Hiện tượng mới trên bầu trời còn kỳ lạ hơn cực quang
Luồng khí nóng khi di chuyển nhanh sẽ phát ra ánh sáng tuyệt đẹp tạo ra hiện tượng cực lạ trên bầu trời đêm.
Trong suốt 3 năm qua, một nhóm nhiếp ảnh gia mang tên Alberta Aurora Chasers đã miệt mài ghi lại những hình ảnh về hiện tượng cực mới trên bầu trời phương bắc. Vệt sáng dài, đôi khi hơi xoắn, màu xanh tía hoặc xanh lục đặc biệt lần đầu tiên được phát hiện.
Ban đầu, nhóm nhiếp ảnh tưởng rằng đây là vệt khói từ một chiếc máy bay nào đó. Tuy nhiên, khi họ chụp lại bức ảnh dưới tốc độ chậm, dùng phần mềm chỉnh sửa độ bão hòa màu của ảnh thì phát hiện ra rằng dải sáng này hoàn toàn tự nhiên, không phải dải khí ngưng tụ từ máy bay thông thường.
Hiện tượng kỳ lạ trên bầu trời.
Các thành viên của nhóm đã nghĩ rằng đó là hiện tượng cực quang giống như ở Bắc Cực. Tuy nhiên, giáo sư thiên văn học Eric Donovan nhìn ra thực chất đây là một hiện tượng chưa từng được biết đến.
Nhóm nhiếp ảnh đặt tên hiện tượng này là “Steve”, dựa theo một cảnh trong bộ phim hoạt hình “Over the Hedge”.
Cho đến nay, các nhà khoa học đã xác định, Steve thực chất là một dải khí nóng, rộng khoảng 25 – 30km, di chuyển nhanh theo hướng từ đông sang tây nên tạo thành vệt sáng dài hàng trăm, hàng nghìn km. Nhiệt độ bên trong một dải Steve vào khoảng 3000 độ C. Một Steve có thể kéo dài khoảng 1 tiếng đồng hồ, thường xuất hiện vào khoảng tháng 10 đến tháng 2 năm sau.
Ban đầu, nhóm nhiếp ảnh gia tưởng nhầm đây là hiện tượng cực quang.
Thực tế, đây là hiện tượng thời tiết chưa từng được biết đến.
Hiện tượng Steve xảy ra do dải khí nóng di chuyển nhanh tạo thành vệt sáng.
Thời điểm xuất hiện hiện tượng Steve vào cuối năm ở phương bắc.
(Nguồn: Amusingplanet)