Học trò đánh nhau và hai người mẹ

THANH NGUYỄN,
Chia sẻ

Giữa giờ học thể dục, hai cậu học trò so kè cờ vua. K. và D. là đôi bạn thân, lực học khá nhất lớp. Sau mấy nước cờ, K. dẫn trước và vô tư bảo đối thủ "non". D. gạt phăng bàn cờ và tung nắm đấm vào bụng K.

Học trò đánh nhau và hai người mẹ - Ảnh 1.

Hai đứa trẻ tuổi 12 vừa đánh đấm loạn xạ vừa khóc tức tưởi, đến khi các bạn báo với giáo viên thể dục thì mới dừng lại.

Tôi sững người bởi tình huống bạo lực học đường ở lớp chủ nhiệm. Tôi nhắn tin: "Mai đi học sớm, giờ truy bài sang phòng hội đồng gặp cô". K. liền "dạ". Còn mẹ của D. lập tức gọi lại hỏi han và bất ngờ khi nghe chuyện. 

Hôm sau, hai bạn nhỏ... khoác vai đến gặp cô. Hành lang phòng hội đồng vang lên tiếng trò chuyện vui tươi của hai bạn nhỏ mới hôm qua còn lao vào nhau hơn thua. Tôi bật cười hỏi: "Sao hôm qua hai em không thân thiện như vậy để cô và mẹ đỡ nhọc lòng?". Hai đứa trẻ ngượng nghịu cười.

Tôi phân giải và khuyên nhủ thật nhiều điều về tình bạn tuổi học trò, về cách sử dụng lời ăn tiếng nói phù hợp, về kỹ năng điều tiết cảm xúc, về sự kiềm chế và bao dung... 

Lát sau, hỏi chuyện về hai bà mẹ, K. bảo mẹ cháu khẳng định cháu có một phần lỗi vì cháu đã dùng từ ngữ chưa hợp lý để chê bai bạn. Còn D. không dám kể với mẹ, chỉ khi cô trao đổi thì mẹ mới biết chuyện. Mẹ D. khẳng định: "Sau khi tường tận câu chuyện, nếu bạn K. có lỗi thì mẹ sẽ góp ý với bạn. Còn nếu lỗi thuộc về phần con, mẹ sẽ phạt con!".

Nghe học sinh kể, tôi thầm cảm ơn hai người mẹ đã bình tĩnh suy xét vấn đề, thấu hiểu khi nhìn nhận lỗi lầm của con trẻ và công tâm. Bởi đã có chuyện phụ huynh nghe con bị bạn đánh đã xông đến trường "xử tội" đứa trẻ dám đụng đến con mình, rồi cảnh kéo anh em bạn bè đến hỗn chiến chỉ vì những xích mích nhỏ nhặt, hờn giận vu vơ của mấy đứa trẻ ăn chưa no lo chưa tới...

Chia sẻ