Họ "ngột thở" nhưng không thể kêu cứu, họ không "sống" mà chỉ tồn tại như một cái xác không hồn...!

M.S,
Chia sẻ

Hôn nhân thất bại sao không "giải tán"? Đa số chúng ta vẫn thường viện lí do để trì hoãn chấm dứt một cuộc hôn nhân thất bại. Hai lí do lớn nhất vẫn là một - vì con, hai - vì tiền.

Nỗi ám ảnh mang tên "single mom"

“Tôi vốn là người sống nội tâm nên hiếm ít khi kể lể chuyện của mình với người khác. Nói thế nào nhỉ, mỗi khi có rắc rối gì đó, tôi hay tìm cho mình một con mèo Hello Kitty, vì đơn giản nó không có miệng. Hoặc đứa con trai mới một tuổi của tôi, vì nó chưa biết nói, chỉ có thể “Ư ư”. Tôi vẫn thường ngồi “tâm sự” với con cả tiếng đồng hồ, về một chuyện cũ rích ấy. Rồi một hôm, tự dưng tôi tỉnh dậy và nghĩ rằng có lẽ mình nên hỏi ý kiến của một người thứ ba. Biết đâu cái nhìn khách quan của họ sẽ cho tôi một vài lời khuyên đúng đắn.

Sáng đến cơ quan, vừa định mở mồm ra tâm sự với chị đồng nghiệp, chị em chơi cực thân của mình, thì bà ấy đã bô bô chỉ vào màn hình “Này, tao chả hiểu “ẻm” Hà Hồ này kiểu gì nhỉ?! Ly hôn bao lâu rồi vẫn chưa chịu dứt hẳn đi. Vẫn dây dưa chồng cũ rồi lại còn đi chơi, đi du lịch cùng nhau, ngủ cùng giường vì con. Thật tao cũng đến chịu cái lí do “vì con” của những cặp đôi “đồng sàng dị mộng”. Có bồ tứ tung rồi đêm vẫn bố một bên mẹ một bên con nằm giữa là thế quái nào nhỉ?”.

Lời ngậm sẵn ở trong mồm, giờ khựng lại hết như ô tô gặp tàu hỏa chắn ngang. Tôi cố nuốt chúng xuống, cười khì một cái cho qua chuyện “Ôi dào, showbiz nói làm gì, rắc rối lắm chị ơi. Nhà em Dương Mịch - Lưu Khải Uy cũng thế kìa, có chịu li dị đâu dù hai vợ chồng chẳng buồn nhìn mặt nhau”. Thế rồi nén một tiếng thở dài, tôi đành dừng ý định tâm sự với ai đó lại. Nếu như chị ấy biết được vợ chồng tôi đã sống trong cảnh ly thân nhưng vẫn chung nhà ấy đến nửa năm nay rồi, không hiểu chị sẽ nghĩ gì, đánh giá gì tôi đây?

Ly thân không ly hôn: Vì con, vì chẳng còn son hay còn gì hơn nữa? - Ảnh 1.

Tôi không biết mình không muốn ly hôn vì lí do gì, vì sợ làm single mom, vì không muốn con xa bố, vì vẫn còn chút tình cảm với chồng, vì hy vọng tương lai vợ chồng sẽ hàn gắn lại được hay vì cái quái gì nữa. Tôi và chồng tự có thỏa hiệp ngầm là không can thiệp đến cuộc sống riêng của nhau, từ khi tôi phát hiện ra anh vẫn còn giữ liên lạc trên mức bạn bè với người yêu cũ. Bảo cạn sạch tình nghĩa cũng chẳng phải. Mới kết hôn được hai năm, con tôi mới tròn một tuổi, gì mà đã căm thù nhau được. Chỉ là không muốn chạm vào nhau nữa, không muốn nhắn tin trò chuyện yêu thương gì nữa. Mối quan tâm chung duy nhất của hai vợ chồng là đứa con. Chấm hết.

Liệu có phải tôi đang tự đày đọa bản thân mình không? Khi vợ chồng ở cạnh nhau chỉ vì nghĩa vụ, đêm nằm cùng giường mà mỗi người một thế giới? Có cặp vợ chồng nào cũng trì hoãn ly hôn vô thời hạn như chúng tôi không? Vì thực sự càng ngày tôi càng thấy mệt mỏi và không có lối thoát. Trong khi chồng tôi vẫn có vẻ rất thoải mái với kiểu chung sống này…”.

Sống chung vì con - lí lẽ của những người ích kỉ

“Bố mẹ con không hạnh phúc. Họ không thích nhau. Họ không thầm thì vào tai nhau rồi cười rúc rích như bố hay mẹ vẫn làm với con. Thậm chí cả hai còn không nhớ sinh nhật của nhau. Bữa ăn tối thường chỉ là bố nói chuyện với con, mẹ hỏi con mấy câu, bố mẹ không nói chuyện với nhau bao giờ, cũng chẳng buồn nhìn nhau một cái. Con hay đi du lịch riêng cùng bố hoặc mẹ, không bao giờ là ba người cùng đi cả. Thế mà bố mẹ vẫn sống cùng nhau, cùng con. Ít nhất thì bố mẹ cũng vẫn yêu con”. Đây là một bức thư mà một cô bạn là bác sỹ tâm lí trẻ em cho tôi đọc cách đây không lâu. Đứa trẻ viết bức thư này mới 9 tuổi. Đọc xong, tôi nhận thấy giữa những dòng chữ còn nguệch ngoạc kia là cả một tuổi thơ bị xé ra làm đôi, một nửa là thế giới với bố, một nửa là thế giới với mẹ.

