Họa sĩ gốc Việt được Tổng thống Pháp phong tước Hiệp sĩ về nước mở triển lãm
Sinh ra và lớn lên tại Pháp – cái nôi của biết bao tên tuổi danh tiếng trong làng nghệ thuật - Hom Nguyễn như người đi trên cây cầu độc mộc bởi chính câu chuyện sự nghiệp khác biệt, truyền cảm hứng của anh khi trở thành người nghệ sĩ ghi dấu ấn với dòng tranh chân dung khắc họa cảm xúc đa dạng của con người.
Tuổi thơ vật lộn với kế sinh nhai
Hom Nguyễn sớm bộc lộ niềm yêu thích và tài năng hội họa của mình từ nhỏ. Cậu đã vẽ rất nhiều, những nét nguệch ngoạc các khuôn mặt và phong cảnh bằng bút chì lên sổ tay, góc bàn, khăn giấy. Thế nhưng, sự khó khăn của một gia đình chỉ 2 mẹ con, người mẹ gặp tai nạn và không biết tiếng Pháp, đã khiến cậu bé Hom mới 4 tuổi sớm trưởng thành và trở thành 1 chiến binh.
Khi được hỏi đến ký ức về tuổi thơ, anh nhớ về nhiều sự - không - còn - nữa; không còn nữa những buổi sáng mẹ dắt đi học, không còn nữa những buổi đêm ngủ thẳng giấc vì phải thức chăm mẹ, không còn nữa một tuổi thơ vô tư. Anh kể lại, "Cuộc sống, mọi thứ đều đảo lộn, tôi đã phải trưởng thành nhanh, rất nhanh bởi vì giờ đây tôi còn cần phải chăm sóc cả mẹ của mình".
Hom ngưng học và bắt đầu kiếm sống từ năm 12 tuổi ở cửa hàng quần áo nhưng trong lòng cậu vẫn luôn âm ỉ niềm đam mê với nghệ thuật. Dường như đối với Hom, điều may mắn mà anh có được trong tuổi thơ đầy bất hạnh này, chính là niềm yêu thích sân khấu từ người bạn của mẹ, là ngọn nến sáng le lói truyền cho Hom cái ý nghĩ người ta vẫn có thể nuôi giữ những ước mơ về nghệ thuật trong cuộc sống vất vả khi mà vấn đề cơm áo gạo tiền vẫn là điều tiên quyết.
Hom Nguyễn vẫn mày mò học vẽ bên cạnh việc làm thêm để có tiền sinh sống và nuôi mẹ nhưng vì thương con, mẹ anh vẫn luôn khuyên rằng đừng theo nghệ thuật, hãy đi theo một công việc có thể mang lại tài chính vững vàng hơn. Với số tiền để dành của mình, Hom Nguyen đã tới Tokyo để học hỏi từ những bậc thầy về hình xăm ở Shibuya, quan sát thế giới và phát triển kỹ năng của riêng mình. Khi quay về Pháp, Hom Nguyen chọn một nghề không phải nghệ sĩ nhưng cũng rất gần gũi với hội hoạ, đó là vận dụng những kiến thức về xăm và đánh màu patina (trên da giày) vào việc tạo ra những đôi giày độc bản. Có thể nói đây là bước đầu để Hom hội ngộ con đường nghệ thuật của mình.
Nghệ thuật tạo màu Patina – bước đệm cho nghệ sĩ Hom Nguyễn ra đời
Với tư cách là một nghệ nhân Patina độc lập, anh bắt đầu với việc đưa các màu sắc lên da và các kĩ thuật đánh Patina điêu luyện để tạo ra những bức hoạ sống động trên đôi chân của những nhà sưu tầm. Với khả năng hội hoạ bản năng, sau đó Hom bắt đầu vẽ trên những đôi giày, xăm lên da dày và tạo được tiếng vang nhỏ trong giới, anh có một cuộc sống ổn định hơn và được biết đến trong lĩnh vực này. Thậm chí, đã có những khách hàng phải chờ đợi bởi những đơn đặt hàng độc bản từ Hom. Anh ngạc nhiên với chính sự phát triển của mình trong lĩnh vực Patina, cũng nhờ đó mà anh có được sự tự tin về cảm nhận nghệ thuật của mình và quyết định đi xa hơn nữa với tinh thần yêu nghệ thuật.
