Hi vọng le lói trong 'cơn ác mộng' COVID-19 ở Ấn Độ

MINH HẠNH,
Chia sẻ

Một nữ bệnh nhân hụt hơi lê bước vào ngôi đền Sikh ở Ghaziabad. Bà nghiêng ngả chuẩn bị khuỵu xuống. Hình ảnh này khiến nhiều người liên tưởng đến sự sụp đổ cơ sở hạ tầng y tế của Ấn Độ trong đợt dịch thứ hai.

“Tôi sắp chết”, người này hét lên. Con trai bà kêu cứu: “Có ai không?”

Nữ bệnh nhân đã bị chuyển từ bệnh viện này sang bệnh viện khác trong suốt nhiều ngày. Nhưng vào thời điểm dường như tất cả các cánh cửa đã đóng sầm lại trước mắt, thì gia đình người phụ nữ này lại tìm thấy một tia hi vọng.

Nữ bệnh nhân tìm đến đền Sikh ở Ghaziabad, gần New Delhi. Một tình nguyện viên lập tức tiến tới trao cho người phụ nữ lớn tuổi một chiếc mặt nạ dưỡng khí. Cuối cùng, bà đã có thể thở một cách dễ dàng.

Trong hơn một tuần qua, cơ sở cung cấp dưỡng khí 24/7 do tổ chức phi lợi nhuận Khalsa Help International vận hành tại đền Sikh đã trở thành nơi cứu cánh cho hàng nghìn người.

Hi vọng le lói trong 'cơn ác mộng' COVID-19 ở Ấn Độ - Ảnh 1.

Bệnh nhân nằm la liệt trong đền Sikh. Ảnh: Straitstimes

Hi vọng le lói trong 'cơn ác mộng' COVID-19 ở Ấn Độ - Ảnh 2.

Ảnh: Straitstimes

Khi hệ thống y tế vẫn quá tải, các gia đình đã đổ xô đến đây với những bệnh nhân nguy kịch để họ có thể tiếp tục thở máy trong vài giờ, trong lúc người thân tiếp tục lao đi tìm oxy và giường bệnh.

Những tiếng ho sặc sụa và những tiếng than khóc ai oán ám ảnh không khí nơi đây, nhưng kỳ lạ thay, hy vọng vẫn tồn tại.

"Tôi cảm thấy nhẹ nhõm phần nào sau khi đến đây", Anshul, 28 tuổi, nói khi cô dùng một tờ báo để quạt cho người cha mắc COVID-19.

Hai bố con Anshul đã ở đền Sikh hơn bảy giờ đồng hồ, và tình trạng người cha 61 tuổi đã ổn định hơn sau khi ông trải qua ba đợt thở oxy.

Gần đó, một tình nguyện viên vừa đi dọc theo hàng dài bệnh nhân đang nằm thoi thóp, vừa theo dõi sát sao những chiếc đồng hồ đo oxy. Một tình nguyện viên khác phát nước cho các gia đình đang chờ đợi dưới cái nóng 40 độ của mùa hè miền Bắc Ấn Độ.

Trong lều, người thân các bệnh nhân không ngừng gọi điện để hỏi mua bình oxy từ những nơi xa xôi như Punjab, Rajasthan và Uttarakhand.

Hi vọng le lói trong 'cơn ác mộng' COVID-19 ở Ấn Độ - Ảnh 3.

Tình nguyện viên nấu đồ ăn phát cho người bệnh ở đền Sikh. Ảnh: Bloomberg

Hi vọng le lói trong 'cơn ác mộng' COVID-19 ở Ấn Độ - Ảnh 4.

Các tình nguyện viên trẻ tuổi hỗ trợ người bệnh ở đền Sikh. Ảnh: Straitstimes

Trên khắp Ấn Độ, khi phải vật lộn đấu tranh để giữ cho những người thân yêu sống sót, nhiều người đã tìm thấy niềm an ủi từ lòng tốt của những người xa lạ.

Một người lái xe kéo ở Bhopal đã bán đồ trang sức của vợ để lấy tiền cải tiến chiếc xe của anh thành xe cứu thương tạm thời.

Một người khác ở Mumbai đã bán chiếc SUV của mình với giá 2,2 triệu rupee để mua bình oxy cho mọi người.

Ở Varanasi, một công nhân 23 tuổi đã gắn xe đạp vào xe kéo bằng gỗ để chở người bệnh đến bệnh viện.

Ankit Gupta, 28 tuổi, cùng một số người bạn của mình, đã phân phát khoảng 3.000 gói thực phẩm và 200 suất đồ khô mỗi ngày ở New Delhi trong hai tuần qua. Họ mua số thực phẩm này từ nguồn quỹ xã hội hóa.

Một bà mẹ nuôi con nhỏ ở Bangalore đã tặng sữa mẹ cho một em bé sinh non, sau khi mẹ em bé này qua đời vì COVID-19 vào tuần trước.

