Học sinh quậy phá, chống đối trong lớp: Tình huống sư phạm "nan giải" và cách các giáo viên, chuyên gia giáo dục giải quyết

Hạ Uyên ,
Chia sẻ

Học sinh không tự nhiên quậy phá, không nghe lời. Dù nguyên nhân là do vấn đề đơn giản từ bản thân trẻ hay từ gia đình, thầy cô đứng lớp thì biện pháp cần thiết vẫn nên xuất phát từ sự thông cảm và tình yêu thương.

Lì lợm, chểnh mảng, khó dạy... là những từ ngữ người ta nói về những học sinh hay quậy phá. Vậy nguyên nhân sự chống đối này thường xuất phá từ đâu? Học sinh không thể vào nề nếp là trách nhiệm của gia đình hay nhà trường? Nếu được giáo dục đúng cách, những đứa trẻ ấy liệu có thể trở thành học trò tốt hay không?

Xin được chia sẻ những kinh nghiệm giải quyết tình huống sư phạm "nan giải" này từ các giáo viên và chuyên gia giáo dục sau đây:

Cô giáo Lương Ngọc Anh (giáo viên tiểu học tại Hà Nội): Không phải học sinh quậy phá nào cũng có nguyên nhân giống nhau

"Mình có một học sinh cũ, chống đối và không nghe lời, hay phản ứng. Mỗi lần không vừa lòng là nằm lăn ra đất, khóc lóc giãy giụa nhưng lại rất thích là trung tâm của sự chú ý.

Thời gian đầu mình chỉ quan sát và theo dõi trẻ trong một thời gian. Bước tiếp theo sẽ rút ra đặc điểm tâm lý của bạn đó. Sau đó sẽ thiết kế phương pháp riêng, phù hợp với bạn ấy. Bước 4 sẽ áp dụng và điều chỉnh cho phù hợp".

Theo cô Ngọc Anh, thực ra bản chất một đứa trẻ luôn nhiều phần Thiện, chúng cần sự yêu thương. Thông thường muốn khắc phục tình trạng đó cô sẽ kết nối với bạn nhỏ trước để xem thực sự tâm tư tình cảm con muốn gì, nguyên nhân do đâu lại có những hành động bộc phát như vậy.

Làm gì khi học sinh quậy phá, chống đối: Không có biện pháp thần kỳ nào để "cảm hóa" học sinh ngoài sự mềm mỏng, thương yêu và sự chung tay từ phía gia đình - Ảnh 1.

Cô giáo Lương Ngọc Anh.

"Có nhiều bạn là do quá hiếu động. Có nhiều bạn do sự tác động từ gia đình. Có nhiều bạn do gặp phải những tổn thương về tâm lý nào đó mà không hay biết như thiếu kết nối với người thân, bố mẹ. Thiếu đi tình cảm và sự thấu hiểu từ bố mẹ. Chúng cần một người lắng nghe.

Trong hầu hết trường hợp nếu người lớn quan tâm và kết nối đủ với trẻ con, chắc chắn không có tình trạng con quậy phá gì. Nên gần như mình không bao giờ dùng hình phạt nhưng phải cho đứa trẻ hiểu đâu là ranh giới việc con đang làm, để không gây ảnh hưởng tới người khác. Nguyên tắc chính của mình là dựa trên sự thông cảm và tình yêu thương", cô Ngọc Anh chia sẻ.

Theo kinh nghiệm của mình, cô Ngọc Anh cho rằng nếu nguyên nhân chỉ là vấn đề đơn giản của bản thân trẻ thì 100% sau đó sẽ có phản ứng tích cực. Nhưng nếu nguyên nhân từ gia đình hoặc cách hành xử của bố mẹ khiến con như vậy thì phụ thuộc vào bố mẹ rất nhiều. Bố mẹ phải hiểu ra thì con mới thay đổi được.

"Còn nhiều gia đình bố mẹ đánh đập bạo hành con khiến trẻ ảnh hưởng tâm lý. Không có biện pháp thần kỳ nào để "cảm hóa" học sinh ngoài sự mềm mỏng, thương yêu và sự chung tay từ phía gia đình. Vì vậy trước tiên cần có kết nối với đứa trẻ để thấu hiểu mới giúp trẻ vượt qua những hành động hay phản ứng chưa phù hợp. 

Nếu do gia đình thì cần trao đổi xem bố mẹ có nhận ra vấn đề không. Bố mẹ không hợp tác thì gần như giáo viên chỉ có thể tác động đến đứa trẻ một phần. Có cải thiện thì đây cũng là cái ngọn trong khi bộ gốc rễ đang có vấn đề. Vai trò của gia đình trong việc giáo dục trẻ là hết sức quan trọng bởi đây là môi trường có ảnh hưởng đến tâm lý, tính cách con sâu sắc nhất". 

Giáo viên nói về kinh nghiệm "cảm hóa" học sinh quậy phá, chống đối: Không có biện pháp thần kỳ nào nếu gia đình không hợp tác - Ảnh 2.