Có thể nói rằng, nhờ có những đôi giày, cuộc sống của anh có sự ổn định hơn về kinh tế. Nhưng có một băn khoăn mà anh biết rõ rằng là, anh không có ước mơ mở xưởng lớn hay trở thành ông chủ hãng giày. Càng làm anh càng tự hỏi và dường như hiểu bản thân mình hơn, điều đó đã dẫn đến quyết định quay trở lại với hội hoạ năm 2009.
Chia ly với mẹ và thức tỉnh
Năm 2009 là năm đau khổ mang tính tỉnh thức trong cuộc đời Hom Nguyễn khi mẹ qua đời. Trong buổi hoang mang và hàng ngàn câu hỏi về sự hữu hạn của cuộc sống, Hom Nguyễn về Việt Nam hai tháng. Anh miên man đi tìm những câu chuyện mẹ đã kể, mong thấy lại cậu bé với tuổi thơ quấn quít bên mẹ, giờ còn lại một mình trên đời. Hom Nguyễn trải lòng, "Mẹ đã từng là người thân duy nhất của tôi, là trọng tâm của vũ trụ cuộc đời tôi. Sự mất mát đó làm tôi dường như đánh mất đi một phần bản thân mình, tôi quyết định về Việt Nam với hy vọng tìm được nó".
Chính tại Hà Nội, là nơi anh tìm được hiện thực hài hòa với sự tưởng tượng về Việt Nam qua lời mẹ kể, dường như đi ngược cỗ máy thời gian để chạm lại vào những giây phút vĩnh viễn không còn nữa. Anh chia sẻ, "Thành phố ngàn năm tuổi mang đậm dấu ấn của những con phố rợp bóng cây, những khu vườn và nét Paris len lỏi, thoang thoảng trong từng góc phố, căn nhà đã giải phóng ra một nguồn năng lượng và một bầu không khí làm rung động trái tim tôi. Tôi yêu thành phố này, con người nơi đó. Như là tôi đã về đúng đến nhà mình vậy."
Anh kể thêm, "Một phần ký ức về mẹ trong tôi là những câu chuyện về Hà Nội. Mẹ tôi đã nhớ nhà da diết. Tôi nhớ vào năm 1991, nước Pháp hứng chịu một mùa đông lạnh khắc nghiệt, những ngày đó mẹ tôi nói về nỗi nhớ nhà khắc khoải, bà đã luôn kể về những kỷ niệm, về những con phố, về con người, và cả những mùi hương. Nỗi nhớ Hà Nội của mẹ tôi khắc lên khuôn mặt bà, ghi sâu vào trong tâm trí của tôi".
"Tôi không có gia đình tại Việt Nam, nhưng đây là một phần tôi thuộc về", Hom Nguyễn chia sẻ, "Việt Nam thật sự rất giàu có, giàu có tình người, văn hóa và những bản sắc riêng. Thứ tôi thích là sự khác biệt. Điều này rất quan trọng vì nó góp phần phong phú cho những yếu tố khác, khiến chúng ta suy nghĩ và cho phép chúng ta tiến về phía trước. Khác biệt cũng là học cách sống chung với tâm hồn cởi mở và lan tỏa năng lượng tích cực. Theo một nghĩa khác, Việt Nam truyền một nguồn cảm hứng mãnh liệt đến với tôi."
Cùng năm 2009 đó, anh quyết định mở xưởng vẽ tranh của riêng mình. Để nói về bước ngoặt cuộc đời này, Hom Nguyễn nhớ lại, "Sau sự ra đi của mẹ tôi, cuộc đời tôi đã bước sang một trang khác. Andre Malraux đã từng nói một câu rất thú vị, "nghệ thuật là thứ duy nhất chịu được cái chết". Lúc đó, tôi không nhận ra được điều này, bản thân vẫn đang chịu một nỗi đau rất lớn. Thế nhưng việc mở một studio và giới thiệu bản thân mình với tư cách một người nghệ sĩ, dần tôi nhận ra rằng, đây là một hình thức tái sinh và cũng là mong muốn trong vô thức để tỏ lòng kính trọng và tình yêu bất tử tới người mẹ của mình thông qua những tác phẩm".
