Học sinh lớp 1 viết đôi dòng tâm thư, chỉ nhắc đến hai từ mà mọi ông bố đều giật mình thon thót: Ủa, tưởng đang nói mình?

Hiểu Đan,
Chia sẻ

Vài dòng tâm thư ngắn ngủn nhưng em bé ở TP.HCM này khiến cả bố lẫn mẹ đều phải nhìn nhận lại cách ứng xử của mình.

Dù bố mẹ - con cái được xem là mối duyên "trời định", thế nhưng không hẳn vì thế mà mọi thứ cứ tự dưng tốt đẹp lên. Mối quan hệ nào cũng cần xây đắp, và tình cảm của trẻ với những người trong gia đình cũng vậy.

Bố mẹ đôi lúc nghĩ trẻ con cũng chỉ là... trẻ con. Thế nhưng bố mẹ biết không, trẻ con cũng là một cá thể độc lập, có chính kiến. Trẻ con cũng biết buồn, biết tủi thân... Có nhiều điều lũ nhỏ có thể không nói ra nhưng sâu trong lòng chúng lại thấy bị tổn thương ghê gớm.

Những dòng "nhật ký" của cô bé lớp 1 sau đây là một ví dụ. Dù chỉ vỏn vẹn 2 dòng thôi, nét chữ hãy còn ngây ngô và chính tả còn sai rất nhiều, nhưng những gì ẩn chứa trong đó thì rất đáng lưu tâm.

Học sinh lớp 1 viết đôi dòng tâm thư, chỉ nhắc đến hai từ mà mọi ông bố đọc xong đều giật mình thon thót: Ủa, tưởng đang nói tới mình? - Ảnh 1.

Những dòng "nhật ký" của cô bé lớp 1.

Cô bé viết: Ba mẹ đâu có thương mình đâu. Ba mình chỉ có việc chửi tục thôi. Chỉ vài từ nhưng bức tâm thư đầy xót lòng của bé khiến phụ huynh phải giật mình nhìn lại cách ứng xử của mình. Đặc biệt hai từ CHỬI TỤC, chẳng phải là thói quen nhiều ông bố vẫn đang mắc phải hay sao?

"Dọn giá sách vô tình thấy tờ giấy con nhét trong một góc tập, tay chân mình bủn rủn. Thực sự thì trong gia đình có hai con nhỏ, mình rất chú ý tới chuyện cư xử làm sao để con gái lớn không cảm thấy bị thiệt thòi hay nghĩ ba mẹ có em trai mà bớt thương mình. 

Mình cứ nghĩ mình khá tâm lý nhưng sau khi đọc được những dòng chữ non nớt của con, mình đã ngồi lại cùng ông xã và xác định xem vợ chồng mình đã sai ở đâu. Có lẽ thời gian này bé trai mình hay bệnh vặt, hai vợ chồng tập trung lo cho bé mà lơ là con gái", chị Kiều Loan (TP.HCM), mẹ cô bé chia sẻ.

Chị Loan cho biết chồng chị khá đằm tính, thương con. Chuyện chửi tục chị rất hiếm khi nghe thấy, "nhưng có lẽ một lúc tức giận nào đấy chồng mình không kiềm chế được và nói lời không hay với con. Anh đã xin lỗi con và cũng hứa sẽ rút kinh nghiệm, cố gắng kiểm soát lời nói của mình. Đôi khi mình cứ nghĩ con còn nhỏ, con không để ý hay nghĩ gì nhưng tụi nhỏ giờ già dặn hơn và theo mình thì có vẻ cũng dễ tổn thương hơn. Con mới học xong lớp 1 thôi, mình khá bất ngờ khi đọc được những dòng chữ của con bé". 

Học sinh lớp 1 viết đôi dòng tâm thư, chỉ nhắc đến hai từ mà mọi ông bố đọc xong đều giật mình thon thót: Ủa, tưởng đang nói tới mình? - Ảnh 2.

Mong ước của mọi bậc cha mẹ là nuôi dưỡng nên những đứa con giỏi giang, ngoan ngoãn, trưởng thành. Thế nhưng, nhiều trong số họ đang làm sai cách. 

Việc một đứa bé nhận thức rằng mình không được yêu thương bằng anh chị em có thể làm tổn thương lòng tự trọng của chúng. Đối với các bậc bố mẹ, nếu không muốn con cái tổn thương và lớn lên sống tách biệt với gia đình, hãy hành động ngay bây giờ để giúp con không còn tự ti và ghen tỵ với anh chị em của mình.

Bên cạnh đó, trẻ em rất hồn nhiên, đặc biệt là học theo rất nhanh cách ứng xử, xưng hô của người lớn xung quanh nơi các em đang sống. Nếu một môi trường mà bố mẹ, anh chị, ông bà thường xuyên văng tục, chửi tục thì chắc chắn các em sẽ bị ảnh hưởng một cách vô thức và dần hình thành thói quen đó ngay từ khi còn bé. 

Mà chúng đã nói tục từ nhỏ thì lớn lên quen miệng, mở miệng ra là văng tục ngay được. Văng tục, bỗ bã dần dần sẽ hình thành nên tính cách. Quen miệng chửi tục có thể khiến trẻ trở nên cợt nhả, không tôn trọng người khác, ngay cả người lớn tuổi. Đó là hình ảnh mà chắc hẳn không bố mẹ nào muốn thấy ở con cái mình.

Chia sẻ