Học sinh bị bạn xé áo, đạp vào mặt: Nên phản kháng hay chịu bị đánh?
Tôi từng đánh lại khi bị bạn bắt nạt vô cớ và có hiệu ứng bất ngờ. Nhưng đó là chuyện của 30-40 năm về trước. Còn bây giờ, với tính chất các vụ học sinh đánh nhau hoàn toàn khác, việc phản kháng gần như vô tác dụng, thậm chí nguy hiểm.
Ngày học lớp 1, tôi liên tục bị một bạn gái cùng lớp chặn đường bắt nạt, lục cặp lấy đồ, từ phấn, bút chì đến thước kẻ, nếu không “nộp” kiểu gì cũng bị đánh. Học cùng lớp nhưng bạn đó cao lớn gần gấp đôi tôi do bị đúp nhiều năm, nên các bạn trong lớp rất ngại va chạm.
Hay bị bắt nạt nên tôi thường hòa vào một nhóm bạn để đi học cùng, nhưng nhiều khi “chị đại” vẫn không tha. Vốn dĩ không phải là con bé quá cam chịu, nhút nhát nên bị bắt nạt vô cớ hết ngày này sang ngày khác, tôi ấm ức lắm.
Từ nhà tôi đến trường hầu như toàn đường làng. Thường vào mùa gặt, người dân hay phơi rơm rạ và xây các cây rơm hai ven đường. Một lần, trên đường đi học về tôi lại bị “chị đại” chặn đường đòi “vật phẩm”. Tôi đưa mắt ra phía trước, thấy có cây rơm nên tìm kế hoãn binh. Khi đến sát cây rơm, tôi bắt đầu phản kháng. “Chị đại” có vẻ khá ngạc nhiên vì thấy tôi dám chống lại. Tôi bất ngờ dùng toàn bộ sức mạnh và sự ấm ức bấy lâu xô “chị đại” ngã, rồi ngồi đè lên bụng. Ngày đó, trẻ con đi học thường đeo chìa khóa nhà bằng một sợi dây cước hay dây dù ở cổ, một tay tôi ghì chặt, một tay tôi kéo mạnh sợi dây khiến “chị đại” sợ hãi, rối rít xin tha và hứa sẽ không bắt nạt tôi nữa. Quả nhiên sau đó, sự việc hoàn toàn chấm dứt, tôi và các bạn đi học mà không còn lo bị bắt nạt nữa.
Và trong quãng đời học sinh, tôi cũng đã chứng kiến rất nhiều vụ học sinh trong lớp, ngoài lớp đánh nhau, cả đánh hội đồng. Nói như thế để hiểu rằng, không phải bây giờ chuyện học sinh đánh nhau mới xảy ra, mà thời nào cũng có.
Mới cách đây 2 ngày, hai học sinh lớp 7 và 8 tại Trường THCS Biên Giang, quận Hà Đông (Hà Nội) đã đánh, tát dã man vào mặt nữ sinh lớp 6 khiến em ngã ra đất. Kể cả khi nữ sinh lớp 6 vừa khóc vừa quỳ, chắp tay xin lỗi nhưng vẫn bị 2 học sinh kia chửi bới văng tục và lao vào xé áo.
Vụ việc khiến dư luận khá quan tâm. Trên các diễn đàn, có diễn đàn hàng chục ngàn người theo dõi, có rất nhiều phụ huynh đã bày tỏ lo ngại, bức xúc về nguy cơ xảy ra với bất kỳ ai, kể cả con em mình. Rất nhiều ý kiến cho rằng, cần dạy trẻ đánh lại, để lần sau những người bạn côn đồ không còn dám bắt nạt.
Nhưng, với cách hướng dẫn trẻ như thế, tôi thực sự cảm thấy lo ngại và hoang mang. Đúng là ở thời chúng tôi cách đây 30-40 năm, chính tôi từng đánh lại để tự vệ và thấy hiệu ứng rõ rệt. Nhưng ở thời hiện tại, nếu con tôi chẳng may bị bắt nạt, tôi sẽ dạy nó làm ngược lại.
Bởi ở thời của tôi, những đứa trẻ gọi là đánh nhau thì cũng chỉ là chặn đường bắt nạt, hoặc vật lộn đã là kinh khủng rồi. Còn giờ đây, tính chất các vụ học sinh đánh nhau hoàn toàn khác, ngày càng trở nên nghiêm trọng, thậm chí đã xảy ra án mạng, công an phải vào cuộc. Như vụ em L.V.K. (học sinh lớp 11 hệ giáo dục thường xuyên Trường trung học phổ thông Tháp Mười) khi vừa tan học ra khỏi cổng trường bị một nhóm thanh niên khống chế và đưa đi. Sau đó, nhóm này đã dùng tay, mũ bảo hiểm và vật nhọn gây thương tích cho K. Hay vụ học sinh lớp 8 Trường THCS Trung Mầu (Hà Nội) bị bạn nữ đánh liên tiếp vào vùng đầu và người. Nữ sinh bị đá, đạp vào mặt rất nhiều lần. Tiếp đó là nam sinh lớp 11 của Trường THPT Lang Chánh (Thanh Hóa) bị một người học cùng trường dùng gậy sắt đánh vào đầu gây chấn thương sọ não, đang phải điều trị tại bệnh viện… Đây là một số rất ít trong các vụ học sinh đánh nhau dã man, rồi quay clip tung lên mạng trong thời gian vừa qua.