Mặc dù thực tế cho thấy Hom đã phải trì hoãn con đường đến với nghệ thuật của mình đến khi đã gần 40 tuổi, Hom Nguyễn có vinh dự được đặt những tác phẩm của mình tại Grand Palais - là "Khải Hoàn Môn" trong giới nghệ thuật tại thủ đô Paris. Cựu Tổng thống Pháp Francois Hollande khi đến thưởng tranh, cũng không tiếc lời khen dành tặng cho anh. Không những vậy, từ năm 2013, những tác phẩm của Hom đã được trưng bày ở nhiều buổi triển lãm cá nhân được tổ chức ở nhiều nơi trên thế giới từ Pháp, Hongkong, Indonesia, Singapore, được các tạp chí và tổ chức hàng đầu như Vogue, UN, McLaren Automotive mời hợp tác.
Tháng 11/ 2021 vừa qua, nghệ sĩ Hom Nguyễn đã được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ký sắc lệnh trao tặng Huân chương Công trạng Quốc gia tước hiệu Hiệp sĩ vì đã có những cống hiến tích cực cho lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.
Huân chương Công trạng Quốc gia là quốc lệnh vốn được ra đời từ năm 1963 dưới thời Tổng thống Charles de Gaulle. Để được Tổng thống trao tặng Huân chương danh giá này, các cá nhân phải đáp ứng cả 2 điều kiện: có thành tích xuất sắc ít nhất 10 năm trong những hoạt động công ích, dân sự hoặc quân sự, hoặc trong những hoạt động cá nhân có ảnh hưởng tích cực đến xã hội; được đề xuất bởi bộ trưởng, dựa theo bộ hồ sơ được lập nên và nghiên cứu theo yêu cầu của chính quyền trung ương, một tỉnh trưởng, một hiệp hội, một nhân vật chính trị (thị trưởng, thứ trưởng) hoặc một nhóm ít nhất 50 người (vì sáng kiến của công dân). Được biết trong toàn bộ những gương mặt vinh dự được trao tặng Huân chương Công trạng Quốc gia năm 2021, chỉ có 5% các cá nhân đến từ lĩnh vực văn hóa nghệ thuật và Hom Nguyễn chính là nhân vật tiêu biểu.
Chân dung – Dấu ấn bản thân và cũng là cánh cổng giao tiếp với thế giới bên ngoài
"Chân dung" biểu thị đến những tác phẩm nghệ thuật ghi lại hình ảnh của con người hoặc động vật đang sống hoặc đã từng sống, tập trung vào khuôn mặt, đặc tả diện mạo, biểu cảm và hình dáng, cảm xúc của nhân vật. Tuy vẫn chịu sự ảnh hưởng từ các ảnh hưởng phong trào nghệ thuật khác nhau (nghệ thuật trừu tượng, chủ nghĩa tối giản,...), chân dung đã dần thay đổi hình thức, điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu của nghệ thuật đương đại.
Được công nhận với khả năng truyền tải đa nghĩa qua những bức chân dung, Hom Nguyễn chính là cha đẻ của kỹ thuật mà sự di chuyển của những đường nét đầy năng lượng và tự do như nghệ thuật đường phố. Cách tiếp cận nghệ thuật của Hom Nguyễn độc đáo ở chỗ những tác phẩm của anh như nằm ở ngã tư của phong cách tượng hình và trừu tượng, là mời gọi đi sâu vào tâm hồn của mỗi người, từ đó làm sống dậy nên ước vọng lột tả những gì ẩn sâu nhất bên trong con người thông qua đường nét và màu sắc. Cụ thể, những nét tô lặp đi lặp lại tạo nên những mảng đậm, nhạt, mỏng, dày tạo nên từng chi tiết cho các bộ phận trên khuôn mặt, kết hợp lối chơi màu linh hoạt, làm nổi bật lên những xúc cảm của nhân vật. Hom Nguyễn sử dụng đa chất liệu từ than, bột màu, sơn dầu, bút chì, acrylic, và thậm chí cả bút bi, tất cả đều đạt đến một mục đích: truyền đạt những khía cạnh sâu sắc nhất của sự tồn tại của con người. Anh đặc biệt nổi bật với lối vẽ sử dụng những vệt màu nổi lên từ một tập hợp đường nét hỗn độn tưởng chừng như vô nghĩa nhưng thật ra lại chứa đựng đầy ý niệm.
