Ho kéo dài vào mùa lạnh và cách xử trí
Ho là một phản ứng của cơ thể, nhằm tống các chất bài tiết, vi sinh vật hoặc dị vật ra ngoài.
Độ tăng áp lực giữa khí phế quản, phế nang và không khí ngoài trời với việc đóng mở thanh môn, khiến tốc độ không khí được tống ra ngoài nhanh gần bằng tốc độ của âm thanh, đủ lực để đưa các dị vật ra ngoài. Khi ho, các cơ hô hấp được huy động tối đa, làm cho áp lực trong lồng ngực và đường hô hấp ở mức tăng cao nhất. Tuy vậy, khi ho nhiều, kéo dài thường khiến người bệnh rất mệt và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.
Nguyên nhân do đâu?
Có nhiều nguyên nhân gây ho trong đó nhiễm khuẩn đường hô hấp là nhóm bệnh phổ biến nhất, bao gồm cả nhiễm khuẩn hô hấp trên và hô hấp dưới.
Các nhiễm khuẩn hô hấp trên như viêm mũi, viêm họng, viêm amidan, viêm VA, viêm xoang, cảm cúm. Đặc điểm của ho trong các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp trên là xuất hiện khá nhanh, ho có đờm do niêm mạc mũi họng tăng tiết dịch, ho thường kèm theo các triệu chứng khác như ngạt mũi, chảy mũi, sốt, đau họng, ù tai. Sau điều trị hết viêm, triệu chứng ho còn kéo dài thêm một thời gian mới hết hẳn và sẽ lại xuất hiện khi có đợt viêm mới.
Cần mặc ấm để tránh nhiễm lạnh và ho.
Nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới cũng là nguyên nhân gây ho trong đó có viêm phế quản dễ dẫn đến ho kéo dài. Đây là tình trạng tổn thương viêm cấp hoặc mạn tính của phế quản, tổn thương thường xảy ra nhất là ở phế quản lớn và trung bình. Ho là dấu hiệu chủ yếu, lúc đầu ho khan, sau đó ho khạc đờm, nếu viêm cấp thường có kèm theo sốt. Ho kéo dài thường mỗi đợt trên 3 tháng là viêm phế quản mạn tính.
Giãn phế quản cũng khiến cho tình trạng ho kéo dài, có thể do bẩm sinh hoặc mắc phải. Biểu hiện chủ yếu là ho cơn, xuất hiện nhiều về sáng sớm, đặc biệt khạc rất nhiều đờm trắng.
Hen và dị ứng là một bệnh mạn tính của phế quản phổi, các phế quản viêm, nề và co thắt gây tắc nghẽn đường thở. Ngoài triệu chứng đau tức ngực, khó thở, thở khò khè, ho là triệu chứng đặc thù và rất thường gặp, thường xuất hiện ban đêm hoặc sáng sớm. Các yếu tố thuận lợi là khi thay đổi thời tiết, trời giá lạnh, khi hít khói bụi, hút thuốc lá. Vấn đề nhiễm khuẩn và dị ứng thường phối hợp với nhau, làm cho quá trình điều trị càng trở nên khó khăn.
Viêm phổi cũng là nguyên nhân gây ho kéo dài, bệnh thường xuất hiện đột ngột với triệu chứng sốt rét rồi sốt nóng, đau tức ngực, ho khan, sau đó ho có đờm màu gỉ sắt, đờm đặc quánh, màu xanh hoặc vàng.
Lao phổi khiến bệnh nhân gầy sút, sốt âm ỉ kéo dài, ho húng hắng, khạc đờm trắng, nặng có thể ho ra máu.
Các bệnh lý khác của phổi, phế quản như: áp-xe phổi, bụi phổi, ung thư phổi phế quản, dị vật đường hô hấp, khối u trung thất đều biểu hiện chủ yếu bằng triệu chứng ho.
Cần làm gì khi bị ho?
Ho là cơ chế bảo vệ tốt của bộ máy hô hấp, đôi khi rất hữu ích nên phải tôn trọng. Trong trường hợp ho cấp dưới 3 ngày mà không có sốt, không kèm theo đau ngực, không khó thở, không khạc đờm máu, mủ thì không cần dùng thuốc.
Ho có thể chỉ là một triệu chứng gây khó chịu, nhưng cũng có thể biểu hiện một bệnh lý nghiêm trọng, đặc biệt với trẻ em và người cao tuổi. Phải dè chừng khi ho có kèm theo sốt, khó thở, tím tái, ho kéo dài, suy kiệt..., bệnh nhân cần được khám xét cẩn thận. Người bệnh ho trên 5 ngày, bất luận là tình trạng ho thế nào thì cần phải đi khám ngay.
Nếu ho kéo dài hơn 3 tuần, điều trị bằng thuốc không giảm, có kèm theo sốt, ho có đờm xanh, nâu gỉ, vàng, ho ra máu, thở nông hoặc đau ngực khi ho có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý nguy hiểm... Đối với các bệnh nhân có tiền sử hen, lao phổi, huyết áp tăng, đau dạ dày, sụt cân nhiều, nên đến bác sĩ tìm nguyên nhân để điều trị tận gốc như: hen, viêm phế quản mạn, suy tim sung huyết, viêm phổi, lao phổi, viêm họng, viêm amidan, ung thư phổi...
Lời khuyên của thầy thuốc
Điều quan trọng nhất là phải phòng bệnh, nhất là vào ngày lạnh. Người bệnh cần năng luyện tập thể dục thể thao phù hợp, ăn uống hợp lý, vệ sinh răng miệng, rèn luyện tính thích nghi với thời tiết, khí hậu, tạo môi trường sống trong sạch - đó mới có hiệu quả thiết thực, lâu dài cho sức khỏe.
Bệnh nhân ho nên uống nhiều nước mỗi ngày, tránh ở môi trường khô và lạnh (nhất là điều hòa); tránh các yếu tố gây kích thích như khói thuốc, khói than, bụi, mùi khí lạ, phấn hoa, lông súc vật...; không ăn uống đồ quá nóng gây kích thích vòm họng, giữ ấm cổ, ngực. Nên xông hơi nóng cho đường mũi họng bằng tinh dầu bạc hà, khuynh diệp. Việc hít ngửi hơi nóng sẽ giúp làm loãng chất nhầy, chất đờm đặc giúp khạc ra đờm dễ dàng hơn. Nên nghỉ ngơi nhiều, ăn hoa quả, uống nước cam, chanh, ăn tỏi, hành, hẹ để hỗ trợ thêm hệ miễn dịch.
Người bị ho cấp, ho từng cơn và ho khan thể nhẹ có thể áp dụng các liệu pháp dân gian như: có thể sử dụng chanh và mật ong trộn lẫn hoặc pha chanh với mật ong vào nước ấm để uống giúp trị ho, viêm họng. Cách khác là có thể dùng quất và mật ong hấp lên để ngậm giúp trị ho mà không cần dùng thuốc.