Hoa khôi làng bị ép lấy anh hàng xóm, đêm tân hôn trốn ra chuồng bò, buộc phải động phòng vì một lý do
Xinh gái, duyên dáng, đảm đang nên thời trẻ cô Hiệp được nhiều chàng trai theo đuổi. Tuy nhiên cho đến khi lấy chú Long, có bầu được 7 tháng cô mới thực sự biết yêu là gì.
* Đêm tân hôn, cô Hiệp phải trốn ra chuồng bò để tránh chuyện động phòng
* Khi có bầu 7 tháng, cô mới thực sự yêu chú. Cả hai làm nên cơ ngơi từ bàn tay trắng
Đêm tân hôn trốn ra chuồng bò
Chú Trần Viết Long (SN 1964) và cô Nguyễn Thị Hiệp (SN 1968) cùng quê ở Thanh Hóa. Họ là những người hàng xóm, lớn lên bên nhau, hai nhà chỉ cách nhau vẻn vẹn có 15m.
Thuở nhỏ, cô chú làm bạn bè, có khi tắm mưa cùng nhau. Nhưng khi lớn lên lại ngại ngùng, không chơi với nhau nữa, gặp nhau thì chào hỏi xã giao. 20 tuổi, chú Long đi bộ đội 4 năm. Cô Hiệp nghỉ học sớm, làm ruộng, buôn bán phụ giúp bố mẹ nuôi các em. Thời điểm đó, cô chú có một điểm chung là “chưa từng có mảnh tình vắt vai”.
Cô Hiệp ngoại hình xinh xắn, xếp vào hàng hoa khôi của làng. Nhiều người đàn ông đến ngỏ ý muốn tìm hiểu nhưng cô đều từ chối.
“22 tuổi tôi vẫn chưa yêu ai, ngày ấy đã bị coi là ế. Bố mẹ mắng tôi suốt. Có nhiều người đến tìm hiểu, nhưng tôi chẳng thích. Nói chuyện thì thấy cũng vui vui, nhưng khi biết người ta có tình ý thì tôi lại né tránh. Chính tôi cũng không hiểu nổi bản thân mình như thế nào. Tôi không biết yêu là gì cả”, cô Hiệp nhớ lại.
Sau khi đi bộ đội về, được một người chị vun vén, chú Long sang nhà cô Hiệp nói chuyện, xin phép tìm hiểu. Với lợi thế gần nhà, hai bên gia đình cũng quý mến nhau nên ra sức vun vén cho cô chú.
Dù ấn tượng với sự hiền lành, tính cách vui vẻ của chú Long nhưng cô Hiệp vẫn nói lời từ chối. Lần này, bố mẹ, họ hàng làm căng, ép cô phải xuất giá. Cuối cùng, cô đành chấp nhận cuộc hôn nhân không tình yêu với anh hàng xóm.
Trong thời gian chuẩn bị tổ chức đám cưới, chú Long rất nhiệt tình, thường hay sang nhà cô Hiệp. Nhưng mỗi lần sang, chú chủ yếu nói chuyện với bố mẹ vợ chứ cô Hiệp chẳng tiếp. Vì sợ bố quá, thỉnh thoảng cô mới ra nói vài câu.
Sau khi tổ chức đám hỏi xong, ngồi cùng cả nhà, cô Hiệp khóc, nói với mẹ: “Mẹ ơi, đời con coi như hết”. Nghe vậy, chú Long quay sang nhẹ nhàng: “Sao em lại nói như thế. Bây giờ có anh và gia đình anh thương em nữa mà”. Lúc đó, cô Hiệp cũng bắt đầu thấy hơi rung động. Mặc dù vậy cho đến lúc làm đám cưới, dù đã cố gắng để có tình cảm với người bạn đời của mình nhưng cô Hiệp vẫn không làm được.
“Hôm đám cưới, rước dâu thì tôi cứ đi theo mọi người vậy thôi. Về đến nhà tôi ngồi một góc, thấy chồng mặc cái quần đùi tôi cũng ngại, che mặt xấu hổ, không dám nhìn.
Đêm tân hôn tôi sợ lắm, cứ ngồi trấn ở chỗ cái cửa, hễ thấy anh đang nằm mà đứng lên thì tôi lại trốn ra chỗ chuồng bò đứng.
Bố chồng tôi thấy thế mới bảo: “Con ơi thôi vào đi ngủ đi con”. Tôi vào rồi lại ngồi, chồng thì nói: “Em nằm xuống ngủ đi anh không làm gì đâu” nhưng tôi không chịu, anh ấy dậy thì tôi lại đi ra chuồng bò.
Một hôm đúng cơn bão lớn, mưa gió nên tôi không chạy được nữa, đành phải “chịu trận”, cô Hiệp hài hước kể.
Chú Long không phải là người biết nói lời hay ý đẹp, nhưng tình cảm, sự quan tâm chú dành cho cô rất lớn. Trải qua thời gian chung sống, cô Hiệp dần cảm nhận được và bắt đầu nảy sinh tình cảm với chồng.
Có bầu 7 tháng mới bắt đầu yêu chồng
“Khi tôi có bầu đứa đầu được 7 tháng thì bị trúng gió ở ngoài vườn. Mọi người đưa vào nhà nằm nghỉ, một lát tỉnh dậy, tôi thấy chồng đang ngồi cạnh, một tay cầm tay tôi, một tay đặt lên bụng tôi.
Rồi tôi lại thiếp đi mấy tiếng mới dậy, vẫn thấy chồng ngồi bên cạnh như thế, tay vẫn để như vậy. Anh hỏi tôi: “Em tỉnh rồi hả. Em bé nó đạp quá trời”. Tự nhiên lúc đó tôi rơi nước mắt, cảm nhận được tình thương bao la anh dành cho tôi”, cô Hiệp xúc động kể.
Từ đó, chú Long, cô Hiệp bắt đầu cuộc sống vợ chồng có tình yêu, hai đứa con một trai, một gái lần lượt ra đời. Bố mẹ hai bên không có điều kiện nên cô chú phải tự lập, làm ngày làm đêm với nghề tráng bánh đa. Mỗi ngày, cô Hiệp chỉ ngủ 2-3 tiếng, thuê người trông con để tập trung làm việc. Năm 1992, cô chú tiết kiệm được một khoản tiền, vay mượn thêm họ hàng mua được một căn nhà tranh, không giếng, không sân, trời mưa là dột khắp nơi.
“Thuận vợ, thuận chồng, biển Đông tát cạn”, năm 1994, cô chú trả hết nợ. Đến năm 1996 thì làm được ngôi nhà 5 gian gần như to nhất làng.
Tuy nhiên vì làm việc quá sức nên cô Hiệp sức khỏe yếu, chỉ còn có 40kg. Thương vợ vất vả, chú Long quyết định đưa cả gia đình vào TP.HCM sinh sống, tìm công việc nhẹ nhàng hơn cho cô Hiệp đỡ vất vả.
Ban đầu chú Long làm bảo vệ, cô Hiệp làm công nhân. Sau đó, cô chú nuôi lợn, nấu rượu bán, kinh tế khấm khá, giờ đã có được cơ ngơi khang trang. Gia đình hiện sống ở quận 7, TP.HCM.
Sau 35 năm hôn nhân, chú Long lần đầu gửi những lời cảm ơn và yêu thương chân thành với người bạn đời. Nghe những lời đó, cô Hiệp xúc động: “Bao năm ông xã chỉ dành tình yêu thầm lặng, hôm nay anh thổ lộ ra, tôi rất xúc động và hiểu hơn tấm lòng của anh hơn”.
Nguồn: Tình trăm năm