Hé lộ thêm sản phẩm khác của Asia Life – công ty sản xuất kẹo rau củ giả KERA: Nhiều phụ huynh bàng hoàng

Thanh Vân,
Chia sẻ

Công ty cổ phần Asia Life là đơn vị sản xuất kẹo rau củ giả thương hiệu KERA, ngoài ra còn sản xuất nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng khác.

Công ty cổ phần Asia Life cùng với Công ty cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt là 2 công ty liên quan tới vụ án Sản xuất hàng giả là thực phẩm (kẹo rau củ KERA) khiến dư luận xôn xao thời gian gần đây. Cùng vụ việc, Hằng Du Mục và Quang Linh Vlogs cùng một số người liên quan bị khởi tố, bắt tạm giam, trong đó có Nguyễn Phong - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Asia Life.

Hé lộ thêm sản phẩm khác của Asia Life – công ty sản xuất kẹo rau củ giả KERA: Nhiều phụ huynh bàng hoàng - Ảnh 1.

Hằng Du Mục, Quang Linh Vlogs cùng đại diện Công ty cổ phần Chị Em Rọt tại buổi gặp gỡ truyền thông hôm 14/3

Không chỉ có KERA

Theo điều tra của báo Dân trí, Công ty Cổ phần Asia Life không chỉ là đơn vị gia công sản phẩm kẹo rau củ KERA cho Công ty cổ phần Dược phẩm Hoàng Gia, mà còn sản xuất nhiều mặt hàng thực phẩm chức năng khác, bao gồm thực phẩm chức năng dạng viên nang cứng, bột, kẹo dẻo, dung dịch/gel/siro ứng dụng vào các sản phẩm như detox - giảm cân; miễn dịch, dinh dưỡng; dành cho bé; sinh lý; tiêu hóa; thực phẩm sấy… Thời gian hoàn thành gia công một sản phẩm dao động 15-25 ngày, tùy vào độ phức tạp và sản lượng.

Các sản phẩm kể trên có hình thức tương tự kẹo KERA – cùng dạng viên nhai tiện lợi, bao bì bắt mắt, và được quảng bá như thực phẩm bổ sung dinh dưỡng "tự nhiên", "lành mạnh", "dành cho bé"...; dưới các dạng "kẹo dẻo", "siro"... Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, chưa ghi nhận có cơ sở kiểm nghiệm độc lập nào xác nhận thành phần thực tế, hàm lượng dinh dưỡng hay mức độ an toàn cho trẻ của những sản phẩm này.

Hé lộ thêm sản phẩm khác của Asia Life – công ty sản xuất kẹo rau củ giả KERA: Nhiều phụ huynh bàng hoàng - Ảnh 2.

Kẹo rau cải Kale - sản phẩm tương tự kẹo rau củ KERA do Asia Life sản xuất

Asia Life được thành lập năm 2022, trụ sở tại xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Ngành nghề hoạt động chính là sản xuất thực phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Thời điểm mới thành lập, ông Nguyễn Phong, sinh năm 1986, giữ chức vụ Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật. Đến tháng 7/2024, chức vụ trên được chuyển sang cho bà Nguyễn Phạm Hồng Vy, sinh năm 1987.

Hiện, Asia Life có vốn điều lệ 9 tỷ đồng, trong đó, ông Phong góp 2,7 tỷ đồng, tương đương 30% vốn điều lệ; bà Bùi Thị Thu Hà góp 1,8 tỷ đồng, tương đương 20% vốn điều lệ; bà Vy góp 50% vốn còn lại, tương đương 4,5 tỷ đồng.

Hé lộ thêm sản phẩm khác của Asia Life – công ty sản xuất kẹo rau củ giả KERA: Nhiều phụ huynh bàng hoàng - Ảnh 3.

Trụ sở Công ty cổ phần Asia Life

Asia Life tự giới thiệu sở hữu trang trại nguyên liệu được chứng nhận hữu cơ rộng 300ha, đáp ứng các tiêu chuẩn của Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản. Và 5.000ha trang trại đạt chứng nhận Global GAP tại Tây Nguyên. Tuy nhiên, theo kết quả kiểm tra của Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, Công ty cổ phần Asia Life chỉ sản xuất kẹo theo công thức được đối tác cung cấp, chứ không trực tiếp trồng rau như quảng cáo.

Đây thực chất là mô hình OEM – nhận đơn đặt hàng sản xuất từ các thương hiệu khác, tự tổ chức sản xuất và cung ứng sản phẩm mang nhãn hiệu bên đặt hàng.

Hình thức OEM vốn không sai, nhưng trong bối cảnh kẹo KERA bị tố "gắn mác rau củ nhưng thực chất là kẹo đường", dư luận bắt đầu đặt câu hỏi về trách nhiệm thực sự của đơn vị sản xuất. Liệu Asia Life có nắm rõ bản chất sản phẩm mình sản xuất? Có tham gia vào quá trình lên công thức, thiết kế bao bì, định hướng công dụng? Hay chỉ đơn thuần "làm thuê" rồi buông tay sau khi giao hàng?

