Học sinh xúc phạm, bạo lực với giáo viên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Đông,
Chia sẻ

Những học sinh có hành vi bạo lực với giáo viên sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Mới đây, cộng đồng mạng vô cùng bức xúc trước đoạn clip ghi lại cảnh một nhóm học sinh cấp 2 ở Tuyên Quang dồn cô giáo vào góc tường, buông lời xúc phạm. Ở một đoạn clip khác, nữ giáo viên tiếp tục bị tấn công, thậm chí khóa cửa không cho ra ngoài. Nhiều em còn ngang nhiên ném giấy, rác vào cô giáo. Đỉnh điểm, một chiếc dép không rõ của học sinh nào ném trúng trán khiến nữ giáo viên choáng váng vài giây rồi lăn ra ngất xỉu.

Học sinh xúc phạm, bạo lực với giáo viên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự? - Ảnh 1.

Không chỉ có hành vi lăng mạ cô giáo... (Ảnh chụp màn hình)

Học sinh xúc phạm, bạo lực với giáo viên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự? - Ảnh 2.

... mà nhóm học sinh này còn ném dép trúng chán khiến cô giáo ngất xỉu (Ảnh chụp màn hình)

Không lâu sau đó, cộng đồng mạng lại truyền tay nhau thêm một đoạn clip cảnh học sinh trêu đùa bỡn cợt cô giáo trong lớp học. Vì không giữ được bình tĩnh nên cô giáo cầm dép đuổi đánh học sinh trước tiếng reo hò đầy phản cảm của đám đông xung quanh.

Theo báo cáo của UBND huyện Sơn Dương, sự việc diễn ra vào lúc 10h30 sáng 29/11 tại trường THCS Văn Phú (xã Văn Phú, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang), vào giờ học tiết 3 môn Âm nhạc ở lớp 7C do giáo viên P.T.H. (SN 1985) giảng dạy. Khi bắt đầu tiết Âm nhạc ở lớp 7C, thấy một số học sinh vẫn ở ngoài chưa vào lớp học, cô H. nhắc nhở thì các em học sinh có phản ứng lại. Trong giờ học, một số học sinh xin ra ngoài nhưng cô H. không đồng ý. Sau đó giữa giáo viên và học sinh có khúc mắc trong giờ học.

Hết tiết học, cô giáo chuyển sang dạy lớp 6A thì một số học sinh lớp 7C đi sang tiếp tục buông những lời nói thô tục nhằm xúc phạm cô giáo.

Học sinh xúc phạm, bạo lực với giáo viên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự? - Ảnh 3.

Cô giáo cầm dép đuổi đánh học sinh (Ảnh chụp màn hình)

Liên quan đến vụ việc, sáng nay (6/12), Bộ GD&ĐT đã ra văn bản liên quan vụ đến vụ việc này. Bộ đánh giá đây là hành vi vi phạm đạo đức nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận nên đề nghị tỉnh Tuyên Quang xác minh, xử lý nghiêm khắc theo đúng mức độ vi phạm của các cá nhân và tập thể liên quan.

Ngoài ra, Bộ yêu cầu Sở GD&ĐT tỉnh Tuyên Quang rút kinh nghiệm, tăng cường kỷ cương trường học, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, thường xuyên kiểm tra, phối hợp với gia đình và các tổ chức liên quan trong việc quản lý, giáo dục học sinh. Bộ GD&ĐT đề nghị UBND tỉnh thông báo kết quả xử lý tới Bộ trước ngày 29/12.

Chiều 6/12, tại trường THCS Văn Phú, công an huyện Sơn Dương xuất hiện và có buổi làm việc với nhà trường liên quan đến vụ cô giáo P.T.H. bị nhóm học sinh dồn vào góc tường, xúc phạm.

Học sinh xúc phạm, bạo lực với giáo viên bị xử lý thế nào?

Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng văn phòng tại Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật và Trưởng Văn phòng Luật sư tại Văn Phòng Luật sư Diệp Năng Bình chỉ ra, bạo lực học đường là những hành vi hung hãn, hiếu chiến, thách thức luật pháp, đạo lý, xúc phạm nhân phẩm người khác gây nên những tổn hại về tinh thần và thể xác diễn ra trong phạm vi trường học.

Một số hành vi bạo lực trong trường học có thể gây ra những tổn thương về mặt tâm lý và thể chất cho những người bị ảnh hưởng, đặc biệt là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Những hành vi này không chỉ vi phạm đạo đức, luật pháp mà còn làm mất uy tín của trường học và xã hội. Do đó, những học sinh có hành vi bạo lực với giáo viên sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Học sinh xúc phạm, bạo lực với giáo viên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự? - Ảnh 4.

Luật sư Diệp Năng Bình

Cụ thể, theo Thông tư 08/TT năm 1988 hướng dẫn về việc khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh các trường phổ thông, học sinh có thể bị kỷ luật theo một trong ba hình thức sau: Cảnh cáo trước lớp, đuổi học một tuần lễ, đuổi học 01 năm. Ngoài ra, học sinh có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự:

Xử lý hành chính: Theo khoản 1 Điều 26 Nghị định 04/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, đối với hành vi xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong cơ sở giáo dục nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự có thể bị phạt tiền từ 05 triệu đến 10 triệu đồng.

Ngoài ra, học sinh có hành vi vi phạm có thể phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả: xin lỗi công khai người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm; xâm phạm thân thể đối với hành vi vi phạm, trừ trường hợp người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm; xâm phạm thân thể có yêu cầu không xin lỗi công khai.

Xử lý hình sự: Học sinh có hành vi đánh dẫn đến gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khoẻ của giáo viên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% trở lên hoặc dưới 11% nhưng không nằm trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 134 BLHS 2015 sửa đổi bổ sung 2017 thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác.

Khung hình phạt cao nhất của tội danh này là từ 07 năm đến 14 năm tù; khung hình phạt thấp nhất là cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Tuy nhiên nếu đối tượng vi phạm là người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi thì phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Điều 134 BLHS 2015. Còn lại, người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự với mọi khung hình phạt (theo Điều 9, 12 BLHS 2015 sửa đổi bổ sung 2017).

Chia sẻ