Học sinh "hư" có hạnh phúc được không? Câu trả lời bất ngờ của một PGS.TS từ trường hợp cụ thể
Với các học trò "ngoan" thì xây dựng trường học hạnh phúc thường dễ hơn. Vậy học trò "hư" thì sao? Học trò "hư" liệu có hạnh phúc được không?
PGS.TS Lê Văn Hảo - Nguyên Viện phó Viện Tâm lý - Viện Hàn Lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam. Trong một lần chia sẻ mới đây, PGS.TS đã có những chia sẻ gây chú ý về "trẻ ngoan, trẻ hư" cũng như các bước để chinh phục học trò.
Theo ông, không có trẻ/học sinh hư, miễn có sự kết nối ấm áp và chuyển hóa, có thể giúp học sinh thay đổi dựa trên điểm mạnh và tích cực.
Không có trẻ hư!
Ông Hảo cho rằng, khái niệm "ngoan" thường được cho là nghe lời, thụ động, không có chủ kiến, không có tư duy phản biện. Với các học trò "ngoan" thì xây dựng trường học hạnh phúc thường dễ hơn. Vậy học trò "hư" thì sao? Học trò "hư" liệu có hạnh phúc được không?
Chẳng hạn trường hợp cụ thể: Một em học sinh tên H. 13 tuổi, trong giờ học luôn quậy phá, ngọ ngoạy, quay bên này, quay bên kia, có khi còn giật áo, cốc đầu bạn bên cạnh. Thỉnh thoảng lại đứng lên trong khi đáng lẽ em phải ngồi tại chỗ và tập trung vào bài cô giao. Tóm lại hành xử theo cách thức không phù hợp, ngược lại với những điều thầy cô mong đợi.
Những học sinh kiểu như vậy không hề hiếm. Trong lớp học có 35 - 40 em học sinh, thường không tránh khỏi một vài em được gắn nhãn "hư". Có thể 13 tuổi hay nhỏ hơn, lớn hơn, có thể là bé trai hoặc bé gái.
Theo PGS.TS Lê Văn Hảo, đằng sau mọi hành vi diễn ra đều nhằm một mục tiêu nhất định. Và phía sau hành xử khác biệt của các em học sinh này có thể là nhằm thu hút sự chú ý. Con người sẽ thu hút sự chú ý của những người có ý nghĩa với mình trong cuộc đời mình. Và nếu như không được sự chú ý, ta sẽ buồn về mặt cảm xúc hoặc có những hành động khác biệt. Đó là một phần tự nhiên của con người.
"Hành vi của em học sinh này đã lặp lại nhiều lần và giáo viên đã dùng nhiều cách nhưng chưa có kết quả. Và giáo viên nhận thấy em này như có vẻ cố ý chống lại. Nguyên nhân thứ nhất là thu hút sự chú ý, thứ hai có thể là sự phản kháng, chống đối, thể hiện cái tôi hoặc tìm kiếm quyền lực. Ta nghĩ rằng chỉ có người lớn mới tìm kiếm quyền lực. Nhưng trẻ ở tuổi teen rất muốn phát triển sự độc lập nhiều hơn, có khả năng quyết định, kiểm soát những gì liên quan đến mình.
Khả năng thứ 3, đó là trẻ bị tổn thương nên cần trả đũa, có thể liên quan đến giáo viên, hoặc không. Chẳng hạn ở nhà bị bắt nạt, trẻ bị tổn thương nhưng không có ai nghe thấy nhìn thấy thì mình cũng muốn ai đó bị tổn thương để người ta có hiểu nỗi đau của mình. Có thể từ thời thơ ấu, có thể bị lạm dụng và nhiều nguyên nhân khác nữa mà đứa trẻ đã phải trải qua và nó còn ghi dấu vết. Những trải nghiệm ấy sẽ theo đứa trẻ rất lâu, bởi ký ức không thể xóa nhòa.
Quay trở lại trường hợp quậy phá trong lớp, khả năng nữa có thể xảy ra đó là cô giao bài và em không làm, bởi bài rất khó dưới góc nhìn học sinh. Tức là nguyên nhân né tránh/không phù hợp (cảm thấy nhiệm vụ quá khó hoặc quá dễ và buồn chán). Né tránh cũng là một mục đích, động cơ nằm phía sau rất nhiều hành vi của đứa trẻ.