Với trường hợp trẻ chống đối vì không thích giáo viên, theo cô Ngọc Anh cần tìm hiểu nguyên nhân. "Nếu chỉ vì tâm lý thì trẻ con có quyền thích hoặc không thích ai đó. Và mình cũng có quyền thuyết phục hoặc làm trẻ thích mình. Cứ gần gũi, cởi mở, đừng tạo khoảng cách giữa cô giáo và học sinh mà hãy là những người bạn thì trẻ sẽ chịu tiếp nhận thầy cô".

"Ứng xử với học sinh thế này thì giáo viên cần rèn sự bình tĩnh, kiên định, không nổi nóng, mềm mỏng hoặc cứng rắn khi cần. Vì mỗi đứa trẻ là một cá thể khác nhau, nên cách xử lí của mình cần linh hoạt. Đó cũng là những thử thách và bài học dành cho giáo viên để tự rèn luyện và hoàn thiện mình".

Tiến sĩ Vũ Thu Hương (Nguyên giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, ĐHSPHN): Trong giờ học, mọi trách nhiệm là của giáo viên đứng lớp

Tiến sĩ Vũ Thu Hương cho rằng, để học sinh quậy phá chống đối, trong giờ học mọi trách nhiệm là của giáo viên đứng lớp. Nhưng sau khi kết thúc lớp học, cô có thể liên lạc với gia đình bàn cách dạy trẻ. Khi một bạn nào đó phá lớp hoặc chống đối, cô có thể sẽ giữ bình tĩnh cho bạn, cũng có thể sẽ xử phạt, cũng có trường hợp nhờ bạn làm việc gì đó để bạn quên đi.

Giáo viên nói về kinh nghiệm "cảm hóa" học sinh quậy phá, chống đối: Không có biện pháp thần kỳ nào nếu gia đình không hợp tác - Ảnh 3.

Tiến sĩ Vũ Thu Hương.

"Tôi dạy đại học thì không có tình trạng chống đối quậy phá, các sinh viên đều rất trân trọng. Nhưng dạy trẻ nhỏ thì có vì các con chưa hiểu biết nhiều. Lúc đó tôi có hai cách xử lý. Một là lờ đi và kéo cả lớp quay sang công việc khác, đợi bạn ấy bình tĩnh lại rồi tự tiếp tục học. Hai là giao việc cho lớp rồi xuống nói chuyện, chia sẻ với bạn ấy, thậm chí dắt tay nhau đi vòng quanh lớp, hỏi chuyện cho đến khi bạn ấy sẵn sàng học".

Theo TS Hương, giáo viên có thể xử phạt nhưng không có nghĩa là bạo lực. Có rất nhiều cách xử phạt mà trẻ không bị tổn thương: "Có thể (mang nghĩa xử phạt) nhưng giao cho bạn ấy đi một vòng quanh sân (giao đồ cho cô hiệu trưởng chẳng hạn), cũng có thể là chép phạt. Với trẻ lớn hơn, mọi việc sẽ dễ hơn vì các con đã trải qua rất nhiều tình huống từ nhỏ. Vì thế, chỉ cần cho chép phạt là đủ".

Giáo viên nói về kinh nghiệm "cảm hóa" học sinh quậy phá, chống đối: Không có biện pháp thần kỳ nào nếu gia đình không hợp tác - Ảnh 4.

Về quan điểm cho rằng giáo viên hiện nay bị động hơn, mỗi lời nói, hoạt động dạy học, xử phạt đều bị theo dõi, săm soi, dẫn tới nhiều giáo viên có tâm lý "bỏ mặc", TS Hương cho rằng: "Thực trạng này đúng là có xảy ra. Cha mẹ là số phận con cái. Những can thiệp của bố mẹ vào nhà trường đã khiến trẻ hiểu mình được bố mẹ "bảo kê". Vì thế, các con sẽ cố thử làm những thứ bị cấm được ghi trong nội quy. Nếu xúc phạm, lăng mạ, cư xử lệch chuẩn với những học sinh này chắc chắn thất bại".

Theo cô Thu Hương, dù quậy phá nhưng các con vẫn để dành một chút nể sợ cho giáo viên. Trẻ tiểu học thì dù là lớp 5 tâm lý vẫn khá đơn giản. Các cô giáo hoàn toàn có đủ hiểu biết và kinh nghiệm để xử lý tốt. Khi các con lên cấp 2, sự biến đổi tâm lý kèm với môi trường thay đổi (bạn bè cũng thay đổi tâm lý) mới khiến các vấn đề đôi khi khó giải quyết.

"Tuy vậy trẻ dù tuổi teen vẫn là trẻ con. Nếu con chống đối cô, chắc chắn có lý do. Cô tìm lý do và giải quyết ổn là xong. Nguyên tắc giúp người khác thay đổi là cần góp ý cho việc làm sai chứ không chê con người họ. Các em cần được tôn trọng và cần được giúp đỡ trong tình yêu thương. Giáo viên cần có thái độ thân thiện với các em, giúp các em có cơ hội sửa lỗi. Giáo dục gia đình rất quan trọng, và cần lắm sự hợp tác chặt chẽ giữa gia đình với nhà trường", TS Hương chia sẻ.

Chia sẻ