Học sinh 'gà gật' đến trường vì vào học sớm: Nên đẩy sau 8h, học xuyên trưa?

Đỗ Hợp,
Chia sẻ

Một số nhà giáo, chuyên gia giáo dục cho rằng, có thể điều chỉnh giờ học của bậc tiểu học, THCS lên tới 8h. Mặt khác, các trường cũng có thể tính đến phương án điều chỉnh giờ ngủ buổi trưa sao cho hợp lý.

Thời gian gần đây, phụ huynh TPHCM tranh luận sôi nổi về thời gian vào học của học sinh thành phố, trong đó có ý kiến thời gian vào học của học sinh tiểu học quá sớm, có trường tổ chức học lúc 7 giờ, thậm chí sớm hơn là 6 giờ 45 phút, điều này ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh. Nhiều em phải thức dậy sớm, ăn bữa sáng vội vàng, thậm chí không đủ thời gian ăn để kịp giờ vào học.

Nên chỉnh giờ bậc tiểu học?

Cô Nguyễn Thị Thanh, giáo viên trường Myoji Junior high school, Katsuragi cho, Wakayama (Nhật Bản) cho rằng, việc học sinh tiểu học phải đến trường từ 6h45 phút hoặc 7h15 phút là hơi sớm và cần có điều chỉnh hợp lý.

Cô Thanh cho rằng, bậc tiểu học giờ vào lớp nên là 7h30 hoặc 8h. Ở Việt Nam có trường học sớm quá, học sinh dậy sớm chưa hết ngái ngủ đã phải lên xe đi học. Điều này gây ra sự bất hợp lý.

“Học sinh bên nước ngoài hay Nhật Bản đều học muộn. Bên Nhật học từ 8h30 đến 3h30 là về, không nghỉ trưa. Ở Việt Nam thì đi học quá sớm xong về lại muộn, giờ nghỉ trưa lại quá nhiều. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến buổi tối trẻ đi ngủ muộn mà ngủ muộn thì sáng dậy muộn sẽ đi học uể oải. Trường học ở Việt Nam nên tính phương án bỏ được nghỉ trưa thay vào đó cho học sinh hoạt động phát triển thể chất hết công suất xem sao”- cô Thanh nêu quan điểm.

Nhiều người phản đối việc điều chỉnh giờ học muộn hơn vì nếu thế phụ huynh đưa đón con đi học thì mấy giờ mới được vào làm? Theo cô Thanh, cha mẹ phải biết sắp xếp thời gian và tự điều chỉnh để hài hòa công việc.

Cần nghiên cứu một cách khoa học

Chia sẻ với phóng viên Tiền Phong, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục- ĐHQG Hà Nội) cho biết, càng ở cấp học nhỏ, chất lượng giấc ngủ càng quan trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất, trí tuệ và cảm xúc.

Do đó, thời gian biểu học tập buổi sáng quá sớm, chắc chắn các em sẽ thiếu ngủ và đến lớp trong trạng thái không hoàn toàn tỉnh táo.

Ông Nam cho rằng, ông ủng hộ việc điều chỉnh lại giờ học cho phù hợp với nhịp sinh học của từng nhóm tuổi và nhu cầu giấc ngủ theo khuyến cáo để hỗ trợ cho sự phát triển toàn diện của người học.

Tuy nhiên, theo ông Nam, cấp học nào lùi giờ đến thời điểm nào thì cần phải có thêm các nghiên cứu khoa học để đưa ra các số liệu chính xác và cập nhật hơn. Không nên chỉ dựa trên một số ý kiến chuyên gia nghĩ rằng nên lùi giờ vào 7 giờ 30 phút hay đến 8 giờ để thực hiện.

Đồng thời, ông Nam cho rằng, việc điều chỉnh giờ học phải phù hợp với từng địa phương, từng vùng miền. Muốn làm được như vậy thì phải trao quyền tự chủ cho các hiệu trưởng nhà trường để có phương án phù hợp.

Tham khảo một số quốc gia khác, ông Nam cho biết, họ điều chỉnh giờ lên lớp từ 8h30 sáng, học sinh sẽ được ăn sáng đầy đủ và học xuyên qua trưa trước khi bước vào giờ thư giãn buổi chiều.

“Việc học xuyên qua trưa cũng được quyết định căn cứ trên các kết quả nghiên cứu về nhịp đường cong cảm xúc tích cực và cảm xúc tiêu cực của học sinh trong ngày. Thời gian học tập sẽ tận dụng tối đa những khung thời gian cảm xúc tích cực lên cao và sẽ tổ chức các hoạt động ngoại khóa, các chương trình luyện tập thể chất vào khung thời gian cảm xúc tiêu cực lên cao" - ông Nam cho hay.

