Cyril Kongo - Huyền thoại graffiti gốc Việt truyền cảm hứng với hành trình đưa nghệ thuật từ đường phố vào triển lãm ngay tại quê cha
'Nếu các bạn cứ thực sự ngây thơ và cháy bỏng theo đuổi đam mê, các bạn sẽ làm được...'.
Đi để trở về
Cyril Kongo (Cyril Phan) là một nghệ sĩ graffiti sinh năm 1969 tại Toulouse (Pháp). Sinh trưởng trong gia đình có bố là người Việt và mẹ là người Pháp, trải qua những năm tháng tuổi thơ tại TP.HCM, Cyril Kongo đã sớm bộc lộ tinh thần phóng khoáng, tư tưởng tự do của mình.
Gác lại chuyện học hành từ tuổi 18, Cyril chào sân graffiti với phong thái tự do, phóng khoáng đó. Chỉ trong một thập kỷ, ông đã nhanh chóng chạm tới đỉnh cao của giới nghệ thuật đường phố. Vượt qua mọi cái nhìn khắt khe nhất, Cyril đã nâng tầm graffiti, đưa nó ra khỏi khuôn khổ đường phố, vượt qua những bức tường và trở thành một bộ môn nghệ thuật được công nhận.
Một buổi chiều cuối thu, chúng tôi có cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với Cyril tại triển lãm cá nhân đầu tiên của ông tại quê cha. Hà Nội hôm ấy là một chiều mưa lạnh, nhưng ngọn lửa đam mê trong Cyril như ủ ấm cả không gian triển lãm. Thành công là vậy, nhưng Cyril Phan vẫn ấp ủ rất nhiều điều trong trái tim mình.
Xin chào Cyril Kongo, rất vui vì được trò chuyện với ông hôm nay, ngay tại Hà Nội. Ông biết đấy, hiện tại graffiti ở Việt Nam mới ở mức phong trào, vẫn là thứ thuộc về đường phố và thật buồn thay, những đại diện của nó được đại chúng biết tới nhiều nhất lại là qua những bài báo phản ánh việc vẽ bậy lên các địa điểm công cộng, mà gần đây là trên tàu điện Cát Linh - Hà Đông. Là một nghệ sĩ đã khẳng định được chỗ đứng và có sức ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực của mình, ông có lời khuyên nào dành cho những bạn trẻ đam mê bộ môn nghệ thuật graffiti ở Việt Nam?
Những người trẻ đang theo đuổi con đường nghệ thuật, hãy dùng trái tim, đừng dùng cái đầu quá nhiều. Khi mới bắt đầu con đường nghệ thuật này, Cyril luôn nghĩ bản thân phải sáng tạo sao cho đẹp, tác phẩm tạo ra ấy phải thoả mãn được đam mê cháy bỏng trong tim. Chứ không phải chạy theo thị hiếu và kiếm được những đồng tiền. Trên tất cả, phải thực sự yêu thích công việc mình đang làm, và chỉ thực sự yêu thích bạn mới không đếm xem mình đã làm bao nhiêu giờ một ngày hay một tuần mà bạn sẽ thực sự hoà mình và tận hưởng công việc.
Hãy sống bằng đam mê và trái tim của mình. Và thực sự yêu thích cái công việc mà mình đang làm.
Đúng là ước mơ nào cũng cần được nuôi dưỡng bởi những đam mê, nhưng chỉ có thế thì chưa thể chạm tay vào được thành công. Và quá trình ấy, với Cyril Kongo, chẳng hề dễ dàng.
Có thể người ta biết đến tôi là nghệ sĩ gốc Việt nổi danh thế giới từng hợp tác với những thương hiệu đình đám như Hermes, Chanel, Richard Mille,... Nhưng tôi cũng phải đánh đổi bằng những giọt mồ hôi cùng những năm tháng miệt mài khổ luyện.
Việc chọn Việt Nam làm nơi tổ chức phòng tranh đầu tiên của mình khi đã có thành công ở nhiều nơi trên thế giới, phải chăng ông rất nặng lòng với quê cha? Ông có thể chia sẻ câu chuyện về quyết định của mình?
Chuyện tình cảm dành cho quê cha đương nhiên là sâu đậm, chưa kể là một quãng đường tuổi thơ của tôi đã thuộc về Sài Gòn. Mặc dù không phải Hà Nội, nhưng điều đó không có gì khác biệt, Sài Gòn hay Hà Nội, sau cùng đó là một Việt Nam đầy tình yêu của tôi.
