Hối hận muộn màng của bà mẹ dùng phương pháp đưa điều kiện vật chất để khuyến khích con học giỏi: "Nếu con..., mẹ sẽ..."
Liên tục dùng tiền bạc, phần thưởng vật chất để khuyến khích con học tốt, một bà mẹ đã hối hận. Thật vậy, phương pháp này nếu không áp dụng có chừng mực thì "lợi bất cập hại".
Không ít bậc phụ huynh thường lựa chọn cách khen thưởng khi con làm được việc tốt, học tốt. Ví dụ, rất nhiều cha mẹ sẽ ra điều kiện: Con được 3 điểm 10 trong tuần thì được mẹ thưởng cho một chuyến đi chơi; học kì này đạt danh hiệu học xuất sắc mẹ sẽ mua cho chiếc điện thoại di động...
Không phủ nhận tác dụng của phương pháp giáo dục "củ cà rốt" này sẽ khiến trẻ nỗ lực hơn, nhưng nếu không thận trọng cũng khiến trẻ có suy nghĩ lệch lạc. Một bà mẹ ở Trung Quốc tâm sự:
Cách đây một thời gian, tôi không hề có do dự khi sử dụng tiền hoặc phần thưởng vật chất để thúc đẩy con cái. Nhưng chính sự thất bại của mình khiến tôi tin rằng nhiều thứ không thể đo lường được bằng tiền. Bạn nên sử dụng tình yêu để tác động đến con cái và khiến chúng có trách nhiệm với bản thân, với gia đình.
Tôi có một cô con gái hiện đang là sinh viên năm nhất. Ngay từ nhỏ, khi con bé bắt đầu đi học thì tôi cũng như nhiều bậc phụ huynh khá giả khác, luôn khuyến khích con học tập bằng cách dùng tiền bạc, vật chất khen thưởng. Khi con gái xếp hạng cao trong kỳ thi, tôi sẽ cho con rất nhiều tiền tiêu vặt thay vì bị hạn chế 1 khoản ít ỏi; khi con gái đạt nhiều điểm tốt, tôi sẽ mua những món quà nó thích như búp bê barbie, bộ đồ nấu ăn...
Với phương pháp này, tôi hy vọng con gái sẽ nỗ lực học tập, thúc đẩy được sự tự giác của nó. Và tới khi con sắp thi đại học, tôi đã hứa sẽ tặng nó số tiền 20.000 nhân dân tệ (khoảng 67 triệu đồng) để đi du lịch, kèm theo nhiều món đồ đắt đỏ khác: điện thoại di động, máy tính xách tay đời mới.
Thật may, con bé đã đỗ vào trường top đầu của thành phố. Tôi thực hiện lời hứa đó và thấy đầy tự hào vì con gái bé nhỏ của mình. Thế nhưng, đây mới là thời điểm tôi dần nhận ra những sai lầm trong cách giáo dục.
Con gái tôi dường như nhận quá nhiều và không bao giờ nghĩ tới chuyện sẽ cho đi. Dù lên đại học, nhưng tâm hồn và tính cách con bé vẫn chỉ như thời cấp 2 và tiểu học vậy. Chưa bao giờ nó mua cho bố mẹ 1 món quà nếu không được yêu cầu. Thậm chí, việc thăm hỏi, thể hiện tình cảm cũng không.
Và giờ lên đại học, nó càng đưa ra nhiều những yêu sách khác: Chuyển tiền để con mua bộ váy yêu thích thì con sẽ về nhà thăm mẹ dịp lễ Quốc khánh, tăng tiền tiêu vặt hàng tháng thì con sẽ cố gắng học thêm và dành học bổng... Tôi thấy mệt mỏi hơn là tự hào và vui, con bé coi tôi là ngân hàng không hơn không kém.
Vài ngày trước, con gái gọi cho tôi. Nó nói sẽ ôn tập thật tốt cho kì thi và xin tôi thưởng một chiếc điện thoại cao cấp hơn. Tôi không đồng ý với điều này, chiếc điện thoại cũ vừa mua được 1 kì học và nó vẫn hoạt động rất tốt, tại sao lại phải bỏ đi để mua cái mới?
Thế nhưng con bé vẫn năn nỉ: "Nhưng chiếc điện thoại của con hãng ra bản cao cấp hơn rồi. Các bạn đều đã mua. Mẹ, con sẽ thi thật tốt mà, con đạt kết quả tốt thì mẹ mua cho con nhé!".
Tôi tắt máy, cảm thấy giận dữ vì sự đòi hỏi của con gái mình, giận cả sự đua đòi và lãng phí của nó. Tôi mua điện thoại, laptop đắt tiền làm phần thưởng cho kì thi đại học khó nhằn, nhưng không thể tùy tiện cho một kì thi học kì thế này được. Nhưng dường như con bé đã quá quen được thưởng vật chất nên nảy sinh tâm lý quà sau phải đắt tiền hơn, cao cấp hơn quà trước. Tôi bàng hoàng nhận ra dường như có lỗi của mình khi biến con gái thành ra như vậy. Và con bé đáng thương hơn là đáng trách.
Thật vậy, chính cha mẹ là người phải chịu trách nhiệm phần lớn về cách giáo dục của mình. Tôi đã liên tục truyền cảm hứng cho con bằng tiền hoặc vật chất, khiến ý thức trách nhiệm của con gái gần như con số 0 và quan điểm sống của nó bị bóp méo. Con bé cho rằng việc học chỉ nhằm mục đích nhận thưởng, không hiểu rằng kết quả học tập sẽ ảnh hưởng tương lai của chính mình.
Và tôi biết dù muộn nhưng cần phải hành động rồi, nếu không con gái sẽ thật sự thất bại khi bước ra khỏi cánh cổng trường đại học.
Hiện giờ, tôi vẫn đang trong quá trình thay đổi nhận thức của con gái, mọi thứ không quá tệ. Thật may mắn vì tôi đã nhận ra kịp thời.
Không phủ nhận lợi ích của việc khuyến khích con bằng phần thưởng, thế nhưng cha mẹ đừng lạm dụng với tần suất cao và "liều lượng lớn". Tôi nhận thấy hành động này không giúp trẻ tự tin hơn, đam mê hơn mà chỉ khiến chúng bị lệch lạc mục tiêu, làm mọi thứ chỉ vì phần thưởng. Do đó, một lần nữa tôi khuyên cha mẹ nên kiểm soát phương pháp "củ cà rốt" khi giáo dục con cái trong phạm vi hợp lý, hoặc bạn sẽ phải hối hận trong tương lai.
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả
Nguồn Sohu