Hãy tôn trọng những cuộc ly hôn có trách nhiệm, để hôn nhân không còn là "nấm mồ hạnh phúc" của người phụ nữ

MINH NGUYỄN,,
Chia sẻ

Ly hôn không đặt dấu chấm hết cho cuộc đời. Nhưng lựa chọn ở trong một mối quan hệ độc hại với nhiều lý do ngoại cảnh, nhiều phụ nữ đã tự đẩy mình tới đường cùng.

Những vụ việc đau lòng từ các gia đình rạn nứt, từ các mối quan hệ vợ chồng nhiều mâu thuẫn không còn là câu chuyện mới mẻ. Nạn nhân trong các vụ việc kể trên thường là phụ nữ với những motif chung cơ bản: Vợ chồng nhiều xích mích, không được nhà chồng cảm thông, nặng lòng vì con cái, mối quan hệ đẩy lên cao trào với những mâu thuẫn căng thẳng nhưng không có khả năng giải quyết dẫn đến cái kết thương tâm. Gần đây nhất, câu chuyện về người phụ nữ tên Đ. tử vong sau khi đi khỏi nhà chồng 10 ngày đã khiến dư luận bàng hoàng. Người ta tìm thấy những lá thư được cho là của chị Đ. để lại với những câu chuyện thương tâm khi chị bị mẹ chồng và chồng hành hạ, đối xử tệ bạc.

Bạo hành gia đình là vấn đề đã tồn tại hàng thế kỷ và ngày càng bị lên án trong xã hội hiện đại. Người ta thấy bạo hành gia đình thực sự nhức nhối nhưng nguy hiểm, và cũng khó hiểu với nhiều người, là việc nhiều người phụ nữ vẫn chấp nhận sống trong một mối quan hệ độc hại như vậy. Liệu có thể đổ lỗi cho phụ nữ được không? Liệu nạn nhân có một lần nữa trở thành đối tượng đấu tố? Lại một lần nữa, phụ nữ - những người cam chịu và bế tắc trong các mối quan hệ độc hại, không chỉ là nạn nhân của bạo hành gia đình mà còn phải chịu đựng những tư tưởng chèn ép cuộc đời khiến họ không dễ dàng thoát ra được.

Phụ nữ không chỉ là nạn nhân của bạo lực gia đình. Họ là nạn nhân của những tư tưởng ăn sâu trong xã hội, mà sẽ biến thành cực đoan và độc hại nếu không được vận dụng một cách khéo léo...

Hãy tôn trọng những cuộc ly hôn có trách nhiệm, để hôn nhân không còn là nấm mồ hạnh phúc của người phụ nữ  - Ảnh 1.

"Cố gắng nhẫn nhịn vì con cái"

Cái câu nói ấy như trói chặt phụ nữ vào những mối quan hệ hôn nhân, dù độc hại hay thế nào đi chăng nữa. Trong quan niệm hôn nhân truyền thống, con cái luôn là điều thiêng liêng, giá trị nhất và mọi việc bố mẹ làm đều vì sự phát triển của con cái. Trong một chừng mực nhất định, suy nghĩ trên không sai nhưng đã phần nào gạt đi cuộc sống của người bố, người mẹ ra bên lề hạnh phúc. Nhưng câu hỏi đặt ra là, họ đang bắt phụ nữ nhẫn nhịn vì điều gì của con cái? Vì hạnh phúc của con cái hay hình ảnh gia đình theo chuẩn truyền thống?

Hãy tôn trọng những cuộc ly hôn có trách nhiệm, để hôn nhân không còn là nấm mồ hạnh phúc của người phụ nữ  - Ảnh 2.

"Nhẫn nhịn và hy sinh vì con/ vì cái nhà này" - là một trong những câu cửa miệng của mẹ tôi mỗi khi uất ức bố tôi hoặc gia đình nhà chồng. Bà thường xuyên sống trong cảnh không dám than thở hay thể hiện thái độ đối nghịch, phản đối trước bất cứ hành động nào của bố. Bà tự coi đó là sự cao cả của đức hy sinh và chọn nó làm niềm kiêu hãnh cho cuộc hôn nhân vốn đã mục ruỗng từ bên trong. Thay vì chọn một cách giải quyết vấn đề thẳng thắn và trực diện, bà chọn cách... giải tỏa vào con cái. Tôi lớn lên với gánh nặng trong tâm trí rằng mình là nguyên nhân cho sự không hạnh phúc của mẹ, cùng với sự xót thương xen lẫn bất mãn vì một người mẹ luôn đè nén cảm xúc của mình đến cực độ. Sự uất ức của bà thậm chí còn nuôi dưỡng trong tôi một lòng căm ghét với gia đình nhà nội, và sự lạnh lẽo ấy cứ theo tôi cho đến khi tôi trưởng thành và dần nhận ra rằng: Có vẻ như mọi chuyện không như mình từng được nghe mẹ kể...

