Hoa hậu Việt Nam 2022: Lộ diện Top 18 Người đẹp nhân ái
Trải qua vòng sơ tuyển Người đẹp Nhân ái, BGK nhất trí chọn ra 18 cô gái không những tài sắc vẹn toàn mà còn giàu lòng trắc ẩn, tích cực hành động vì cộng đồng - tiêu chí quan trọng trong hành trình trở thành Hoa hậu Việt Nam 2022.
Nhiều dự án hướng về trẻ em
Phần thi Người đẹp Nhân ái là một trong những phần thi quan trọng, mở đầu cho vòng Chung kết Hoa hậu Việt Nam (HHVN) 2022. Có 35 cô gái vượt qua vòng Chung khảo cùng tham gia sơ tuyển, trình bày với BGK về những dự án thiện nguyện mà họ đã, đang và mong muốn thực hiện. Từ đó, BGK sẽ chọn ra 18 cô gái tham gia dự án nhân ái. Tại vòng sơ tuyển Người đẹp Nhân ái, thí sinh thể hiện sự yêu thương, lòng trắc ẩn thông qua các dự án dành cho những hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế, đặc biệt là trẻ em.
Thí sinh Mai Trang Thảo (SBD 185) mong muốn ghé thăm các mái ấm nhiều nhất có thể và sẻ chia với các em nhỏ thiếu thốn tình cảm gia đình. “Với tuổi đời của tôi hiện tại, những điều lớn lao tôi chưa thể làm và chưa dám làm. Vì vậy, tôi chỉ muốn làm điều gì đó nhỏ nhưng ý nghĩa cho trẻ em”, Trang Thảo nói.
Cùng mong muốn đem lại những điều tốt đẹp cho trẻ em, thí sinh Lê Thanh Trúc (SBD 121) mang đến cuộc thi dự án về giáo dục, mong muốn giúp đỡ trẻ em nghèo, mồ côi cha mẹ, mất người thân do dịch COVID-19.
Nguyễn Thị Thanh Tâm (SBD 323) - người đẹp xứ Thanh mong muốn thực hiện dự án phát triển kỹ năng mềm, chăm sóc sức khỏe tinh thần cho trẻ em mồ côi tại các cơ sở chăm sóc xã hội. Thí sinh Trần Thị Bé Quyên (SBD 216) ấp ủ thành lập quỹ giúp đỡ trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh. Thí sinh Nguyễn Thị Phương Nhung (SBD 278) hướng tới đối tượng trẻ em thiểu năng trí tuệ, khuyết tật.
Hoa hậu Liên lục địa Lê Nguyễn Bảo Ngọc - thành viên BGK Người đẹp Nhân ái vui mừng khi các thí sinh luôn hướng về những giá trị nhân văn, hoạt động thiện nguyện. Cô cho rằng phần thi sơ tuyển Người đẹp Nhân ái đã góp phần gieo mầm nhân ái, nhân văn.
Top 18 Người đẹp Nhân ái
Với phần trình bày xuất sắc, 18 cô gái xuất sắc vượt qua vòng sơ tuyển, bắt đầu hành trình hiện thực hóa những hoài bão vì cộng đồng, bao gồm: Nguyễn Ngọc Mai (SBD 122), Lê Nguyễn Ngọc Hằng (SBD 166), Trần Gia Hân (SBD 081), Lê Thanh Trúc (SBD 121), Mai Trang Thảo (SBD 182), Huỳnh Thị Thanh Thuỷ (SBD 005), Phạm Thị Hồng Thắm (SBD 101), Nguyễn Thị Phương Nhung (SBD 278), Hoàng Hương Giang (SBD 177), Nguyễn Thị Thanh Tâm (SBD 323), Đỗ Trần Ngọc Thảo (SBD 234), Nguyễn Linh Thu (SBD 057), Đinh Khánh Hoà (SBD 088), Nguyễn Ngọc Tường Vi (SBD 335), Phan Phương Oanh (SBD 378), Trịnh Thuỳ Linh (SBD 146), Trịnh Mỹ Anh (SBD 426), Trần Lê Mai Chi (SBD 052).