Những vụ việc xảy ra trong thời gian qua với tính chất nghiêm trọng như vậy, nên việc khuyến khích các em phản kháng lại ngay lúc đó thực sự rất nguy hiểm khi nhóm tấn công thường có nhiều người, lại dùng các công cụ như mũ bảo hiểm, gậy, thậm chí cả dao… Trong khi đó, ở lứa tuổi đang thích thể hiện bản thân, không hiểu biết về luật pháp, thích sử dụng bạo lực để thể hiện sức mạnh thì cách phản kháng trong những tình huống như vậy không phải là giải pháp hiệu quả.
Trước hết, ai cũng thấy rằng, diễn biến quá phức tạp của xã hội, nhất là mạng xã hội đã ảnh hưởng khá lớn đến sự phát triển nhân cách của trẻ. Rất nhiều các vụ bạo lực, lệch chuẩn ngoài xã hội đang diễn ra hàng ngày, hành giờ đã ảnh hưởng rất lớn tới các em.
Với hầu hết học sinh từ cấp 2 đều dùng điện thoại thông minh nên rất dễ thu nạp mọi thông tin trên mạng xã hội. Nguy hiểm là ở lứa tuổi các em, chưa phân biệt được đâu là thông tin độc hại, thông tin hữu ích nên nhiều em đã học theo, làm theo dẫn đến suy nghĩ, hành động lệch lạc. Đã có thời gian dài các “hiện tượng mạng” là Khá “bảnh”, “thánh chửi” Dương Minh Tuyền… là thần tượng trong nhiều bạn trẻ.
Trong khi đó, việc học hành, thi cử lại quá áp lực cũng khiến tinh thần các em mệt mỏi, sa sút. Cả ngày quay cuồng với việc học trên lớp, học thêm hết ca này đến ca khác, nhiều em còn phải tranh thủ ăn trên đường đi học thêm thì lấy đâu thời gian nghỉ ngơi và trải nghiệm những hoạt động thực tế bổ ích.
Rồi bệnh thành tích ở chính gia đình và nhà trường, mà chính các em là người phải chịu áp lực. Điểm số đẹp, hạnh kiểm tốt đang là những mục tiêu mà các em bắt buộc phải đạt được. Riêng môn GDCD, hầu như tất cả học lực giỏi, hiếm có học sinh nào ở mức khá hay trung bình, điểm thi TPHT ở môn này hàng năm cũng đã khẳng định điều đó.
Toàn học sinh hạnh kiểm tốt, điểm GDCD loại giỏi nhưng ngược lại, tình trạng bạo lực học đường lại ngày càng gia tăng. Có lẽ một phần cũng vì nhà trường chạy theo bệnh thành tích, không để học sinh bị xếp hạnh kiểm kém hoặc trung bình sợ làm ảnh hưởng đến thành tích chung của lớp, của trường. Việc này cũng dễ hiểu vì đó còn là một tiêu chí xếp loại giáo viên hàng năm.
Rồi trong gia đình, bố mẹ còn lo quay cuồng với cuộc sống mưu sinh, lo tiền học, tiền học thêm cho con đã khiến sự quan tâm, gần gũi với trẻ ngày càng ít đi. Nhiều gia đình còn phó mặc cho nhà trường với suy nghĩ đơn giản là đã lo về vật chất đầy đủ đương nhiên con họ có cuộc sống đủ đầy.
Vì thế, trong các vụ học sinh đánh nhau, dù ở trong hay ngoài nhà trường, thì trách nhiệm trước hết vẫn phải là từ gia đình. Gia đình vẫn phải là môi trường quan trọng nhất để các em phát triển, hình thành nhân cách. Nếu cha mẹ gần gũi, quan tâm là chỗ dựa tin cậy cho con, chắc chắn trẻ sẽ chia sẻ những khó khăn đang gặp phải. Khi đó, người lớn sẽ giúp các em giải tỏa và kịp thời ngăn chặn những suy nghĩ, hành động lệch lạc có thể xảy ra.
Còn về phía nhà trường, chỉ khi những áp lực về học hành, thi cử và bệnh thành tích được giảm tải, cùng với việc phối hợp từ gia đình, mới mong hạn chế được các vụ việc tiêu cực, trong đó có việc học sinh đánh nhau.
Thay đổi là cả công cuộc lâu dài, rất cần sự góp sức của cả ngành giáo dục và các cơ quan liên quan, nhưng trước mắt việc có thể thay đổi được ngay là cách dạy, cách học các môn “làm người”, trong đó có môn GDCD. Ngoài việc dạy lý thuyết, nhà trường nên quan tâm nhiều hơn để học sinh trải nghiệm thực tế, sống có trách nhiệm và biết yêu thương, chia sẻ với mọi người.
Cùng với đó, dạy học sinh nhiều hơn về kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn để trong mọi tình huống các em có cách ứng xử phù hợp và linh hoạt. Chúng ta không khuyến khích các em phản kháng, đánh lại khi bị tấn công nhưng phải biết cách xử lý tình huống để sự việc không xảy ra như chia sẻ với cha mẹ, thầy cô; hoặc nếu xảy ra thì biết cách thoát hiểm hay tìm sự hỗ trợ của người lớn…
Trong trường học, cũng đừng nặng việc đánh giá chất lượng thầy cô qua tỷ lệ học sinh đạt hạnh kiểm như thế nào thì mới mong việc đánh giá học sinh được khách quan, trung thực.
Chỉ khi có sự phối hợp giữa gia đình nhà trường trong quá trình hỗ trợ các em học tập và hình thành nhân cách, thì mới mong hạn chế được các vụ việc tiêu cực xảy ra. Còn nếu chỉ có sự cố gắng từ một phía, thì mọi nỗ lực đều khó có kết quả như mong muốn./.