Vay gần 2 tỷ đồng của bảo tàng để vẽ tranh, họa sĩ gửi đến 2 tấm toan trắng xóa và cái kết
Vay tiền bảo tàng để vẽ tranh, nam họa sĩ có hành động kỳ quặc khiến anh phải ra hầu tòa.
Hãng tin CNN ngày 20/9 đưa tin về một vụ kiện tụng kỳ lạ. Một bảo tàng lớn ở Đan Mạch kiện nam họa sĩ và yêu cầu trả lại tiền. Câu chuyện rắc rối phía sau khiến người ta ngỡ ngàng.
Theo đó, vào năm 2021, Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại Kunsten ở Aalborg, vùng Jutland (Đan Mạch), đã cho nam họa sĩ tên Jens Haaning vay một khoản tiền để vẽ 2 bức tranh, nội dung tranh thể hiện cảnh tượng tiền giấy xếp thành hàng mô tả mức lương trung bình hàng năm của người Áo và người Đan Mạch. Theo dự kiến, 2 bức tranh sẽ được trưng bày trong một cuộc triển lãm về tương lai của người lao động.
Cụ thể, các tác phẩm này dựa trên hai tác phẩm nghệ thuật mà Jens ra mắt lần đầu vào năm 2007 và 2010 - lần lượt có tên là "Thu nhập trung bình hàng năm của người Áo" và "Thu nhập trung bình hàng năm của Đan Mạch". Chúng như lời nhận xét về mức lương trung bình của người lao động ở Đan Mạch và Áo.
Bảo tàng ở Aalborg đã ủy quyền cho Jens tái tạo những tác phẩm nghệ thuật đó cho triển lãm "Work It Out", nơi yêu cầu khách tham quan đặt câu hỏi về những gì họ muốn từ sự nghiệp của mình.
Tờ The Art Newspaper đưa tin vào năm 2021, ban đầu, Jens Haaning định vay ngân hàng để trang trải chi phí vẽ tranh. Biết được điều này, phía bảo tàng chủ động đề nghị cho anh vay tiền. Jens đã nhận của bảo tàng số tiền 530.000 krone Đan Mạch (tương đương gần 1,9 tỷ VNĐ) để phục vụ cho công việc.
Tuy nhiên, sau đó, người nghệ sĩ đã gửi cho bảo tàng 2 bức tranh trắng xóa có tựa đề “Lấy tiền và chạy”. Anh ta còn nói rằng mình đã tạo ra những tác phẩm mới “tốt hơn” để phù hợp với chủ đề của triển lãm. Jens nói với trang tin tức DR.DK của Đan Mạch rằng tác phẩm nghệ thuật mới nhằm nêu bật việc mọi người bị trả lương thấp như thế nào cho công việc của họ.
Thỏa thuận trong hợp đồng là số tiền sẽ được trả lại cho bảo tàng khi cuộc triển lãm kết thúc, điều mà Jens đã nói rõ trước là "sẽ không xảy ra". Thay vào đó, người nghệ sĩ thực sự đã lấy tiền và bỏ chạy, theo đúng tinh thần như tên của bức tranh.
Chính hành động táo bạo của Jens đã gây ra cuộc chiến pháp lý kéo dài 2 năm. Giám đốc bảo tàng Lasse Andersson nói rằng Jens không được quyền giữ số tiền này, vì thỏa thuận ban đầu chỉ bao gồm phí nghệ sĩ 10.000 kroner (hơn 22 triệu VNĐ) và 6.000 kroner chi phí (13,4 triệu VNĐ).
“Chúng tôi không phải là một bảo tàng giàu có”, ông Andersson nói với tờ The Guardian. “Chúng tôi phải suy tính cẩn thận về việc chi tiêu tiền và chúng tôi không chi tiêu nhiều hơn mức chúng tôi có thể chi trả”.
Jens nói với CNN vào thời điểm đó: “Từ quan điểm nghệ thuật của mình, tôi thấy rằng tôi có thể tạo ra một tác phẩm hay hơn nhiều cho họ so với những gì họ có thể tưởng tượng”. Anh nói thêm: “Tôi không thấy mình đã ăn cắp tiền… Tôi đã tạo ra một tác phẩm nghệ thuật, có thể tốt hơn gấp 10 hoặc 100 lần so với dự định. Vấn đề ở đây là gì?”.
Jens cũng cho biết tác phẩm nghệ thuật mới của anh còn gợi cho mọi người suy ngẫm về các cấu trúc và thể chế xã hội như tôn giáo và hôn nhân. “Và nếu cần… hãy lấy tiền và chạy”, anh nói thêm.
Dù phản ứng với 2 bức tranh trắng xóa, Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại Kunsten vẫn trưng bày tranh của Jens cùng với bản in email trong đó anh giải thích hành động của mình.
Jens lập luận rằng bảo tàng đã kiếm được hơn 500.000 kroner (hơn 1 tỷ VNĐ) doanh thu từ việc trưng bày tác phẩm.
Quả thực, bảo tàng Kunsten từng ca ngợi tác phẩm trên trang web của mình, cho rằng nó như “một sự phê phán các cơ chế trong thế giới nghệ thuật”. Vào thời điểm đó, giám đốc bảo tàng Andersson thừa nhận đã nhìn thấy khía cạnh hài hước của bức tranh trắng xóa.
Ông Andersson nói với BBC: “Anh ấy đã khuấy động đội ngũ nhân viên của tôi và anh ấy cũng khuấy động tôi một chút, nhưng tôi cũng bật cười vì nó thực sự rất hài hước”.
Những bức tranh trắng xóa của Jens Haaning là một phần của thể loại tác phẩm gây tranh cãi đặt câu hỏi về giá trị của nghệ thuật. Trong đó nổi tiếng nhất là họa sĩ Maurizio Cattelan dán một quả chuối lên tường. Tác phẩm này sau đó đã bán được với giá 120.000 USD (gần 3 tỷ đồng).
Năm 1958, nghệ sĩ ý tưởng Yves Klein đã trưng bày một căn phòng trống cho hàng nghìn người tham dự.
Mặc dù tòa án Copenhagen cuối cùng đứng về phía bảo tàng nhưng họ đã trừ đi khoản phí dành cho Jens.
Bất kể mục đích sâu xa của tác phẩm là gì, Tòa án thành phố Copenhagen đã ra phán quyết rằng Jens “có nghĩa vụ” phải trả lại số tiền đã vay, trừ 40.000 krone (tương đương gần 90 triệu VNĐ) phí nghệ sĩ và phí trưng bày.
Phán quyết khiến nam nghệ sĩ lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Anh nói với DR.DK: “Nó khiến tôi rơi vào tình thế khó xử lý khi tôi thực sự không biết phải làm gì”.
Nguồn: CNN, Fortune