Nếu để nói về đối tượng sáng tác, Hom chính là điển hình của việc trung thành với những hình mẫu người châu Á cùng khổ nhưng lại đem đến rất nhiều khía cạnh để khai thác cho người xem, cả về cảm xúc, tính cách, và ngay cả việc lồng ghép vào vấn đề chính trị. Mặc dù đôi khi ta vẫn thường thấy hình ảnh của những người nổi tiếng là nàng thơ của Hom, nhưng tinh thần chung và đại đa số các tác phẩm đều có sự hiện diện của những gương mặt Á Đông. Nếu đến xem tranh của Hom chỉ để tìm thấy sự tươi vui thì hẳn là sẽ rất rất hiếm. Ngay cả khi bắt gặp những nụ cười trong tranh của Hom thì nụ cười đó vẫn chất chứa rất nhiều tâm sự, đôi mắt cũng ánh lên những nỗi niềm.
Phong cách của Hom chính là bản năng nhưng lại rất tài năng. Bản năng ở chỗ "ý tưởng không nhất thiết phải có ngay từ đầu, mà nó có thể hình thành trong quá trình vẽ tranh". Bức tranh là một mớ những đường nét chồng chéo lên nhau tứ phía không có hồi hết, nhưng mà chính trong mớ hỗn độn ấy đã bộc lộ ra tài năng của người nghệ sĩ, bởi thông qua đó, ta nhận ra được mớ bòng bong trong suy nghĩ cảm xúc của nhân vật thông qua lớp diễn giải bằng nghệ thuật của Hom, và cả tâm huyết tình cảm ý muốn của anh. Một bức chân dung là một đại diện nghệ thuật của người tạo ra nó, nó không chỉ là sự yêu thích của họ mà còn về sở thích của họ, mối quan tâm và nền tảng của họ, di sản của họ.
Hom Nguyễn chính thức mang các tác phẩm về với giới yêu nghệ thuật Việt Nam tại S&S Art Gallery vào tháng 11/2021. Trong những ngày cuối của tháng 10 này, Hom Nguyễn sẽ có chuyến đi quay trở lại Việt Nam sau 1 khoảng thời gian dài, để một lần nữa cảm nhận những rung động của nguồn cội từ sâu thẳm bên trong ông, nhưng lần này sẽ với một tâm thế mới mẻ hơn. Giao lưu với người yêu nghệ thuật Việt Nam, các sinh viên trẻ, Hom Nguyễn mong kể câu chuyện và hành trình của mình để cổ vũ những nghệ sĩ Việt tương lai vững tin trước những khó khăn và thách thức gặp phải khi chọn con đường này.
Hom Nguyễn cũng sẽ có buổi giao lưu với người hâm mộ tại phòng triển lãm S&S Art tại Union Square, Thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây, anh sẽ cùng với các bạn nhỏ và bậc phụ huynh tham gia hoạt động vẽ tranh cùng nhau. Từng là một đứa trẻ gặp vô vàn khó khăn nhưng đều vượt qua nhờ vào niềm đam mê nghệ thuật mãnh liệt, Hom Nguyễn hiểu được tầm quan trọng của việc ý thức và phát triển sở thích của các bé từ nhỏ đến với cuộc sống sau này.
Chặng cuối của hành trình 'thăm quê", Hom Nguyễn sẽ vẽ trực tiếp một bức hoạ dành tôn vinh nghệ thuật Patina nhân dịp thương hiệu Berluti (nhà sáng lập kĩ nghệ Patina) khai trương boutique đầu tiên tại Hà Nội. Sự hội ngộ của Hom Nguyễn trong tư cách một hoạ sĩ đương đại, quê hương Hà Nội và nghệ thuật Patina đã từng nuôi sống và mời gọi anh trở về với nghệ thuật, quả là một nhân duyên tuyệt đẹp trong chuyến đi này.