Hết hét giá, tiểu thương bán đào, quất 'khóc lóc' giảm giá những ngày cận Tết
Từ 23 tháng Chạp, người dân Thủ đô bắt đầu đi mua đào, quất để trang trí nhà cửa, sau mấy ngày hét giá, các loại cây cảnh tràng hoàng dịp Tết đang giảm giá nhanh chóng.
Giống như mọi năm, giá đào quất cảnh càng về gần Tết càng rẻ, người trồng thì than thở vì lỗ vốn, người mua thì mong muốn càng rẻ càng tốt.
Giá đào, quất cảnh trước 23 tháng Chạp đắt bất ngờ
Theo khảo sát của PV VTC News, thời điểm trước ngày ông Công, ông Táo (23 tháng Chạp), giá bán của các loại quất, đào tại Hà Nội được các tiểu thương hét cao một cách khó tin.
Thời điểm trước ngày ông Công, ông Táo (23 tháng Chạp), giá bán của các loại quất, đào tại Hà Nội được các tiểu thương hét giá cao một cách khó tin. (Ảnh: Việt Vũ)
Cụ thể, ở các chợ đầu mối như chợ hoa Quảng Bá, chợ hoa Hà Đông, Tứ Liên, Nhật Tân (Hà Nội), giá quất cảnh (cỡ nhỏ, không thế) trung bình khoảng 400.000 - 500.000 đồng/cây, cỡ nhỡ là 500.000 - 800.000 đồng/cây, cỡ to trên 1 triệu đồng.
Giá quất thế (cỡ bé, kèm chậu) dao động khoảng 700.000 - 900.000 đồng/cây; quất thế cỡ nhỡ (kèm chậu) có từ 800.000 - 1 triệu đồng/cây,...
Trong khi đó, nếu mua quất cảnh ở những chợ cóc, chợ tạm, giá bán của chúng còn có thể đắt hơn từ 50.000 - 100.000 đồng/cây.
Theo chủ vườn Hùng Bá, tại làng trồng quất trứ danh Tứ Liên (Tây Hồ), giá quất cảnh Tết Mậu Tuất 2018 đắt hơn năm ngoái khoảng 1/4 do thời tiết rét, chi phí chăm sóc cao.
"Năm nay trời rét mướt, chi phí chăm sóc, phân bón cũng cao hơn, thành ra giá quất cũng đắt hơn 1 chút", chủ vườn này nói.
Cách đó không xa là làng trồng đào Nhật Tân, khoảng 1 tuần trước, giá đào cũng đắt bất ngờ. Cụ thể, những cành đào cỡ nhỏ có giá từ 100.000 - 200.000 đồng/tùy loại; cành đào cỡ to từ 150.000 - 220.000 đồng.
Đối với cây đào, giá mỗi gốc đào cỡ nhỏ từ 400.000 - 600.000 đồng/gốc; gốc to thì trên 1 triệu đồng. Năm nay, vườn đào Nhật Tân không có những gốc đào có giá trên 100 triệu đồng.
Đối với mặt hàng đào rừng được bày bán trên các tuyến phố Âu Cơ, Lạc Long Quân (Tây Hồ), Láng (Đống Đa), Hồ Tùng Mậu (Cầu Giấy)..., các tiểu thương bán chắc giá, không có cành nào dưới 1 triệu đồng, thậm chí có cành đào cả chục triệu đồng.
Giảm nhanh chóng dịp cận Tết
Cũng giống như mọi năm, giá đào, quất cảnh có xu hướng giảm nhanh chóng những ngày gần Tết Nguyên đán, đặc biệt tới ngày 29, 30 Tết, các tiểu thương chắc chắn ồ ạt hạ giá, bù lỗ để thanh lý hàng tồn.
Cũng theo khảo sát của VTC News, vào ngày 12/2 (tức 27 Tết), giá đào, quất cảnh đã hạ nhiệt khoảng 1/3.
Cụ thể, giá quất cảnh (cỡ nhỏ, không thế) mua tại vườn trung bình khoảng 200.000 - 300.000 đồng/cây, cỡ nhỡ là 400.000 - 500.000 đồng/cây, cỡ to trên 700.000 đồng/cây; giá quất thế (cỡ bé, kèm chậu) trong khoảng 400.000 - 600.000 đồng/cây; quất thế cỡ nhỡ (kèm chậu) có giá từ 500.000 - 1 triệu đồng/cây,...
Trong khi đó, giá đào mua tại vườn cũng giảm một nửa. Cụ thể, một cành đào cỡ nhỏ chỉ còn khoảng 50.000 đồng, bằng 1 nửa so với 1 tuần trước, cành to có giá khoảng 70.000 - 100.000 đồng.
Một vài gốc đào cổ được chiết cành, năm ngoái có giá 3 triệu đồng, năm nay giá bán 2,5 triệu đồng song cũng chưa nhiều khách mua.
Ông Nghiệp, một người trồng đào ở Nhật Tân chia sẻ: "Tết năm nay muộn hơn so với năm ngoài gần 1 tháng, thời tiết những ngày cận Tết ấm lên kèm với đó là có nắng. Chính vì vậy, nhiều cành đào, gốc đào nở bung trước Tết. Không giống như quất, đào mà nở hết hoa thì chỉ còn cách vứt đi, không giữ lại được".
Một số tiểu thương bán đào, quất tại Hà Nội dự báo, giá của 2 loại cây đặc trưng ngày Tết vẫn sẽ tiếp tục giảm mạnh trong những ngày tới.
"Từ xưa tới nay, nhiều người thường có tâm lý cận Tết mới mua đào, quất để có giá ưu đãi hơn như vậy người nông dân rất khổ.
Làm nông vất vả, một năm chỉ chờ vào mỗi 1 dịp Tết để bán, nhưng bị ép giá thế này, nhiều người đành bỏ nghề vì không sống được. Nếu đến chiều 30 Tết mà không bán được, chắc chỉ có đem về làm củi", anh Hoàng, một người bán đào tại đường Láng xót xa nói.