệu Tài Vinh đấy, bà Chính nói em biết rồi - Ảnh 1.

Bị cáo Triệu Thị Chính tới tòa trên xế hộp.

Về phần xét hỏi bị cáo Triệu Thị Chính, cựu phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang, bị cáo Chính cho biết không đồng ý với cáo trạng truy tố xét xử về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" theo điều 358 Bộ luật hình sự.

Theo bị cáo Chính, bị cáo có đưa 1 danh sách cho bị cáo Nguyễn Thanh Hoài (nguyên trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT Hà Giang) gồm 13 thí sinh, tuy nhiên Chính chỉ nhờ Hoài xem điểm môn Ngữ Văn và không thống nhất với Hoài về số điểm cần nâng về bất kỳ thí sinh nào.

"Thực tế 13 thí sinh tôi nhờ Hoài xem điểm, tôi cũng chưa xem được điểm và đương nhiên cả 13 thì sinh này cũng như tất cả các thí sinh không có em nào được nâng điểm môn Ngữ Văn" - bị cáo Chính khai.

Bị cáo Chính lý giải môn Ngữ Văn là môn học sinh làm bài trên giấy trắng mực đen, quy trình chấm môn văn bằng tay không phải bằng máy tính. "Tuy nhiên, Nguyễn Thanh Hoài chưa nâng được điểm môn Ngữ Văn do bị cáo nhờ vì lý do khách quan là ngày 7-7-2018 Vũ Trọng Lương bị phát hiện" - bị cáo Chính khai. Bị cáo này cho biết sáng 7-7, Hoài nói với Chính: "Báo cáo sếp không xem được điểm văn đâu và cũng không cần phải xem vì điểm văn có câu hỏi tu từ, trong đề không yêu cầu nhưng trong chấm thi yêu cầu nên nghiễm nhiên không có em nào bị điểm liệt", sau đó bị cáo cũng bảo: "Vâng anh, không sao đâu ạ".

"Anh Hoài đã trả lời tôi vào sáng 7-7, khi chưa phát hiện, chỉ phát hiện vào 19 giờ 30 ngày 7-7-2018, khi phát hiện ra, chính tôi là người đề nghị trích xuất camera và tôi cùng thầy Bình đã thực hiện dưới sự chỉ đạo của thầy Sử (Vũ Văn Sử - PV)" - bị cáo Chính nói.

Gian lận điểm thi ở Hà Giang: Con Bí thư Triệu Tài Vinh đấy, bà Chính nói em biết rồi - Ảnh 2.

Bị cáo Triệu Thị Chính trước toà - Ảnh chụp màn hình

Cũng theo lời khai của bị cáo Chính, đến ngày 18-7-2018, khi chủ tịch hội đồng thi yêu cầu giải trình, trước đó bị cáo có trách Hoài: "Tại sao anh lại đối xử với tôi như thế, tôi không làm điều gì sai trái, thực tế tôi rất mệt mỏi và đau xót". Hoài trả lời: "Thằng Lương nó nhìn thấy, nó báo anh Khương đoàn công tác của Bộ" - bị cáo Chính giải thích về lý do danh sách 13 thí sinh đưa cho Hoài mà Vũ Trọng Lương lại biết và giải thích danh sách này được bị cáo lập tại máy tính cơ quan và không ghi bất cứ chữ nào trên tờ giấy đó mà chỉ có chữ đánh máy.

Theo bị cáo Chính, việc lập danh sách 13 thí sinh là do được 6 người nhắn tin và trao đổi bằng lời trực tiếp của ông Sử (Cựu Giám đốc Sở GD-ĐT). Trong tất cả tin nhắn không có một người nhắn tin nào nhờ bị cáo nâng điểm.

Khi HĐXX hỏi trong số các tin nhắn có ai nhờ nâng điểm, bị cáo Chính liệt kê danh sách một loạt các thí sinh, trong đó có chi tiết: "Thầy Vũ Văn Sử nói năm nay có con Bí thư thi (ông Triệu Tài Vinh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, hiện là Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương), thầy ấy là người sống tình cảm, hay chia sẻ nên rất băn khoăn".

HĐXX sau đó trích lại biên bản làm việc của Đoàn công tác Bộ GD-ĐT khi xảy ra vụ việc. Tại buổi làm việc này, bị cáo Chính cũng đã giải trình và ký vào biên bản. Trong biên bản này có nêu tên, tuổi cụ thể của 13 thí sinh, cũng như phụ huynh.

Trong đó, có 2 trường hợp đáng chú ý. Một là thí sinh Lưu Thuỷ Tiên, con của bà Chúng Thị Chiên, Phó chủ tịch thường trực HĐND tỉnh. Biên bản do bị cáo Chính giải trình nêu rõ: "Bà Chiên nhắn tin có thể qua zalo hoặc tin nhắn qua số điện thoại thường dùng của bà Chiên" - đại diện HĐXX công bố.

Ngoài ra, HĐXX cũng cho biết trường hợp thứ hai là thí sinh Triệu Ngọc Mai, con của ông Triệu Tài Vinh. Biên bản ghi rõ lời bà Chính: “Trong cơ quan, nhiều người biết có con đồng chí Triệu Tài Vinh thi năm 2018. Mọi người có lúc trao đổi ngoài lề với nhau, đồng chí Vũ Văn Sử (Giám đốc Sở GĐ-ĐT) có nhắc "con Bí thư đấy", bà Chính nói: "em biết rồi".

Phiên toà sơ thẩm xét xử 5 bị cáo liên quan đến vụ gian lận điểm thi trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 tại tỉnh Hà Giang dự kiến diễn ra trong 3 ngày: 14, 15, 16-10. Các bị cáo gồm: Nguyễn Thanh Hoài và Vũ Trọng Lương, nguyên trưởng và phó Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Hà Giang, bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", quy định tại điều 356 Bộ luật Hình sự.

Bị cáo Triệu Thị Chính, nguyên phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Giang, bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi", quy định tại điều 358 Bộ luật Hình sự.

Bị cáo Phạm Văn Khuông, nguyên phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Giang và Lê Thị Dung, nguyên phó đội trưởng thuộc Phòng An ninh Chính trị nội bộ Công an tỉnh Hà Giang, bị truy tố về tội "Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi", quy định tại điều 366 Bộ luật Hình sự.

Các cơ quan tố tụng xác định 5 bị cáo nêu trên đã lợi dụng sơ hở, thiếu sót trong phần mềm xử lý bài thi trắc nghiệm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, thực hiện hành vi sửa bài thi để nâng điểm cho 107 thí sinh. Trong đó, thí sinh được nâng điểm cao nhất là 29,95 điểm với 4 môn, người thấp nhất 2,2 điểm đối với 1 môn.

Chia sẻ