Hé lộ bí mật thú vị về nơi thờ tự người phụ nữ có công "khai sinh" đất cảng Hải Phòng

Minh Dương,
Chia sẻ

Nữ tướng Lê Chân được coi là người phụ nữ có công khai hoang, lập ấp, tạo nên vùng đất cảng trù phú khi xưa và cũng là Hải Phòng ngày nay.

Trải qua bao thế kỷ, những truyền thuyết huyền bí đã tạo nên linh hồn cho mỗi miền đất mà chúng ta đặt chân đến. Hải Phòng, vùng đất thiêng với những bến cảng tấp nập, những con phố đầy ắp tiếng cười và sức sống, nhưng đằng sau lớp vỏ bề ngoài ấy là những câu chuyện ít người biết đến, những bí ẩn chưa được khám phá. 

Ngôi đền nằm lặng lẽ cách bờ sông Tam Bạc thơ mộng không xa, giữa lòng thành phố hiện đại hối hả. Là người dân đất cảng, có lẽ ai cũng biết đến nhân vật lừng lẫy này - người phụ nữ khai sinh ra đất Hải Phòng xưa, được dựng nơi thờ tự khắp thành phố, đền Nghè là một trong số đó.

Toạ lạc tại số 55 phố Lê Chân, chúng tôi đến thăm đền Nghè, nếu có dịp bạn hãy đến đây, sẽ không chỉ là hành trình tâm linh mà còn là một chuyến đi để tìm lại những giá trị đã khuất trong dòng chảy của thời gian. Để thấy rằng, Hải Phòng không chỉ đơn thuần là những con tàu, những tòa nhà cao tầng, mà còn là những câu chuyện, những huyền thoại được kể lại qua bao thế hệ.

Đền Nghè - "An Biên cổ miếu": Chốn thiêng thờ Nữ tướng Lê Chân

Đền Nghè, ngôi đền cổ kính huyền bí là điểm đến không thể bỏ qua cho những tâm hồn đam mê tìm hiểu về văn hóa tâm linh Việt Nam. Đền không chỉ là di tích văn hoá có từ ngàn xưa mà còn là bệ phóng tưởng niệm vị nữ tướng huyền thoại Lê Chân - vị anh hùng dân tộc góp phần làm nên chương sử oanh liệt của cảng Hải Phòng. Bà tựa như thánh linh che chở cho cả một vùng đất, từ xa xưa đến hiện tại và cả tương lai sau này. 

Những truyền thuyết về "Nam Hải uy linh" vẫn được nhắc lại qua bia "Hải Phòng An Biên thần tích bi" và trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho những người tìm về cội nguồn tâm linh của dân tộc, khơi gợi lòng tự hào và khát khao duy trì truyền thống. Sau khi mất, Thánh rất linh ứng. Nhân dân địa phương một đêm chiêm bao thấy Thánh về báo: "Ta đã hết duyên trần, nay về Thiên đình chầu Thượng đế. Thượng đế ân phong làm Thành hoàng. Các ngươi sớm mai ra bến sông, thấy vật gì lạ thì rước về mà thờ".

Bia đá lớn được đặt trang trọng trong lầu bia, trên chính diện đường thần đạo trước sân đền Nghè. Bia ghi "Hải Phòng An Biên thần tích bi", nghĩa là bia ghi thần tích miếu cổ làng An Biên.

Sáng sớm hôm ấy, bà con làng quê đã tề tựu bên bến sông để chứng kiến hiện tượng lạ. Không gian bỗng chốc u ám, gió thổi cuồng phong, mưa trút xuống như trút nước cùng những cơn sóng dữ dội trên sông. Trong cái nô nức của không khí phiên chợ, người dân đã mua mâm cua biển và bún rồi đặt trên bàn thờ cùng nhau cúi lạy. Thần kỳ, tảng đá lớn kia bỗng trôi dạt vào bờ, trên đó là một ngôi miếu đá nhỏ có chứa bức sắc phong. Người dân hân hoan rước về và đặt tại xứ Đồng Mạ. Mong muốn di chuyển nhưng không thể vì quá nặng, nên quyết định xây dựng miếu ngay tại đó hướng về phía Đông để tưởng nhớ.