Khi mở phòng tranh ở đây, ngoài việc đây là nơi quê cha đất tổ, điều này còn mang đến ý nghĩa cực kỳ lớn. Những năm tháng khó khăn và nhọc nhằn đi qua đời tôi không phải vô nghĩa, tôi đã luôn sống và mang theo một trái tim nhiệt huyết để chứng tỏ bản thân mình.
Trưng bày phòng tranh tựa như mở ra một chương mới trong cuộc đời của Cyril Kongo.
Ông như được tái sinh nguồn đam mê bất tận của mình. Lúc trước là chứng tỏ bản thân và hiện tại là lúc ông muốn truyền lại cảm hứng ấy cho những bạn trẻ ở Việt Nam. “Tôi cũng là một người đi lên từ nghệ thuật đường phố, tôi đã mang được điều ấy vào phòng tranh, nơi sáng bừng ánh điện và những bức tường đơn sắc… Tôi đã làm được và các bạn cũng sẽ làm được”.
"Vũ trụ nghệ thuật" Cyril Kongo
Trong quá trình từng bước trở thành người nghệ sĩ được mọi người biết đến như ngày nay, đó không phải là một hành trình dễ dàng. Cyril Kongo coi đó là may mắn. Ông biết ơn vì bản thân đã có nhiều thời gian để tự khám phá và thấu hiểu phong cách của chính mình.
Những năm 80 khi trở lại Pháp, Cyril tham gia vào nhóm Mort aux Cons (MAC) cùng những người bạn. Trong những năm từ 1989 đến 2001, rất nhiều sáng tác của ông nhận được sự yêu thích và công nhận từ cộng đồng graffiti Pháp. Đến năm 2002, MAC đã tổ chức festival graffiti quốc tế đầu tiên tại Bagnolet (Pháp) mang tên Kosmopolite. Suốt 12 năm sau đó, triển lãm này vẫn thu hút được hơn 700 nghệ sỹ hàng đầu trong giới streetart và hàng trăm nghìn người hâm mộ khắp nơi trên thế giới.
Sự may mắn có giá... một cốc bia
Có một câu chuyện thú vị mà Cyril tâm đắc mãi. Khi ở Hồng Kông, Cyril kể ông đã gặp một người đàn ông đi cùng con trai và được người này nhờ vẽ trên chiếc mũ con trai anh ta. Yêu cầu được Cyril đồng ý rất nhanh, chỉ đổi lại một cốc bia. Khi đó ông chẳng hề hay biết, người đàn ông đó là Giám đốc Hermes khu vực Châu Á. Một câu nói vui để kết thúc cuộc gặp gỡ tình cờ của chàng nghệ sĩ đường phố khi ấy, chẳng thể ngờ đã mở ra cơ hội hợp tác với một thương hiệu đình đám.
Sau đó không lâu, vị giám đốc đề nghị Cyril Kongo thiết kế phần cửa kính tại cửa hàng Hermes ở sân bay Hồng Kông.
Cyril khi ấy vẫn chủ yếu sáng tác trên đường phố, bầu bạn với những bức tường nhiều màu sắc. Hoàn thành xong tác phẩm ở sân bay Hồng Kông, Cyril lại nhận thêm được lời đề nghị từ Pierre Alexis Dumas - Giám đốc sáng tạo của Hermes thực hiện một chiếc khăn vuông.
Để cảm được dòng chảy sáng tạo của Hermes, Cyril đã dành một tuần để tìm hiểu triết lý sáng tạo của nhà mốt hàng đầu thế giới này. Mỗi tác phẩm là một câu chuyện truyền cảm hứng với ông - Cyril Kongo thừa nhận. Giữa ông và Hermes có sự hội ngộ về tinh thần sáng tạo. Những món đồ thủ công của Hermes được hình thành từ sự chắt chiu những câu chuyện từ các chuyến đi, từ những cuộc gặp gỡ. Và như thế, ngọn lửa đồng điệu được thổi bùng lên trong nghệ sĩ gốc Việt - một người theo đuổi chủ nghĩa xê dịch.
Các tác phẩm của Cyril Kongo trước khi hợp tác với Hermes cũng vậy, chúng được tạo nên bằng chất liệu cảm xúc đặc biệt có được từ những cuộc gặp gỡ, những lúc chia xa mà chính bản thân ông trải nghiệm thông qua những hành trình trải dài nhiều nơi trên thế giới.
Cứ thế, 10 tháng sau, những chiếc khăn vuông Hermes x Kongo được ra mắt tại cửa hàng và chỉ trong hai tháng, chúng đã được bán hết trên toàn thế giới vào năm 2011.
