Hoạ sĩ 'tàng hình' điêu luyện gây sốt mạng xã hội ở Trung Quốc
Họa sĩ có biệt danh "người tắc kè hoa" nổi tiếng trên mạng xã hội Trung Quốc với những tác phẩm khiến bản thân "tàng hình" một cách độc đáo.
Theo SCMP, họa sĩ Vương Lương, 35 tuổi, ở tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) được hơn một triệu người hâm mộ trên mạng xã hội Douyin đặt biệt danh “người tắc kè hoa” với những tác phẩm vẽ bản thân độc đáo. Những tác phẩm biến bản thân “tàng hình” của anh luôn thu hút sự chú ý của đông đảo người dùng mạng xã hội nước này.
Với bảng màu và cọ, anh Vương tự vẽ lên người theo màu sắc và sự biến đổi ánh sáng của khung cảnh như sông, đá, cây cối và hoa. Sau đó, anh đứng vào phông nền của khung cảnh, khiến bản thân như đã “hòa lẫn” vào cảnh vật trong bức ảnh, tương tự đặc tính của loài tắc kè hoa trong tự nhiên.
“Tác phẩm nghệ thuật của tôi muốn thể hiện khái niệm con người hòa mình và sống hòa hợp với thiên nhiên. Tôi hy vọng có thể ủng hộ việc bảo tồn thiên nhiên thông qua các tác phẩm của bản thân”, chàng họa sĩ chia sẻ.
Anh Vương bắt đầu học vẽ từ năm 14 tuổi và sau đó đăng ký vào một trường đại học nghệ thuật hàng đầu tại Trung Quốc. Sau khi tốt nghiệp và công việc kinh doanh tranh tường chịu ảnh hưởng do COVID-19, anh đã nghĩ ra ý tưởng sử dụng kỹ năng của mình tạo ra những tác phẩm “có tác động xã hội”.
“Môi trường ngày nay bị thiệt hại rất nghiêm trọng. Thông qua nghệ thuật vẽ trên cơ thể, tôi muốn thể hiện mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, thể hiện vẻ đẹp của thế giới tự nhiên”, anh nói.
Kể từ năm 2020, Vương và trợ lý của anh đã tạo ra hàng nghìn tác phẩm ở các thành phố như Bắc Kinh, Lạc Dương, Tế Nam ở Trung Quốc, với khung cảnh là danh lam thắng cảnh nổi tiếng hoặc gần những tòa nhà mang tính biểu tượng ở khu đô thị.
Anh Vương nói: “Khung cảnh chúng tôi chọn càng lớn và tiêu biểu thì chúng tôi càng hứng thú, vì nó tăng cường hiệu ứng tàng hình”.
Anh Vương thường phải mất từ hai đến ba giờ để hoàn thành một tác phẩm, sử dụng sơn acrylic, cọ dầu và các công cụ khác và anh chỉ vẽ vào những ngày nắng.
"Việc lựa chọn khung cảnh làm nền và màu sắc là rất quan trọng. Việc phối màu và sử dụng ánh sáng càng chính xác thì sự hòa hợp giữa nền và ánh sáng mặt trời càng tốt", anh giải thích.
Những tác phẩm độc đáo này cũng nhận phải không ít sự nghi ngờ cho rằng người họa sĩ có thể đã dùng máy tính để chỉnh sửa và tạo hiệu ứng khiến bản thân tàng hình.
Để chứng minh tính chân thật, anh Vương đã đăng video không chỉnh sửa về toàn bộ quá trình thực hiện tác phẩm và nhận được rất nhiều lời khen ngợi.
Ngoài anh Vương, một họa sĩ “tàng hình” khác đến từ tỉnh Sơn Đông là Liu Bolin cũng đã nhận được sự ca ngợi của quốc tế với các cuộc triển lãm ở Paris, New York, Ý,...
Anh ấy vẽ mình trên nền của nhiều công trình kiến trúc khác nhau và hòa lẫn vào các cảnh nền khác nhau rồi chụp ảnh. Nếu không tinh mắt, khó có thể nhận ra Bolin trước khung cảnh nào đó.