Một nữ đầu bếp có tên Plaksha Aggarwal ở Noida đã nấu và giao những suất cơm nóng hổi cho bệnh nhân COVID-19 tự cách ly tại nhà.

Cuộc khủng hoảng y tế của Ấn Độ đã khiến những bất bình đẳng về giới và đẳng cấp gần như bị san bằng. Một số người cho rằng những anh hùng công dân phải xuất hiện vì chính phủ chưa xử lý hiệu quả đại dịch COVID-19. Những câu chuyện đầy hy vọng xuất hiện khắp nơi, xua tan bầu không khí tuyệt vọng đang bao trùm khắp Ấn Độ.

Khi những sinh viên không rõ danh tính ở Rajkot đưa cho bà Faizada Raheem 8 viên Decmax – một loại thuốc đang khan hiếm, bà đã bị sốc khi thấy trên hóa đơn thuốc chỉ ghi 40 rupee.

Bà Raheem có chồng đang điều trị COVID-19 tại nhà. Bà cho biết: "Ba người đã mất ba ngày để tìm loại thuốc này ở Bangalore và gửi nhanh cho tôi ở Rajkot. Tôi tưởng rằng giá sẽ tăng cao, nhưng họ thậm chí còn không thu tiền từ tôi.”

Ở nhiều thị trấn, một nhóm tình nguyện viên ẩn danh đã sử dụng điện thoại của họ để xác minh, cập nhật danh sách các nhà cung cấp thuốc và oxy. Hàng trăm sinh viên đã gọi đến đường dây nóng của chính phủ thay mặt cho các gia đình đang mắc bệnh.

Những người như Srinivas B.V. đã trở thành cái tên quen thuộc đối với nhiều người.

Khi nam thanh niên Yoganandam ở Gurgaon - người vừa mất cha vì COVID-19 - đăng đàn Twitter thông báo về tình hình người mẹ đang vật lộn trong bệnh viện vì thiếu oxy, một số người đã “tag” Srinivas, lúc 22h53’ ngày 30/4.

Đến 1h49’ sáng, Srinivas trả lời dưới dòng Tweet của Yoganandam bằng hình ảnh hai tình nguyện viên bên ngoài bệnh viện nơi mẹ nam thanh niên đang điều trị. Họ cầm theo một bình oxy cỡ lớn. “Để hơi thở không ngừng lại”, Srinivas viết bằng tiếng Hindi.

Không chỉ hỗ trợ sự sống, nhiều người Ấn Độ thậm chí đã tình nguyện hỗ trợ xử lý thi thể bệnh nhân COVID-19, trong bối cảnh các lò hỏa táng quá tải.

Tại Bangalore, một nhóm có tên Mercy Angels đã giúp chôn cất hoặc hỏa táng hơn 1.000 thi thể. Khoảng 10 tình nguyện viên đã lái xe quanh thành phố với ba chiếc xe cứu thương, nhận thi thể từ nhà riêng hoặc bệnh viện rồi đưa đến nghĩa trang/lò hỏa táng.

Tanveer Ahmed, một tình nguyện viên, cho biết: “Khi một người qua đời vì COVID-19, có thể gia đình họ cũng đang bị bệnh hoặc phải cách ly. Một số gia đình sợ chạm vào thi thể người bệnh.”

Điện thoại của Ahmed không ngừng đổ chuông với các cuộc gọi từ những gia đình có người vừa qua đời.

Trong bối cảnh các thi thể xếp hàng dài chở xử lý, khó có thể thực hiện đầy đủ các nghi lễ cuối cùng một cách trang nghiêm. Nhưng các tình nguyện viên đã làm hết sức mình để giúp đỡ.

Khi một cô con gái khóc ngất trên thi thể người cha đã khuất của mình vào ngày 29/4, Ahmed nhẹ nhàng bế cô bé ra và đưa cho cô bé găng tay, khẩu trang.

Hi vọng le lói trong 'cơn ác mộng' COVID-19 ở Ấn Độ - Ảnh 5.

Tình nguyện viên Ahmed trò chuyện với các con trước khi lên đường đi làm tiếp. Ảnh: Reuters

Những người tình nguyện làm việc này có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của họ và của gia đình. Sau khi chôn cất bệnh nhân thứ bảy trong ngày, ông Ahmed đã dừng xe cấp cứu khoảng một phút trước cửa nhà, để vẫy tay chào các con của mình từ xa.

Khi con gái chạy về phía Ahmed, ông kêu lớn: "Đừng chạm vào bố!"

Ahmed trò chuyện với con gái từ khoảng cách an toàn. Biểu cảm trên gương mặt ông bị che khuất bởi chiếc khẩu trang N95, nhưng đôi mắt ông lấp lánh nụ cười.

Theo Straitstimes

Chia sẻ