Ly thân không ly hôn: Vì con, vì chẳng còn son hay còn gì hơn nữa? - Ảnh 2.

Đa số chúng ta vẫn thường viện lí do để trì hoãn chấm dứt một cuộc hôn nhân thất bại. Hai lí do lớn nhất vẫn là một - vì con, hai - vì tiền. Hoặc chúng ta sợ mất quyền nuôi con, sợ không đủ khả năng chăm sóc con. Vậy là cứ thế ai cũng chọn im lặng, thỏa hiệp ở cạnh nhau, sống chung một mái nhà nhưng cười, khóc chẳng vì nhau nữa. Sự lần lữa, ỡm ờ đấy thực sự là một quyết định ích kỉ - hoàn toàn là vì mình chứ chẳng phải vì con như chúng ta vẫn nhầm tưởng. Làm vậy, là bạn đang cho đứa trẻ một hy vọng “ảo” về việc bố mẹ chúng sẽ quay lại, hạnh phúc với nhau. Làm vậy, là bạn đang làm đau chính người mình đang yêu thật lòng trong hiện tại. Liệu có người yêu nào có thể thoải mái nhìn đối phương vẫn chung sống dưới một mái nhà cùng người cũ dù chẳng còn tình cảm? Làm vậy, là bạn cũng vô tình làm đau cả chính mình. Khi nhiều khi chẳng thể phân định rạch ròi giữa yêu, ghét, đúng, sai, ham muốn nhất thời và những mâu thuẫn dai dẳng.

Cô bạn thân của tôi cũng là người đã chứng kiến bố mẹ mình dù ly thân vẫn ở với nhau đến tận mười năm trời, sau đó mới lị dị và mỗi người một hướng. Rất lâu sau này, cô ấy có nói với tôi rằng những năm tháng sống chung dù đã hết tình cảm, cô thấy bố mẹ mình như đang tự dìm đầu xuống những bể nước lạnh. Họ ngộp thở nhưng không thể kêu cứu. Họ không sống, chỉ tồn tại như những cái xác không hồn. Cho đến khi bố mẹ ly hôn, cô mới thấy họ vui trở lại. Vui thật sự, chứ không phải những nụ cười méo xệch cố nặn ra để làm yên lòng con cái.

Ly thân không ly hôn: Vì con, vì chẳng còn son hay còn gì hơn nữa? - Ảnh 3.

Trẻ con thường hiểu chuyện hơn người lớn nghĩ rất nhiều. Thà làm chúng đau một lần với sự thật trần trụi không thể thay đổi, còn hơn cứ ướp đường cuộc đời bằng những lời mật ngọt, những ảo tưởng về một gia đình hạnh phúc. Bố mẹ ở xa nhưng vui vẻ đảm bảo sẽ chăm sóc con tốt hơn gấp tỉ lần những ông bố bà mẹ vẫn cố gắng ở cạnh nhau vì con. Để rồi khi những ức chế, mâu thuẫn, chán ghét nhau không được giải quyết, cả hai lại đổ ụp hết lên đầu con mình. Đó mới thực sự là bi kịch cho những đứa trẻ!

Làm sao để vẹn cả đôi đường?

- Hãy thành thật và nghiêm túc với nhau khi nói về tương lai. Cả hai định chung sống đến bao giờ? Nếu một trong hai định đi bước nữa thì sẽ thế nào? Ai sẽ là người nói cho con biết về quyết định li hôn?

- Nếu vẫn chọn ở cùng nhau, tránh tuyệt đối việc đăng ảnh gia đình hạnh phúc như-không-có-gì-xảy-ra lên mạng xã hội. Sẽ có người thấy đau khi nhìn thấy chúng, bạn biết là ai mà.

- Tập nói chuyện với con - như những người bạn. Con luôn có giác quan thứ sáu, kết nối vô hình với bố mẹ nên không khó để con hiểu được cảm giác của bạn. “Ở cạnh bố, mẹ không vui nữa”, “Mẹ làm bố buồn, nhưng mẹ vẫn yêu con”… Chỉ vậy thôi là đủ để trẻ dần hiểu và không bị sốc khi một ngày kia thấy bố mẹ chia tay.

- Luôn tôn trọng nhau, cư xử hòa nhã với nhau trước mặt con. Đừng giận cá chém thớt, giận lá đá cây. Con cái không phải là chỗ để bạn xả stress hay ức chế với đối phương.

Ly thân không ly hôn: Vì con, vì chẳng còn son hay còn gì hơn nữa? - Ảnh 4.

Chia sẻ