Hoa hậu Hoàn vũ sẽ bị tẩy chay vì sự độc đoán của nữ tỷ phú chuyển giới?
Trước những chính sách độc đoán của bà Anne Jakrajutatip, nhiều quốc gia quyết định từ bỏ bản quyền Miss Universe. Trong khi đó, nhiều khán giả thể hiện sự phẫn nộ và cho biết niềm yêu thích của họ với cuộc thi nhan sắc này đang bị lung lay.
Vụ việc tranh chấp tên gọi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam giữa công ty Công ty cổ phần Hoàn vũ Sài Gòn (SG Unicorp) và tập đoàn JKN Global (chủ sở hữu mới của Miss Universe) đang đẩy vấn đề bản quyền Miss Universe vốn âm ỉ suốt thời gian qua lên cao trào.
Việc tập đoàn JKN Global mà chủ sở hữu là nữ tỷ phú chuyển giới Anne Jakrajutatip yêu cầu Unicorp không được sử dụng bất kỳ thương hiệu hoặc logo của Miss Universe trên các trang web, tài khoản truyền thông xã hội, chiến dịch tiếp thị đang gây ra tranh cãi.
Sự việc chưa ngã ngũ nhưng nhiều khán giả bày tỏ sự thất vọng với cách làm việc của bà Anne Jakrajutatip. Nhiều người cho rằng Miss Universe dưới thời nữ tỷ phú không còn sự hấp dẫn vốn có mà nặng tính thương mại, thậm chí bị cho rằng "đậm mùi tiền bạc".
Với làn sóng tranh cãi mạnh mẽ như hiện nay, liệu Miss Universe sẽ bước lên thời kỳ đỉnh cao mới hay dần bị khán giả quay lưng?
Quay lưng với các đối tác lâu năm
Kể từ khi lên nắm quyền sở hữu Miss Universe, bà Anne Jakrajutatip liên tục thể hiện sự quyết liệt, không nhân nhượng của mình khi đưa ra hàng loạt cải cách được cho là độc đoán.
Từ quy định đấu thầu bản quyền cho đến quy định cuộc thi Miss Universe cấp quốc gia chỉ được cử Hoa hậu đi thi, các Á hậu không được thi các cuộc thi khác, bà Anne đang ngày càng gây nên sự phẫn nộ.
Không chỉ thế, nhiều người bất ngờ vì cách làm việc quyết liệt, sẵn sàng quay lưng với các đối tác lâu năm chỉ vì tiền của bà Anne.
Puteri Indonesia là đơn vị hợp tác với Miss Universe hơn 2 thập kỷ qua nhưng đã mất bản quyền vào tay công ty PT Capella Swastika Karya.
Việc tổ chức Puteri Indonesia bị mất bản quyền Miss Universe sau hơn 2 thập kỷ hợp tác khiến công chúng ở quốc gia này bị sốc. Puteri Indonesia vốn là tổ chức lâu đời, uy tín ở quốc gia này trong lĩnh vực sắc đẹp.
Bên cạnh đó, việc Puteri Indonesia đồng ý trả tiền gấp 10 lần để duy trì bản quyền Miss Universe nhưng vẫn bị mất giấy phép khiến khán giả cho rằng bà Anne quá phũ phàng và chỉ quan tâm đến tiền bạc.
Sau Puteri Indonesia, đến lượt một đối tác lâu năm khác của Miss Universe bị mất bản quyền đó là Công ty cổ phần Hoàn vũ Sài Gòn (SG Unicorp). Unicorp đã giữ bản quyền Miss Universe ở Việt Nam 15 năm nhưng vẫn bị bà Anne quay lưng.
Trong thư mà Giám đốc pháp lý của tập đoàn JKN gửi cho truyền thông hôm 28/2 nêu rõ công ty Unicorp không đưa ra mức giá phù hợp cho việc đấu thầu nên JKN đã cân nhắc trao bản quyền cho đơn vị tổ chức khác.
Ngay sau khi Unicorp mất bản quyền, JKN thể hiện sự cứng rắn khi yêu cầu công ty này ngừng sử dụng tên gọi Miss Universe Vietnam và tên Việt hóa Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam.
Trước sự phũ phàng của bà Anne, nhiều giám đốc quốc gia đã từ chức. Họ cho rằng những cống hiến âm thầm của mình trong suốt nhiều năm qua không đáng để lao vào một cuộc đấu thầu bản quyền vô nghĩa.
Cách làm việc mập mờ, thiếu chuyên nghiệp
Quyết liệt trong việc đưa ra các cải cách nhưng cách làm việc của nữ tỷ phú lại được cho là mập mờ, thiếu chuyên nghiệp.