Tôi không trách người mẹ của mình cho tất cả những cảm xúc ấy. Khi lớn lên, tôi hiểu rằng mẹ là nạn nhân của một suy nghĩ đã hằn sâu vào nhiều thế hệ phụ nữ Việt Nam, bà bị mắc kẹt trong đó một cách đau khổ và tuyệt vọng. Nhưng những vết thương đó vẫn hằn sâu trong tôi mãi mãi, cả với những ác cảm không thể xóa mờ về những người họ hàng nhà nội, dù trong thâm tâm tôi biết rằng đôi khi sự căm ghét đã khiến mẹ không còn nhìn mọi thứ theo một góc nhìn khoan dung và đa chiều nữa.

Dù đặt hạnh phúc của ai lên trên, người mẹ hay những đứa trẻ, việc ở lại trong một mối quan hệ độc hại cũng không mang lại lợi ích cho bất kỳ ai. Khi một người phụ nữ cam chịu trong một mối quan hệ bạo lực cả về tinh thần và thể chất, con trẻ là người phải chịu đựng tất cả sự bất hạnh, đau đớn như một liên tầng. Nỗi đau của trẻ nhỏ phải nhận vừa là trực tiếp, vừa là gián tiếp: Các em có thể trở thành nạn nhân của những đau khổ được trút xuống từ người mẹ hoặc giận dữ vô cớ của người bố. Hoặc không, sự nhạy cảm của mỗi đứa trẻ không đủ để các em hiểu chuyện nhưng đủ hiểu rằng mối quan hệ gia đình không rạn nứt, bố mẹ dành nhiều thời gian để cãi nhau hơn để chăm sóc con cái. Vô tình hay cố ý, những gia đình mâu thuẫn cũng đang đẩy nhiều đứa trẻ vào các căn phòng riêng, đóng kín cửa và bịt tai lại vì không muốn phải nghe những trận đánh chửi nhau của bố mẹ.

Giải thoát cho người mẹ khỏi mối quan hệ độc hại là giải thoát cho đứa trẻ khỏi một tuổi thơ cơ cực, ám ảnh và có thể để lại những hậu quả tâm lý lâu dài. Bố mẹ ly hôn ảnh hưởng đến tâm lý trẻ em nhưng việc họ ở lại trong một mối quan hệ bạo lực leo thang chỉ càng làm tình cảnh cuộc sống của mỗi đứa trẻ thêm thê thảm, ức chế. Khả năng nói lên vấn đề của trẻ nhỏ chưa phát triển toàn diện. Các em sẽ âm thầm tích lũy những thứ mình học được, nghe được qua lăng kính của mình mà không có một bộ lọc tiêu chuẩn đạo đức nào được dạy. Không ít đứa trẻ lại coi bạo lực gia đình như một tiêu chuẩn, hoặc méo mó hơn là cách để bố mẹ thể hiện sự yêu thương nhau.

Hãy tôn trọng những cuộc ly hôn có trách nhiệm, để hôn nhân không còn là nấm mồ hạnh phúc của người phụ nữ  - Ảnh 3.

Cố gắng nhẫn nhịn vì con hay cố gắng để hại con, chúng ta nên tự hỏi bản thân điều này và hành xử có trách nhiệm với con cái. Lối thoát cho bố mẹ, kỳ thực cũng là lối thoát cho con.

Sự ngăn cản từ gia đình

"Nếp nhà này không có chuyện con cái ly dị" hay "Mày ly dị để bôi tro trát trấu vào mặt bố mẹ mày à?" hay "Thôi vợ chồng cố gắng, lấy nhau lúc nào chẳng có lúc cãi vã". Cố gắng lần một, cố gắng lần hai, đến khi không nỗ lực được vẫn phải nghe văng vẳng tiếng bố mẹ "thôi vợ chồng cố gắng, cố gắng…" - vừa lẩm bẩm vừa khóc, vừa che đầu trước những cú đánh của chồng.

Một người bạn của tôi từng kể về lần cô ly hôn. Cô đã hoàn toàn không nói với bố mẹ ruột về quyết định này của mình, và mẹ cô chỉ biết rằng cô chia tay người chồng của mình khi vô tình đi qua nhà cô và thấy cô đang... dọn khỏi nhà chồng. Sau đó là nhiều tuần bố mẹ gửi đến cô những tin nhắn đau khổ cầu xin cô hãy nghĩ lại, và rằng "chẳng có ai tốt như vậy đâu", hay "rồi sau này con còn có thể lấy ai nữa". Cô nói, thật may mắn khi cô quyết định không nói với bố mẹ ý định của mình cho đến khi cô thực hiện nó, bởi với những lời năn nỉ giằng xé đầy xót xa ấy, có lẽ cô đã nghĩ lại. Nhưng không phải nghĩ lại vì hạnh phúc của mình, mà nghĩ lại vì nỗi sợ bố mẹ sẽ phải buồn, và sợ vì những lời tiên đoán bi quan về tương lai phía trước...

