"Heo vàng" chạy đua vào lớp 1: Phụ huynh như "ngồi trên đống lửa"

Lê Bảo,
Chia sẻ

Chỉ còn nửa tháng nữa là các trường tiểu học bắt đầu nhận hồ sơ, trong khi đó Hà Nội tăng 11.000 học sinh so với năm ngoái khiến các bậc phụ huynh như phát sốt.

Đôn đáo từ trước Tết

Lứa “Heo vàng” sinh năm 2007 đã chuẩn bị bước vào lớp 1. Theo thống kê của Sở GD – ĐT Hà Nội, năm học 2013 – 2014, trên địa bàn thành phố, số học sinh vào lớp 1 khoảng hơn 125.000, tăng 11.000 học sinh so với năm ngoái.

Chuyện chạy trường cho con vào lớp 1 đã tồn tại nhiều năm nay và năm nào cũng “sốt sình sịch”. Năm ngoái, cảnh tượng phụ huynh xếp hàng thâu đêm, đạp đổ cổng trường, chen lấn để mua hồ sơ đã khiến dư luận vô cùng ngán ngẩm và năm nay với áp lực con số cũng hứa hẹn có nhiều diễn biến và kịch tính mới?!


Chuyện chạy trường cho con vào lớp 1 đã tồn tại nhiều năm nay và năm nào cũng “sốt sình sịch” - (Ảnh minh họa)

Mặc dù đến đầu tháng 7 các trường tiểu học mới chính thức bán - nhận hồ sơ tuyển sinh. Nhưng các bậc làm cha mẹ thì đã “ngồi trên đống lửa” trước đó cả nửa năm trời. Thực tế cho thấy, sau Tết Nguyên Đán 2013 rất nhiều phụ huynh đã nghe ngóng trường lớp cũng như rà soát lại các mối quan hệ để chuẩn bị "dấm dúi" lo cho con được vào trường như ý.

Trao đổi với chúng tôi, chị P. Hà (Tôn Đức Thắng, Đống Đa) cho hay: “Sau Tết, hai vợ chồng bắt đầu nghe ngóng tình hình trường lớp. Nói thật, nếu cho con học đúng tuyến thì cực kỳ bất tiện bởi chồng thì thường xuyên phải đi công tác, cơ quan của tôi lại làm trên Bà Triệu nên hai vợ chồng phải tính toán làm sao cho vừa tiện đưa đón, trường phải có tiếng tăm…"


Chuyện chạy trường năm nay sẽ hứa hẹn nhiều kịch tính và diễn biến mới?! (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, chị P.Hà cũng thừa nhận dù có đúng tuyến thì gia đình cũng không có mối quan hệ nên kiểu gì cũng mất tiền. Thế nên vợ chồng chị Hà quết tâm lo bằng được trường theo ý muốn dù phải bỏ ra một số tiền không nhỏ.

Muốn lo cho con vào trường điểm, vấn đề của chị L.Quyên (Hồ Tùng Mậu, Cầu Giấy) không phải là đúng tuyến hay trái tuyến mà điều hai vợ chồng chị quan tâm nhất là phải lo bằng được cho con vào trường điểm. Theo chị L.Quyên thì: “Năm nay lượng học sinh tăng đột biến, chuyện lo cho con vào học đã khó thì chuyện lo vào trường điểm lại càng khó hơn. Thế nên hai vợ chồng đã cất công nhờ vả mọi mối quan hệ từ bạn bè, đồng nghiệp… để có một suất cho con vào học”.

Cũng theo tiết lộ của chị L.Quyên, phải mất gần 3 tháng hai vợ chồng mới tiếp cận và đặt vấn đề với người có khả năng giúp đỡ. Tuy nhiên chị cũng cho biết: “Hiện tại họ chỉ hứa thôi chứ chưa chắc chắn được”.

Với trường hợp của chị M. Huyền (Đông Tác, Đống Đa) thì hai vợ chồng lại cho cháu Kin học đúng tuyến. Theo lời chị Huyền thì do hai vợ chồng đã lo từ hồi trước Tết, hơn nữa con chị đúng tuyến nên không mất tiền. Nhưng chị cũng thừa nhận: “Tuy không mất tiền nhưng mình cũng phải quà cáp, đặc biệt là việc mình chọn lớp, chọn cô cho con thì phải chi một khoản kha khá”.