Như vậy, đằng sau hành vi quậy phá của em H. lại là những động cơ, mục tiêu khác nhau. Không có trẻ hư là điều có thể tin được chứ không phải là phi thực tế.
"Hành vi của H nếu gây chú ý thì khiến người lớn khó chịu; Tìm kiếm quyền lực khiến người lớn tức giận; Trả đũa thì người lớn tổn thương; Né tránh khiến người lớn tức giận. Mấy cảm xúc này đều là cảm xúc âm tính và tiêu cực cả", thầy Hảo nói.
Sau mỗi hành vi "hư" thường là nhu cầu chưa được đáp ứng. Hành vi "hư" thực chất là một cách giao tiếp. "Hành vi hư là gửi cho mình một thông điệp: Xin hãy chú ý đến con, hãy kết nối với con một cách hữu ích. Nếu mục đích là thể hiện quyền lực tức là truyền thông điệp: Hãy để con/em tự làm/tự lựa chọn. Nếu là trả đũa tức là "con/em bị tổn thương. Hãy thấu hiểu và xác nhận cảm của con. Thể hiện sự không phù hợp, né tránh, tức là trẻ muốn truyền tải thông điệp: Đừng mất lòng tin vào con/em. Hãy giải thích và hướng dẫn cho con cách làm".
Làm thế nào để giúp đứa trẻ này?
Câu trả lời là: Chúng ta cần thay đổi góc nhìn để thấy một phần thực tế khác. Khi gặp một hành vi ở nhà hay ở trường, thay vì phản ứng, ta có thể đặt ra 5, 7 vấn đề:
Thứ nhất: Có khi mình kỳ vọng không phù hợp về mặt phát triển.
Thứ hai: Nhu cầu độc lập, năng lực kiểm soát
Thứ ba: Thiếu kỹ năng.
Thứ 4: Căng thẳng, lo âu, sợ hãi.
Thứ 5: Nhu cầu về cảm xúc chưa được đáp ứng, không có kết nối ở nhà, thiếu an toàn và chán nản. Những đứa trẻ "hư" phần lớn là những đứa trẻ chán nản.
Thứ 6: Vấn đề giác quan...
Tạo sự kết nối ấm áp và giúp học sinh thay đổi dựa trên điểm mạnh và tích cực với học sinh thế nào?
"Tất cả những người trưởng thành hay người lớn cũng từng là trẻ con, nhưng chỉ có vài người trong số họ nhớ được điều này". Trẻ cần cảm thấy được an toàn, yêu thương, tôn trọng, thấu hiểu và có giá trị. Đó là một điều kiện cơ bản để có thể giúp cho đứa trẻ phát triển lành mạnh, hạnh phúc và bình thường.
Kết nối ấm áp chính là: Tạo cho trẻ cảm giác an toàn; Làm cho trẻ cảm thấy được yêu thương; Thể hiện sự yêu thương bằng ngôn ngữ và hành động; Hiểu trẻ nghĩ như thế nào ở lứa tuổi này; Hiểu trẻ cảm thấy như thế nào.
Muốn kết nối cần thấu hiểu, muốn thấu hiểu cần lắng nghe. Lắng nghe để thấu hiểu khác với lắng nghe để phản ứng. Phần lớn ta nghe để biết thông tin và chỉnh sửa thay vì thấu hiểu và kết nối.
Hướng dẫn cảm xúc: Nhận ra cảm xúc của trẻ ở nhà hay học sinh. Sau đó coi đó là cơ hội để kết nối, giúp đỡ; Giúp trẻ/học sinh xác định cảm xúc, gọi tên của nó; Thể hiện mình hiểu và thấu hiểu với trẻ/học sinh. Đặt ra giới hạn và giải quyết vấn đề.
Chấm đen trên tờ giấy trắng nhỏ hơn rất nhiều nhưng nhiều người lại giỏi phát hiện "chấm đen" hơn. Điểm mạnh và tích cực đứa trẻ nào cũng có cả. Mắc lỗi là một phần trong quá trình phát triển của trẻ, là cơ hội để học hỏi và phát triển. Vậy nên, cần khích lệ, nâng cao lòng tự trọng, tự tin và động cơ cho trẻ/học sinh. Chán nản là nguyên nhân của hầu hết các thất bại học đường. Khích lệ chính là nhìn vào những cố gắng, tiến bộ.
Kết quả học tập cao nhất chính là sự tiến bộ hơn và vui thích hơn mỗi ngày.