Hồi sinh hai cụ bà 103 và 111 tuổi bị nhồi máu cơ tim

Văn Thành,
Chia sẻ

Các bác sĩ Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí (Quảng Ninh) vừa cấp cứu, điều trị thành công cho hai bệnh nhân hơn 100 tuổi cùng bị nhồi máu cơ tim.

Trường hợp đầu tiên là bệnh nhân Đỗ Thị Khược, 103 tuổi, trú tại Thái Thịnh, Kinh Môn, Hải Dương.

Cách vào viện 2 ngày, bệnh nhân xuất hiện đau ngực, khó thở, mệt mỏi. Do tình trạng đau ngực, khó thở tăng, kèm cơn vã mồ hôi, bệnh nhân đã được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí.

Qua thăm khám, bệnh nhân được xác định có cơn nhanh thất và rung nhĩ, tụt huyết áp 90/60 mmHg. Kết quả siêu âm tim cho thấy: buồng tim giãn, thiếu máu nhiều vùng ở cơ tim, chức năng tim giảm. Bệnh nhân được chẩn đoán suy tim cấp do nhồi máu cơ tim cấp, đã được điều trị tích cực với thuốc chống loạn nhịp, thuốc chống suy tim, vận mạch nâng huyết áp…

Hồi sinh hai cụ bà 103 và 111 tuổi bị nhồi máu cơ tim - Ảnh 1.

Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân Nguyễn Thị Đá, 111 tuổi, trú tại xã Hồng Thái Tây, Đông Triều, Quảng Ninh có tiền sử tăng huyết áp.

Cách vào viện 30 phút, bệnh nhân xuất hiện đau ngực nhiều, khó thở. Qua thăm khám, bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp, kèm tăng huyết áp, viêm phổi.

Bệnh nhân đã được điều trị nội khoa tích cực bằng thuốc chống đông, chống ngưng tập tiểu cầu, ổn định mảng xơ vữa, hạ huyết áp…

ThS.BS Hoàng Minh Quang, Trưởng Khoa Nội tim mạch cho biết: Thông thường với các trường hợp nhồi máu cơ tim ở người cao tuổi, nếu đủ điều kiện thì phương pháp điều trị bằng can thiệp đặt stent mạch vành là phương án tối ưu nhất. Tuy nhiên, trường hợp 2 bệnh nhân trên do tuổi cao nên sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ nếu chọn phương pháp này. Rất may mắn là cả 2 bệnh nhân đều được đưa đến bệnh viện khi xuất hiện các triệu chứng sớm của nhồi máu cơ tim nên đều đáp ứng điều trị tốt.

Nhồi máu cơ tim là bệnh lý nguy hiểm thường gặp ở người cao tuổi. Do ở nhóm tuổi này mạch máu trở nên cứng, kém đàn hồi, kèm các mảng xơ vữa lan tỏa gây hẹp lòng mạch, khiến cho tim co bóp bơm máu vào động mạch luôn gặp sức cản nên phải hoạt động nhiều hơn. Về lâu dài sẽ dẫn đến hậu quả là tim dày lên. Tim càng dày thì càng cần có nhiều máu đến nuôi dưỡng, trong khi các mạch máu bị hẹp lại, dẫn đến tình trạng nhồi máu cơ tim với biến chứng nặng nề nhất là suy tim, sốc tim. Tình trạng này khiến tim không thể thực hiện chức năng co bóp đẩy máu đi nuôi cơ thể, người bệnh có thể tử vong bất cứ lúc nào nếu không được cấp cứu kịp thời.

Chia sẻ