"Bàn tay vàng" trong làng Graffiti
Cyril cho rằng, mỗi lần hợp tác với những thương hiệu nổi tiếng là may mắn ông có được. Nhưng để may mắn ấy mở ra giá trị, thành công và để lại dấu ấn của ông thì đó là một nỗ lực không ngừng nghỉ. Trong suốt quá trình, ông luôn đặt khát khao và tâm huyết phải làm mọi thứ thật xuất sắc bằng cả trái tim mình.
Không ngừng học hỏi, gặp gỡ để tìm ra chất liệu quý giá, độc bản cho tác phẩm của mình là điều Cyril luôn làm. Chiếc khăn vuông của Hermes là một trong những tác phẩm không sử dụng nhiều kỹ thuật chế tác nhưng đã đánh dấu một bước đi dài trong sự nghiệp của Cyril, tiếp tục mở ra những thành công sau này cho ông.
Dường như, đứng trước mỗi dự định sáng tác, Cyril luôn tìm cách hòa mình như một sứ giả bản địa để thấu hiểu sâu sắc nhất - điều này được lý giải bằng chính lối sống của ông. Đứng từ góc nhìn của thương hiệu, gợi mở cảm nhận của người thưởng thức và dùng tài năng của mình để tìm ra điểm chung của hai điều này. Đó là khi, kiệt tác đồng hồ bắt tay với thương hiệu Richard Mille ra đời vào năm 2016.
Lần bén duyên này, tiếc là Cyril lại chẳng biết gì về thương hiệu đồng hồ đình đám ấy. Trước đó chưa có ai vẽ lên bộ chuyển động tourbillon của chiếc đồng hồ cả và Cyril đã dành 3 năm sinh sống ở Thụy Sĩ, tìm hiểu, học hỏi và phát triển với các nghệ nhân chế tác đồng hồ của Richard Mille. Kết hợp với các kỹ thuật chế tác đỉnh cao, từng chi tiết nhỏ nhất trong chiếc đồng hồ được Cyril sáng tạo đầy tỉ mỉ.
Chưa dừng lại ở đó, Cyril đã kết hợp với Daum - thương hiệu chế tác pha lê hàng đầu của Pháp. Không lâu sau đó, bình sơn graffiti bằng thủy tinh mang dấu ấn của Cyril Kongo đã ra mắt.
Có lẽ chị em yêu bếp, không ai là không ước ao cho mình được chạm tay vào những món đồ bếp cao cấp của thương hiệu La Cornue. Nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày thành lập, một cuộc phiêu lưu nghệ thuật đầy táo bạo được khởi xướng. Sự kết hợp đẳng cấp với thương hiệu nội thất bếp cao cấp hàng đầu thế giới này, Cyril đã cho ra mắt bộ sưu tập gồm 6 chiếc bếp nướng được họa bằng ngôn ngữ graffiti. Trong đó, tác phẩm La Cornue x Kongo phiên bản Paris được mua với giá 300.000 USD (khoảng 7 tỷ đồng).
Chữ tượng hình Ai Cập được kết hợp với ngôn ngữ đồ họa của Cyril đã đưa nguồn cảm hứng cho bộ sưu tập Chanel Métiers d’Art 2018/19 ra mắt vào cuối năm 2018 tại Bảo tàng Nghệ thuật Trung Tâm New York (The Met). Dưới mái vòm của Grande Arche-La Défense, các tác phẩm tiêu biểu trong sự nghiệp của Cyril được trưng bày để tôn vinh bộ môn nghệ thuật còn non trẻ này.
Cảm xúc nghệ thuật của Cyril còn được truyền tải vào thiết kế nội thất của những chiếc chuyên cơ Airbus. Khi thực hiện dự án này, Cyril đã nghĩ đến lấy cảm hứng nào để kể một câu chuyện từ vũ trụ nghệ thuật của riêng mình. Là người luôn tìm kiếm sự mới mẻ, độc bản trong nghệ thuật, không gian sang trọng mà Cyril muốn thể hiện với các nhà sản xuất máy bay ACJ đã tạo ra sự đổi mới và phá vỡ những giới hạn trước đó.
"Tôi làm được, các bạn cũng làm được"
Người ta luôn thắc mắc đâu là nguồn cảm hứng để ông có thể sáng tạo được những tác phẩm giàu màu sắc nghệ thuật đến thế. Ánh mắt của Cyril vẫn luôn sáng lên một niềm tự hào: Đó là sự kết nối với trái tim.
Để có được ngày hôm nay hẳn bản thân ông đã từng gặp không ít khó khăn. Các tác phẩm của ông luôn có một dấu ấn riêng, hơi hướng hiện đại, niềm vui hay hạnh phúc được phản ánh qua các mảng màu, hình khối đầy tính tương phản. Ông có thể chia sẻ về quá trình tìm kiếm chất liệu để sáng tạo - thứ làm nên phong cách riêng của mình không?