Sau khi mất bản quyền, Mega Angkasa - trưởng bộ phận truyền thông của tổ chức Puteri Indonesia phát thông cáo cho biết họ sốc vì lúc đó vẫn đang chờ tin chính thức từ Giám đốc Nhượng quyền Toàn cầu của Miss Universe - Carlos Capetillo về việc tiếp tục cấp phép như những năm trước.
Từ đó, bà Mega Angkasa đặt câu hỏi liệu đã có sự gian lận trong khâu đấu thầu. "Chúng tôi cảm thấy có sự bất công vì Puteri Indonesia chỉ có 3 ngày làm việc trong khi các giám đốc quốc gia khác có thời gian gia hạn. Ngoài ra, chúng tôi không được cung cấp định dạng đặt giá thầu phù hợp, trong khi các quốc gia khác có định dạng đặt giá thầu khá chi tiết", bà Mega nói.
Bà Anne liên tục gây sóng gió với sự độc đoán của mình.
Do không có sự minh bạch trong quá trình đấu thầu, Puteri Indonesia bày tỏ nghi ngờ rằng có những yếu tố chi phối quyết định việc chuyển nhượng giấy phép Hoa hậu Hoàn vũ Indonesia.
Tại Việt Nam, sau khi mất bản quyền Miss Universe, công ty Unicorp đã chủ động thay đổi tên gọi và nhận diện để tách biệt 2 thương hiệu Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam và Miss Universe Vietnam.
Trong khi đó, đơn vị nắm bản quyền mới của Miss Universe Vietnam lại tự động thêm tên tiếng Việt "Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam" vào fanpage chính thức của mình gây ra tranh cãi.
Giải thích về hành động này, sáng 1/3, trang chủ Miss Universe Vietnam cho biết họ thay đổi tên trên fanpage theo chỉ định từ phía tổ chức Miss Universe và bà Anne sau khi đã tham khảo ý kiến của luật sư và bộ phận pháp chế.
"Quy trình này được áp dụng cho tất cả quốc gia trên thế giới trong suốt lịch sử của Miss Universe khi thay đổi 1 đơn vị sở hữu bản quyền" - Miss Universe Vietnam cho biết.
Việc làm này khiến khán giả Việt Nam chỉ trích, cho rằng Miss Universe làm việc thiếu chuyên nghiệp, minh bạch trong quá trình chuyển nhượng bản quyền tại Việt Nam nên đã gây ra những tranh chấp.
Miss Universe sẽ bị quay lưng?
Sau hàng loạt lùm xùm về bản quyền và tiền bạc đang diễn ra trên phạm vi thế giới, khán giả đặt câu hỏi về giá trị thực sự của Miss Universe và băn khoăn liệu cuộc thi này còn giữ được vị thế cũng như sự yêu mến của khán giả.
Nếu nhiều công ty sẵn sàng chi bội tiền để đấu thầu bản quyền Miss Universe thì những tổ chức lâu đời như Puteri Indonesia vẫn tỏ ra lạc quan sau khi mất giấy phép nhượng quyền.
Tranh chấp tên gọi giữa Miss Universe và công ty Unicorp đang gây chú ý.
Puteri Indonesia cho biết họ sẽ đầu tư cho hoa hậu từ mùa giải tới để đi thi các cuộc thi nhan sắc lớn như Hoa hậu Quốc tế hay Hoa hậu Thế giới. Puteri Indonesia cũng khẳng định cuộc thi lâu đời này tập trung vào việc tìm ra đại diện xuất sắc cho đất nước vạn đảo thay vì tìm kiếm hào quang trên đấu trường quốc tế như những năm vừa qua.
Một tổ chức lâu đời khác là Binibining Pilipinas 2023 cũng chuyển hướng sang cuộc thi Hoa hậu Quốc tế sau khi mất bản quyền cử thí sinh đi thi Hoa hậu Hoàn vũ vào năm 2018.
Trong khi nhiều người cho rằng cuộc thi không còn hấp dẫn thì vẫn có khán giả ủng hộ Binibining Pilipinas và với người dân Philippines đây vẫn được coi là cuộc thi lâu đời, uy tín nhất.
Tại Việt Nam, sau khi mất quyền cử đại diện đi thi Miss Universe, người chiến thắng cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam do công ty Unicorp tổ chức được cho là sẽ tham dự đấu trường Hoa hậu Siêu quốc gia.
Có thể thấy trong khi nữ tỷ phú Anne Jakrajutatip vẫn kiên quyết với những cải cách cứng rắn của mình thì nhiều quốc gia bắt đầu chuyển hướng vì không còn phù hợp với tiêu chí của Miss Universe.
Nhiều người dự đoán những cải tổ của bà Anne liệu có "gậy ông đập lưng ông", khiến khán giả ngày càng mất thiện cảm và quay lưng với Miss Universe.