Những người phụ nữ của một thế hệ cũ, phải chăng vì đã quá cam chịu nên họ vẫn muốn nuôi dưỡng tinh thần ấy ở những cô con gái mình, để các con phải cắn răng chịu đựng trong những mối quan hệ không hạnh phúc?

Nền tảng gia đình truyền thống vẫn bám lấy quan điểm, một gia đình có con cái ly dị, đặc biệt là con gái "bị đuổi khỏi nhà chồng" như một điều xấu hổ. Cái tư tưởng "lót lá chuối" đuổi đi ấy đã khiến nhiều người phụ nữ khi gặp khó khăn không dám về kể lể với bố mẹ đẻ. Nếu nhà là nơi để về, là chốn vẫn được coi là yêu thương nhất bao bọc nhất nhưng khi có nhà cũng không thể về được, những người phụ nữ này sẽ tìm tới đâu? Không phải phụ nữ nào cũng đủ vững vàng khi bước vào cuộc hôn nhân hay có những người sẵn lòng hậu thuẫn phía sau nếu có vấn đề gì rắc rối. Nhiều phụ nữ không chỉ cô độc trong nhà chồng, họ còn cô độc trong thế giới của riêng mình.

Hãy tôn trọng những cuộc ly hôn có trách nhiệm, để hôn nhân không còn là nấm mồ hạnh phúc của người phụ nữ  - Ảnh 4.

Bố mẹ nào cũng thương con nhưng thương con không có nghĩa rằng bắt con phải nhẫn nhịn, chịu đựng một mối quan hệ đã đi quá giới hạn. Phụ nữ đi lấy chồng, của hồi môn có thể ít một chút, đám cưới không cần linh đình rềnh ràng, chỉ cần cửa nhà lúc nào cũng rộng mở để họ trở về và bố mẹ lại là người dang tay che chở. "Thôi về nhà đi con, không ai thương con thì còn bố mẹ" - phải chăng ai cũng chờ một câu như vậy để thấy cuộc đời vẫn còn nhiều điều đáng sống?

Ly hôn là quyết định của mỗi cá nhân

Tôi đọc được trên Facebook chia sẻ của một người đồng nghiệp về câu chuyện ly hôn. Anh nói rằng:

"Bản thân những người cắn chặt răng chịu đựng đau khổ ngỡ là vì con đã quên rằng họ đang không phải là phiên bản tốt nhất, truyền cảm hứng nhất cho con mình. Họ quên rằng sự đau khổ và năng lượng tiêu cực họ có đang ảnh hưởng cực xấu đến quá trình phát triển tâm lý con cái. Họ không nhìn ra rằng tâm lý ức chế, nín nhịn họ tích tụ cũng cùng lúc tạo một tâm lý kỳ vọng thiếu lành mạnh dành cho con, một sự hy sinh quá lớn tạo nên gánh nặng mà đứa trẻ không thể và không nên đáp trả lúc trưởng thành.

Khi trên máy bay, chúng ta được dặn là hãy đeo mặt nạ dưỡng khí cho mình trước khi đeo cho con. Bởi vì con cái cần bạn khỏe mạnh, hạnh phúc để che chở cho con trong mọi tình huống. Hãy là một vị phụ huynh hạnh phúc, vui vẻ mà đứa trẻ nào cũng xứng đáng được có."

Ly hôn là quyết định của mỗi cá nhân với những ảnh hưởng đến rất nhiều người. Khi suy nghĩ ly hôn đến trong đầu, hãy nghĩ cho bản thân trước vì chỉ khi bạn hạnh phúc mới có thể mang đến hạnh phúc cho những người xung quanh. Chúng ta bước vào mối quan hệ hôn nhân, dù còn nông nổi hay chín chắn, thì cũng hãy bước ra với sự trưởng thành. Không ai cổ xúy ly hôn như một "xu thế" của cuộc sống trẻ nhưng chúng ta hãy tôn trọng và tạo điều kiện cho các cuộc ly hôn có trách nhiệm để hôn nhân không là "nấm mồ của hạnh phúc" như cách người ta vẫn ví von.

Hãy tôn trọng những cuộc ly hôn có trách nhiệm, để hôn nhân không còn là nấm mồ hạnh phúc của người phụ nữ  - Ảnh 5.

Hôn nhân là một lát cắt cuộc sống, 30, 40 hay 50 năm thì cũng chỉ là một chương trong cuộc đời. Vì không ai sống được hộ cuộc đời mình nên hãy đối xử tốt với bản thân mình trước nhất.

Ảnh: Minh họa

Hãy tôn trọng những cuộc ly hôn có trách nhiệm, để hôn nhân không còn là "nấm mồ hạnh phúc" của người phụ nữ - Ảnh 6.

 

Chia sẻ