Sở GD&ĐT TP HCM: Học từ 7 giờ 30 phút là chuyện bình thường

Nhận định về giờ vào học tại TPHCM, trao đổi với báo chí, ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM cho rằng, đây là câu chuyện liên quan đến nhiều yếu tố, phải tham khảo ý kiến của các nhà khoa học và các nội dung khác mới ra được mốc thời gian nên không thể có câu trả lời là ấn định giờ nào vào học.

Sở GD&ĐT TPHCM đã rà soát tất cả các đơn vị giáo dục, không có cơ sở giáo dục tiểu học nào bắt đầu sớm, sớm nhất cũng từ 7 giờ 15 phút. Tuy nhiên hiện nay, muốn thay đổi kế hoạch gì phải đợi đến hết học kỳ vì tất cả các trường học đã bố trí, sắp xếp kế hoạch giáo dục từ đầu năm học, thay đổi bất kỳ khâu nào hiện nay tạo áp lực rất lớn lên các trường.

“Có ý kiến cho rằng giờ vào học nên bắt đầu từ 8 giờ?”, ông Minh cho rằng, không thể vì lý do phải đưa con đi học, con còn nhỏ mà phụ huynh được đi làm trễ. Sắp tới, Sở GD&ĐT TP HCM sẽ tiến hành khảo sát, nghiên cứu tác động xã hội, các văn bản liên quan, đặc biệt khu vực từng vùng để ra hướng dẫn cụ thể.

Ngày 24/10, khảo sát của phóng viên cho thấy nhiều trường tiểu học tại TPHCM lùi giờ vào học. Ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng GD-ĐT quận 12, cho biết, ngay trong sáng 24/10, nhiều trường tiểu học tại quận, tùy theo đặc điểm tình hình đã lùi giờ vào học buổi sáng của học sinh. Trường một buổi lùi đến 7 giờ 15 phút, còn trường 2 buổi lùi đến 7 giờ 40 phút. Tuy nhiên, trường nào có điều kiện thì chủ động lùi thời gian như trên chứ không phải đồng loạt.

Các nước trên thế giới cho học sinh bắt đầu học giờ nào?

Tại Phần Lan, học sinh thường bắt đầu một ngày học tập vào khoảng 9 giờ đến 9 giờ 45 phút.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, vào lớp sớm có hại đối với hạnh phúc, sức khỏe và sự trưởng thành của học sinh. Các trường học ở Phần Lan thường bắt đầu một ngày muộn hơn và kết thúc vào khoảng 2 giờ đến 2 giờ 45 phút chiều. Các tiết học của Phần Lan kéo dài hơn và thời gian nghỉ giải lao cũng lâu hơn.

Tại Australia, giờ học của học sinh tại Australia có sự khác nhau giữa các trường, tuy nhiên, thông thường một ngày học tập thường bắt đầu lúc 8 giờ 30 phút và kết thúc vào khoảng 3 giờ chiều. Đây là thời gian biểu "truyền thống" từ những năm 1950.

Tại Mỹ, thời gian trung bình để bắt đầu buổi học tại trường trung học phổ thông công lập là 8 giờ. Con số này tại 40% số trường tham gia khảo sát dao động trong khoảng từ 8 giờ đến 8 giờ 29 phút. Phần lớn trường trung học phổ thông ở vùng ngoại ô bước vào buổi học trước 8 giờ. Trong khi đó, thành phố là nơi có nhiều trường học vào lớp từ 8 giờ 30 phút hoặc muộn hơn nhất (chiếm 26%).

Tại Hàn Quốc, thời gian học ở trường của một học sinh tại Hàn Quốc phụ thuộc vào bậc học. Học sinh tiểu học bắt đầu buổi học lúc 8 giờ và kết thúc vào khoảng 1 giờ chiều cùng ngày. Trong khi đó, học sinh trung học ở lại trường lâu hơn, đến khoảng 4 giờ 30 phút chiều.

30 phút đầu tiên ở trường là thời gian tự học, trong đó giáo viên sẽ điểm danh và giải quyết các vấn đề về quản lý lớp học. Các tiết học sẽ bắt đầu lúc 8 giờ 30 phút, mỗi tiết diễn ra trong 45 phút với 10 phút nghỉ giải lao giữa các tiết học.

Tại Nhật Bản, thời gian biểu điển hình, lúc 8 giờ 15 phút, học sinh sẽ tham gia chương trình sinh hoạt. 15 phút sau, tiết học đầu tiên sẽ diễn ra. Tiết học cuối cùng kết thúc lúc 3 giờ 30 phút chiều.

Chia sẻ