Câu chuyện huyền bí về đền Nghè gắn liền với chiến công oanh liệt của nữ tướng dưới thời Trần Anh Tông chinh chiến Chiêm Thành. Ngay sau chiến thắng, nhà vua đã ghi nhận vào "sổ vàng" và phong tặng danh hiệu "Nam Hải uy linh". Triều đình thời ấy còn tổ chức lễ tế và cung cấp tài chính để tôn tạo ngôi đền. Các lần tu sửa sau đó không còn tài liệu ghi chép, nhưng những cổ vật từ thời Lê tìm thấy ở đây là minh chứng cho sự thờ phụng liên tục qua các thời kỳ.

Ngày nay, đền Nghè vẫn là điểm đến tâm linh thiêng liêng, một phần quan trọng trong di sản văn hóa của Hải Phòng, tiếp tục khơi nguồn cảm hứng sâu sắc cho những ai trân trọng giá trị tâm linh và muốn tìm về với cội nguồn của dân tộc.

Thăm gì ở đền Nghè?

Đền Nghè, còn gọi là An Biên cổ miếu tôn vinh Nữ tướng Lê Chân, một nhân vật lịch sử nổi tiếng của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng và người sáng lập làng An Biên, tiền thân của Hải Phòng. Di tích này đã trải qua nhiều giai đoạn tu bổ, từ mái tranh giản dị những năm 1919 đến kiến trúc đặc sắc thời Nguyễn và tiếp tục được phục hồi năm 2008-2009, đem lại vẻ đẹp cổ kính và trang nghiêm.

Hé lộ bí mật thú vị về nơi thờ tự người phụ nữ có công "khai sinh" ra Hải Phòng - Ảnh 3.

Đền Nghè hôm nay là quần thể kiến trúc tố hảo. Toà tiền bái 5 gian được nâng đỡ bởi 24 cột gỗ lim, đặt trên 24 viên đá đục khắc tỉ mỉ, cùng dòng chữ "An Biển cổ miếu" đắp nổi trên nóc, làm bật vẻ đẹp truyền thống. 

Nghệ thuật chạm khắc ở đền Nghè thể hiện qua từng đường nét tinh xảo trên gỗ, đá với hình ảnh long, ly, quy, phượng hay các loại hoa cỏ như tùng, cúc, trúc, mai.

Bức tượng Nữ tướng Lê Chân đặt tại hậu cung, trên ngai vàng uy nghi là biểu tượng anh hùng dân tộc sừng sững. Được vinh danh là Di tích lịch sử quốc gia vào năm 1975, đền Nghè với kiến trúc chữ Hồi độc đáo, không chỉ là kiệt tác kiến trúc mà còn là nguồn cội linh thiêng, nơi Thành hoàng Lê Chân ngự trị, bảo vệ vùng đất qua nhiều đời.

Ghé thăm đền Nghè, bạn sẽ chạm vào nét đẹp văn hóa dân gian qua những tác phẩm nghệ thuật tinh xảo, nơi hình tượng chim phượng hiện diện khắp nơi, từ họa tiết trang trí đến phù điêu, tượng trưng cho sự thiêng liêng và truyền thống giàu có. Đỉnh cao là hình ảnh Song phượng chầu nguyệt trên nóc nhà tiền bái, một biểu tượng của no ấm và thịnh vượng, "Hổ phù ọe mặt trăng" làm nổi bật nguyện ước của người dân về một cuộc sống đủ đầy và hạnh phúc.

Mỗi một mảng phù điêu gắn với xuất thân, công trạng và sự hiển linh của Nữ tướng. Mảng phù điêu chính giữa miêu tả cảnh sắc núi rừng An Tử hùng vĩ - nơi phụ mẫu cầu tự sinh ra Bà. Mảng phù điêu bên phải miêu tả cảnh đoàn quân khởi nghĩa của Nữ tướng đánh giặc Đông Hán với khí thế hùng dũng. Còn mảng phù điêu bên trái là hình ảnh vua Trần Anh Tông (thế kỷ XIV) cùng đoàn quân đi chinh phạt quân Chiêm Thành, khi đi qua vùng đất An Biên được Lê Chân báo mộng.

Hé lộ bí mật thú vị về nơi thờ tự người phụ nữ có công "khai sinh" ra Hải Phòng - Ảnh 8.