NGỌC ÁNH
Sự định hướng từ ban giám khảo
Thí sinh chuẩn bị khá kỹ lưỡng cho phần thuyết trình trước ban giám khảo. Nhiều cô gái đã lên kế hoạch cho những hoạt động nhân ái từ khi tham gia Hoa hậu Việt Nam 2022. Cuộc thi trao cơ hội cho thí sinh lan tỏa tình yêu thương và hành động tích cực vì cộng đồng. Vòng sơ tuyển Người đẹp Nhân ái là cơ hội để 35 thí sinh trình bày dự án trước ban giám khảo, đồng thời lắng nghe sự tư vấn, định hướng từ những người có chuyên môn.
Các cô gái thuyết phục ban giám khảo nhờ lòng trắc ẩn, sự tự tin và dũng cảm. Thí sinh phải thực sự hiểu biết, dành tâm huyết cho dự án mà mình theo đuổi. Thí sinh Nguyễn Phương Anh (SBD 093) mạo hiểm khi lựa chọn một dự án khó. Địa điểm thực hiện dự án mà Phương Anh lựa chọn là một con phố sát đường tàu ở Hải Phòng - nơi thường diễn ra hoạt động mua bán ma túy ngầm. Cô dự định trồng thêm cây xanh, vận động lắp thêm đèn đường cho khu phố để mang đến sự an toàn cho người dân. Nhà thơ Hữu Việt - thành viên Ban giám khảo cho rằng Phương Anh cần tập trung vào những hành động cụ thể hơn. “Nếu hỗ trợ được người dân bằng cách giảm thiểu tệ nạn, đảm bảo an ninh, an toàn cho khu phố, dự án sẽ đem lại ý nghĩa trọn vẹn”, ông nhận định.
Với dự án gây quỹ đào tạo kỹ năng mềm cho trẻ em, thí sinh Nguyễn Ngọc Mai (SBD 122) tự tin thuyết phục ban giám khảo nhờ kinh nghiệm thực hiện một số dự án cộng đồng trong thời gian du học tại Hà Lan. Ngọc Mai cho rằng trẻ em được học kiến thức toán, âm nhạc… nhưng các kỹ năng mềm để ứng phó với bạo lực học đường, chống xâm hại thì vẫn còn hạn chế. Mới nhất, cô tham gia khảo sát dự án Lớp học cho em được thực hiện tại đỉnh núi Suối Giàng (xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái). Nơi đây còn nghèo, thiếu thốn, đối mặt với vấn đề tảo hôn, kết hôn cận huyết. Dự án này sẽ xây dựng các lớp học về tiếng Anh, phát triển du lịch bền vững và hỗ trợ giáo dục cho trẻ em. Ông Robert Menzies Francis - đại diện nhà tài trợ chuỗi dự án nhân ái dành lời khen cho phần thuyết trình ấn tượng của thí sinh 23 tuổi. Ông trao đổi thêm với cô về những khó khăn khi bắt tay vào dự án. Nhà thơ Hữu Việt chú ý tới từng chi tiết của hoạt động nhân ái. Ông đặt câu hỏi cho thí sinh Ngọc Mai về kế hoạch cụ thể của dự án như thời gian thực hiện, kinh phí dự trù, nguồn nhân lực,…
Thạc sĩ Phạm Kim Dung, Tổng Giám đốc Công ty Sen Vàng, thành viên Ban giám khảo Người đẹp Nhân ái nhận định: Một số thí sinh chưa lường trước được tính phi thực tế của hoạt động nhân ái và đưa ra giải pháp có phần mông lung. Tuy nhiên, bà khẳng định luôn ủng hộ và động viên thí sinh. “Khi ước mơ 10 phần, chúng ta có thể thực hiện được 2-3 phần. Nếu không có ước mơ sẽ không làm được bất cứ điều gì”, bà chia sẻ sau phần thuyết trình của 35 cô gái.
Sau vòng sơ tuyển, ban giám khảo tìm ra 18 thí sinh xuất sắc nhất bước vào phần ghi hình thực tế, thực hiện những dự án nhân ái.
Hoa hậu Liên lục địa Lê Nguyễn Bảo Ngọc - thành viên BGK Người đẹp nhân ái cho rằng, lòng nhân ái xuất phát từ những điều đơn giản, bình dị nhất như cách chúng ta có thể đồng hành với một người nào đó trong khoảng thời gian khó khăn của họ. “Không phải bạn nào cũng đủ nguồn lực để tham gia những dự án lớn, có tầm ảnh hưởng. Chính những điều nhỏ nhất lại chính là khởi nguồn của những điều nhân ái lớn lao sau này”, Bảo Ngọc nói.