Câu hỏi của chúng tôi dài như vậy. Nhưng Cyril lại rất khiêm tốn nói rằng, có 3 điều đã giúp ông gặt hái được những thành quả của hiện tại.
Đầu tiên, đó là sự may mắn. Ông cảm thấy may mắn khi nghệ thuật của mình được người khác biết đến. Và khi người ta bắt đầu biết đến cái tên Cyril Kongo là lúc ông nhanh chóng dồn hết tâm huyết để xây dựng nên "vũ trụ nghệ thuật" của riêng mình - đây là điều thứ 2. Từ đó Cyril Kongo bắt đầu ấp ủ một thế giới nghệ thuật bằng nguồn cảm hứng và chất liệu của riêng mình, nuôi dưỡng chúng bằng những năm tháng luyện tập của tuổi trẻ.
Điều thứ ba, đó là sự tự do. Graffiti phải là tự do. Không gò bó theo khuôn khổ nào, cũng chẳng chạy theo hay “nịnh bợ" xu hướng đương thời, Cyril luôn để trái tim mình tự do suy nghĩ và dùng những nét vẽ phóng khoáng để tô nên bức tranh thành công của hiện tại.
Khi vũ trụ nghệ thuật của bản thân đã hội tụ được đủ đầy những điều ấy rồi, Cyril khao khát muốn được “trả lại", mang lại những điều tốt đẹp cho xã hội.
Chẳng hạn ở Pháp, ông cũng đã từng tổ chức để cổ vũ các hoạt động ngoại khoá. Không phải cứ học những môn tự nhiên, hay ngoại khoá phải là thể thao, bóng đá mà bạn vẫn có thể vẽ, viết hoặc chụp hình.
Đối với Cyril, việc mở phòng tranh ở Hà Nội, chính là minh chứng cho những nỗ lực của Cyril sau bao năm đưa nghệ thuật đường phố đến gần hơn với mọi người đã được hồi đáp. “Ba mươi năm trước, Cyril đã vô cùng chật vật để mưu sinh và theo đuổi nghệ thuật, nhưng hiện tại tôi đã làm được. Các bạn cũng sẽ làm được thôi, nếu thực sự các bạn cứ ngây thơ và cháy bỏng theo đuổi đam mê đó".
Khó khăn bốn bề luôn xuất hiện, tưởng chừng như đã có lúc bào mòn đi sức lực của mình, phải chăng “sự ngây thơ luôn hiện hữu trong tâm khảm" đã giúp Cyril Kongo giữ được nguồn cảm hứng của mình luôn mới như thuở ban đầu.
***
Cuộc trò chuyện ngắn ngủi ấy đã kéo gần khoảng cách của một nghệ sĩ nổi danh thế giới về với những khoảng lặng trên phố cổ Hà Nội. Tại phòng tranh nhỏ xinh, ấm cúng này, nghệ thuật Graffiti là điều gì đó rất chân thực, gần gũi. Ngay cả những người không am hiểu về sự kết hợp của màu sắc, hình khối cũng cảm nhận được tình yêu và đam mê lẫn năng lượng tích cực vô tận mà Cyril Kongo đã thổi hồn vào đó.
Có thể nói, nghệ thuật là thứ ngôn ngữ không lời sâu lắng dễ chạm vào tâm hồn nhất. Và tại triển lãm tranh Graffiti của mình, Cyril đã truyền tải được nguồn năng lượng tươi vui, khoẻ khoắn, tràn đầy sức sống của nghệ thuật đường phố.
Và từ đam mê của người nghệ sĩ gốc Việt nặng lòng với quê cha, dù đi khắp nơi trên thế giới, ông vẫn mang về Việt Nam thứ cảm xúc đẹp tuyệt bích về bộ môn nghệ thuật trước giờ vẫn bị nhiều định kiến khó hiểu, xa vời phủ lên mình. Có lẽ đây không chỉ là “nghệ thuật vị nghệ thuật" mà còn là “nghệ thuật vị nhân sinh" chúng ta luôn thiếu trong cuộc sống hiện đại vội vã này.
Xin cảm ơn Cyril Kongo về cuộc trò chuyện ấm áp này. Mong rằng những tác phẩm sáng tạo của ông sẽ được giới trẻ Việt Nam biết đến nhiều hơn và những người đang theo đuổi nghệ thuật graffiti sẽ được truyền cảm hứng từ nghệ sĩ đường phố Cyril để mạnh dạn theo đuổi ước mơ của mình.