Miếu đá là một khối đá được tạo tác công phu, ngay mặt trước được khắc chìm dòng chữ "Đương cảnh Thành hoàng Nam Hải uy linh Thượng đẳng tôn thần".

Hé lộ bí mật thú vị về nơi thờ tự người phụ nữ có công "khai sinh" ra Hải Phòng - Ảnh 9.

Một sập thờ đá khổ lớn được đặt ở trung tâm, dưới mặt sập là các đường chỉ trang trí cánh sen, hoa cúc dây nổi. Thân sập trang trí "hổ phù hàm thọ" - hổ phù ngậm chữ Thọ biểu trưng cho sự trường tồn, mặt sau là "quy tàng", hai bên trang trí "phượng thư bút" - tượng trưng cho những người phụ nữ cao quý có được sự tinh thông thao lược văn võ.

Dân tộc ta từ xưa đã có tục "Uống nước nhớ nguồn", một truyền thống cao đẹp mà qua bao thế hệ vẫn không hề phai mờ. Chính vì thế, dẫu thời gian có trôi qua, người dân vẫn khắc ghi biết ơn người phụ nữ có công khai sinh ra làng An Biên xưa, đất Hải Phòng nay. Và Hội đền Nghè, là một trong những hình thức tưởng nhớ công ơn của Bà.

Hội đền Nghè

Người dân nơi đây hàng năm đều hướng về Hội đền Nghè, nơi tổ chức loạt sự kiện văn hóa truyền thống như hội vật, hội đánh phết, hội bơi chải và đặc biệt là hội thi hoa thủy tiên. 

Đặc biệt hơn cả, hội thi hoa thủy tiên là một phần không thể thiếu trong dịp lễ Thánh đản của Nữ tướng Lê Chân. Từ những năm đầu thế kỷ XX, người dân Hải Phòng đã chọn lọc những bình thủy tiên trắng tinh khôi để dâng lên người anh hùng của mình vào ngày 8/2 Âm lịch hàng năm. Mỗi bình hoa không chỉ là biểu trưng của Ngũ hành mà còn mang ý nghĩa sẽ đem lại một năm tràn ngập sắc xuân và may mắn.

Có lẽ cũng vì màu trắng tinh khiết và tượng trưng cho tài lộc của hoa thủy tiên mà đồ cúng tế, bài trí hay dâng lễ tại cung thờ của Nữ tướng Lê Chân đều có màu trắng.

Người dân Hải Phòng cho rằng nếu hội thi tuyển được những bình thủy tiên đẹp nhất để dâng lên Thánh mẫu Lê Chân thì đời sống của mọi người sẽ tươi đẹp suốt trong năm. Những bình hoa thủy tiên ấy phải đủ 5 giò tức 5 nhánh đều nhau tượng trưng cho Ngũ hành; các giò hoa phải đều và nở tươi đúng ngày giờ quy định. Vậy là sau hơn 80 năm "thất truyền", hội thi này đã trở lại, được Bảo tàng Hải Phòng cùng CLB Hoa thủy tiên phục dựng vào ngày 16/3/2024, tức ngày 7/2 Âm lịch, với niềm tin rằng sự tinh khiết và may mắn của loài hoa này sẽ tiếp tục là nguồn cảm hứng cho đời sống văn hóa phong phú của người dân Cảng thơ mộng. 

***

Nữ tướng Lê Chân không chỉ đơn thuần là huyền thoại vang bóng một thời hay những câu chuyện hư cấu. Khắc sâu trên từng tấm bia, mỗi ngôi đền, ngôi miếu thờ kính trên khắp nẻo đường Hải Phòng là dấu ấn của người phụ nữ anh hùng dù ở thời không nào vẫn luôn hướng về sự phồn vinh và bình yên cho đất nước, cho cuộc sống của người dân đầy đủ và hạnh phúc.

Ngày nay, Hải Phòng đã khoác lên mình vẻ đẹp rực rỡ, ngày càng phồn thịnh, song chẳng ai lãng quên vị Thành hoàng, người luôn gìn giữ và che chở cho vùng đất này qua bao thăng trầm của lịch sử. Nếu có dịp đến thăm Hải Phòng, đi foodtour khám phá, đừng quên ghé thăm đền Nghè để lòng mình thấm đượm một chút linh thiêng về vị Nữ tướng đặc biệt của người Việt vô cùng tài hoa, anh dũng này.

Chia sẻ