Có tiền cũng khó “chạy”

Năm nay, với việc tăng đột biến học sinh ở tuổi “heo vàng” nên rất có thể xảy ra tình trạng không đủ trường đủ lớp. Chính vì thế nỗi lo âu đổ lên đầu các bậc cha mẹ cũng là điều dễ hiểu. Nhiều người vẫn truyền tai nhau về trường này trường kia mất vài ba ngàn đô. Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi từ các bậc phụ huynh thì điều này không dễ, thậm chí có tiền cũng khó mà “chạy” được!


Để những đứa trẻ vào được trường như ý muốn, các bậc cha mẹ phải vất vả cả năm trời. (Ảnh minh họa)

Như trường hợp của chị Mai (Lý Nam Đế, quận Hoàn Kiếm) mặc dù trước Tết chị đã nhờ các mối quan hệ để gia đình tiếp cận được hiệu trưởng một trường điểm thuộc quận Ba Đình nhưng đến tháng 4 vừa rồi chị vẫn chưa xoay xở được. 

“Gia đình chỉ mong cháu học ở trường tốt bởi ở những nơi đó sẽ giúp cháu phát triển tốt nhất. Tuy nhiên, cuối tháng 4, tôi đã tiếp cận giáo viên trường nhưng các giáo viên đều trả lời đến tháng 7 mới bán hồ sơ”, chị Mai than thở.

Lý giải về việc khó tiếp cận này, chị Mai nói: “Hai người bạn tôi đã lo được cho con với giá hơn 3 ngàn USD (khoảng hơn 60 triệu), với tôi tiền không quan trọng nhưng nói thật gia đình không biết làm cách nào để tiếp cận được”.


Thậm chí có tiền cũng không "chạy" được. (Ảnh minh họa)

Theo thông tin chúng tôi thu thập được, do sức nóng của năm “heo vàng” nên số tiền cho một suất vào học các trường cũng tăng lên. Điều này không khó lý giải khi chỉ tiêu tuyển sinh của trường có hạn trong khi đó lượng học sinh tăng đột biến, phụ huynh thì đôn đáo chạy ngược chạy xuôi nên chuyện dù có tiền cũng không “chạy” được hoặc chuyện tăng giá là điều dễ hiểu.

Quay lại trường hợp của chị P.Hà, chị kể thêm: “Chị họ năm ngoái đã lo cho con vào trường điểm với giá hơn 40 triệu, năm nay nghe phong thanh là giá cũng tăng thêm, dự tính khoảng 50 triệu đồng. Tuy nhiên, để con vào được trường thì cũng phải có mối quan hệ”.

Tuy nhiên, nhiều phụ huynh khá thận trọng, tỏ ý lo ngại và muốn tìm hiểu thật kỹ vấn đề chạy trường bởi việc đồn thổi này nọ, có thể xuất phát từ động cơ cá nhân của ai đó.

Để chấn chỉnh hiện tượng chạy trường, năm nay, lãnh đạo các phòng GD-ĐT đã có những thông điệp hết sức rõ ràng đối với các trường tiểu học ở địa bàn. Theo đó, sẽ không chủ quan ấn định chỉ tiêu trái tuyến trước mà thực hiện theo nguyên tắc tuyển đủ học sinh đúng tuyến và nếu trường còn có khả năng tiếp nhận mới tính đến việc tiếp nhận trái tuyến.

Việc tiếp nhận trái tuyến sẽ được xem xét kỹ lưỡng, thậm chí có trường tiểu học công bố chỉ tạo điều kiện cho con giáo viên của trường vào học, không xét đến cháu, người quen của giáo viên.

Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, Sở sẽ có văn bản hướng dẫn tuyển sinh đầu cấp, trong đó lưu ý về việc gia tăng học sinh vào lớp 1. Trên thực tế, bên cạnh những trường có nguy cơ quá tải, vẫn có nhiều trường tiểu học chưa sử dụng hết công suất.  Do vậy, phân bổ chỉ tiêu hợp lý cũng là cách để giảm áp lực cho các trường. Đối với những trường ở nội thành chịu áp lực do có các khu dân cư mới mọc lên trên địa bàn, một số phường chưa có trường tiểu học, hướng giải quyết sẽ là điều chỉnh phân tuyến, chia số học sinh trên địa bàn cho các trường lân cận. Bên cạnh đó, các trường có thể dồn các lớp trên trong phạm vi sĩ số cho phép để dành diện tích phòng học cho trẻ vào lớp 1.

Chia sẻ