Phụ huynh lo lắng: "Biết tin ai, chọn cái gì cho con?"

Với các sản phẩm dành cho trẻ em, việc thiếu kiểm soát chất lượng, minh bạch thông tin càng nguy hiểm hơn rất nhiều. Một viên kẹo không đúng công bố có thể không gây ngộ độc cấp, nhưng lại tạo niềm tin sai lệch, ảnh hưởng lâu dài đến cách cha mẹ nuôi dưỡng con cái.

Ngay sau khi thông tin về các sản phẩm khác do Asia Life sản xuất được hé lộ, mạng xã hội tràn ngập sự bàng hoàng từ phía các bậc cha mẹ – những người vốn rất cẩn trọng trong từng lựa chọn liên quan đến con mình.

Chị Ngọc Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ sau khi biết thông tin về Asia Life qua báo chí: "Tôi thấy khá lo ngại. Biết tin ai, chọn cái gì cho con? Trước đây mình chọn mua vì thấy người nổi tiếng quảng cáo, tưởng yên tâm. Giờ thì hoang mang thật sự. Từ giờ sẽ phải cẩn trọng, cẩn thận hơn trước mỗi quyết định mua hàng, đặc biệt là đồ cho trẻ nhỏ".

Hé lộ thêm sản phẩm khác của Asia Life – công ty sản xuất kẹo rau củ giả KERA: Nhiều phụ huynh bàng hoàng - Ảnh 4.

Cùng tâm trạng, chị Phương Nga (Hai Bà Trưng, Hà Nội) nói: "Theo tôi có thể đánh giá một công ty qua sản phẩm của họ. Công ty này đã làm kẹo rau củ giả thì các sản phẩm khác cũng đáng xem xét. Tuy nhiên, tôi nghĩ vẫn cần chờ kết luận của cơ quan điều tra. Còn tất nhiên, nếu là một người mẹ, tôi sẽ không bao giờ mua hàng của công ty từng sản xuất hàng giả. 

Trước giờ, với các sản phẩm thuốc hay dinh dưỡng, tôi gần như không bao giờ mua hàng online. Tôi cũng thường khuyên các bậc cha mẹ là nên đến các hiệu thuốc hoặc bệnh viện để mua các sản phẩm dinh dưỡng. Nhưng nói thật, nên hạn chế cho các con dùng sản phẩm chức năng mà hãy nghĩ cách bổ sung thực phẩm tự nhiên cho con".

Sự lo lắng của các phụ huynh không chỉ là cảm xúc nhất thời. Nó phản ánh rõ niềm tin đã sứt mẻ của người tiêu dùng – đặc biệt là nhóm phụ huynh vốn đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu. Việc một doanh nghiệp không tên tuổi có thể dễ dàng tung ra thị trường hàng loạt sản phẩm nhắm vào trẻ em, chỉ bằng vài chiêu tiếp thị và gắn mác "rau củ", "thiên nhiên", "bổ sung chất xơ" khiến nhiều người không khỏi lo ngại.

Cần một cuộc thanh lọc

Bên cạnh Asia Life, vụ việc KERA còn gợi mở cái nhìn về một hình thức lợi dụng OEM của nhiều cá nhân, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất "mập mờ" trong việc sản xuất ra hàng loạt sản phẩm thực phẩm chức năng theo dạng "ăn liền", đánh vào tâm lý muốn bổ sung dinh dưỡng nhanh – tiện – rẻ của người tiêu dùng, trong đó có cả những phụ huynh.

Chưa kể, các chiến dịch truyền thông được thực hiện bài bản với sự góp mặt của nhiều người nổi tiếng như Hằng Du Mục, Quang Linh Vlogs hay Hoa hậu Thùy Tiên đã góp phần không nhỏ trong việc đánh bóng các thương hiệu kiểu này, ví dụ điển hình là kẹo rau KERA. Kết quả là rất nhiều khách hàng mua phải hàng giả, rất nhiều phụ huynh mua phải hàng kém chất lượng cho con. 

Hé lộ thêm sản phẩm khác của Asia Life – công ty sản xuất kẹo rau củ giả KERA: Nhiều phụ huynh bàng hoàng - Ảnh 5.

Câu chuyện kẹo KERA và Asia Life không đơn thuần là vụ việc cá biệt. Đây có thể chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Hàng chục, hàng trăm sản phẩm chức năng khác đang được sản xuất theo mô hình tương tự, chờ thời điểm "bắt trend", "nổ công dụng", sau đó tung ra thị trường qua MXH và các sàn thương mại điện tử.

Asia Life – từ một doanh nghiệp gia công "vô danh" – giờ trở thành tâm điểm nghi ngờ khi hàng loạt sản phẩm do công ty này sản xuất bị đặt dấu hỏi về độ an toàn và trung thực. Câu hỏi lớn lúc này không còn là "KERA có phải hàng giả không?", mà là "có bao nhiêu KERA khác đang âm thầm tồn tại trên thị trường?".

Chia sẻ