Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM lên tiếng vụ nữ sinh 15 tuổi tố anh rể bạo hành: "Có tuyệt vọng thì nữ sinh mới cầu cứu mạng xã hội"
Liên quan đến vụ việc một nữ sinh 15 tuổi "tố" bị anh rể là BTV Minh Tiệp (Đài truyền hình Việt Nam) thường xuyên bạo hành suốt nhiều năm trên mạng xã hội, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM cho biết các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa để bảo vệ nạn nhân.
Trao đổi với chúng tôi chiều 28/5, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM cho biết các cơ quan chức năng, đặc biệt bên Hội phụ nữ, trẻ em cần phải vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa để xác minh làm rõ vụ việc, đảm bảo quyền lợi thiết yếu nhất cho trẻ em.
Nữ sinh 15 tuổi đã sử dụng diễn đàn mạng xã hội để tố BTV Minh Tiệp bạo hành.
"Sau khi nắm được thông tin trên mạng xã hội mà chính nạn nhân lên tiếng, chúng ta không nên thờ ơ trước những vụ việc như vậy mà cần phải nhanh chóng vào cuộc. Bé gái 15 tuổi còn quá nhỏ để có thể tự bảo vệ mình, phải rơi vào bế tắc, tuyệt vọng, không biết cầu cứu ai em mới dùng đến mạng xã hội để mong nhận được sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền.
Sự việc ở đây tôi nhìn nhận là rất nghiêm trọng khi em cho biết bản thân bị bạo hành trong một thời gian dài mà không nhận được sự quan tâm từ phía gia đình. Ở độ tuổi của em, tâm sinh lý đang phát triển, gia đình cần phải lắng nghe nhiều hơn để có thể chia sẻ, giúp đỡ thay vì tìm mọi cách để che giấu", luật sư Ngọc Nữ nhận định.
Theo luật sư Nữ, điều cần thiết nhất của các tổ chức bảo vệ phụ nữ, trẻ em là tiếp xúc với gia đình, nạn nhân để vận động, hỗ trợ họ mạnh dạn đứng ra lên án, tố giác tội phạm. "Không thể viện bất kỳ lý do nào để bao che cho những điều làm sai trái của người lớn gây tác động xấu để sự phát triển của trẻ. Chúng ta phải vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa để lắng nghe được những điều mà trẻ em nói. Từ đó xác minh, làm rõ bản chất vấn đề để có được hướng xử lý tốt nhất", luật sư Ngọc Nữ nhận định.
Về sự tác động của mạng xã hội liên quan đến câu chuyện nữ sinh 15 tuổi tố cáo BTV Minh Tiệp, luật sư Ngọc Nữ cho biết vừa có những ảnh hưởng tốt và không tốt đến vụ việc.
Luật sư Ngọc Nữ cho biết cần phải mạnh mẽ vào cuộc để xử lý những kẻ phạm tội, bảo vệ quyền lợi cho trẻ em.
Cụ thể, trước câu chuyện chia sẻ của nữ sinh, phần nào đó mạng xã hội, cộng đồng đã giúp tiếng nói của em đến với nhiều tổ chức nhà nước hơn, lên án hành vi bạo hành. Nhưng ở một mức độ nào đó, mạng xã hội khi chưa được kiểm chứng, xác minh sẽ đẩy vấn đề đi rất xa, khó kiểm soát và gây tổn hại trực tiếp đến cuộc sống, sinh hoạt của nữ sinh 15 tuổi.
"Như tôi đã nói, điều cần thiết nhất lúc này là các cơ quan có thẩm quyền, hội bảo vệ trẻ em lên tiếng để đưa vụ việc được sáng tỏ một cách nhanh nhất, tránh những hệ lụy tiêu cực xảy ra. Trong suốt những năm làm công tác bảo vệ trẻ em, chúng tôi hiểu sự cấp thiết lúc này, cần phải lên tiếng để giúp đỡ nạn nhân, tránh tình trạng em ấy áp lực, suy nghĩ những điều tiêu cực khác khi đã mạnh dạn chia sẻ câu chuyện của mình", luật sư Ngọc Nữ nói.
Tham gia công tác bảo vệ trẻ em nhiều năm liền, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM đã có những đóng góp to lớn trong quá trình đấu tranh bảo vệ trẻ em bị xâm hại tình dục, bạo hành trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh khu vực phía Nam.
Nhiều vụ việc Hội Bảo vệ Quyền trẻ em tiếp nhận đã giúp được hàng chục nạn nhân đòi lại công bằng, lên tiếp kịp thời, đúng lúc để hỗ trợ trẻ em. Đơn cử như vụ bé H.M.K (13 tuổi) bị xâm hại dẫn đến tự tử chết, Hội đã kết hợp với các luật sư khác để đưa vụ việc ra ánh sáng từ lúc không khởi tố đến mức án 7 năm tù dành cho kẻ phạm tội.
Vụ bé gái 13 tuổi câm điếc bị hiếp dâm, Hội cũng đã hỗ trợ đấu tranh để hung thủ nhận mức án từ 15 năm tù sơ thẩm đến 17 năm tù phúc thẩm. Tù chung thân cho kẻ hiếp dâm bé gái 2,5 tuổi... Đặc biệt nhất, trong vụ án Nguyễn Khắc Thủy dâm ô nhận 18 tháng tù treo, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM đã lên tiếng kịp thời, sau đó Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam đã gởi đơn đến Phó Thủ tướng chính phủ về nội dung bản án phúc thẩm tuyên phạt chưa đúng người, đúng tội. Để từ đó, TAND tối cao đã hủy bản án phúc thẩm để điều tra lại nhận được sự đồng tình trong dư luận.