Hấp dẫn bún chả Sa Pa
Bên cạnh những đặc sản miền cao nổi tiếng, Sa Pa còn một món ăn rất gần gũi với du khách là bún chả. Ngoài bún chả khô quen thuộc, đến đây bạn còn có thể thưởng thức món bún chả chan độc đáo.
Là điểm du lịch nổi tiếng, Sa Pa sở hữu nhiều điều thú vị, như có đỉnh Fansipan được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương, đèo Ô Quý Hồ dài nhất Việt Nam hay có nhiều dân tộc thiểu số vẫn còn giữ được nét truyền thống văn hóa bản địa.
Sa Pa là điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước
Khi đi du lịch Sa Pa nhiều người muốn khám phá ẩm thực với những món ngon, hấp dẫn. Tuy vậy không phải ai cũng biết những món ngon tại đây. Có dịp ghé Sa Pa, bạn nên thưởng thức một món ăn mà chỉ một lần nếm thử chắc chắn bạn sẽ phải thốt lên: rất ngon. Đó là bún chả.
Quán bún chả đông khách nhất Sa Pa là Đức Hạnh. Tại đây có món bún chả ngon nổi tiếng, không chỉ với người dân địa phương mà còn với nhiều du khách, nhất là vào buổi sáng. Quán nằm bên tay trái trên lối nhà thờ đi vào khoảng 100m theo lối vào cổng phụ của khách sạn Công Đoàn.
Bún chả khô
Bún chả Đức Hạnh có 2 loại cho du khách lựa chọn: bún chả khô và bún chả “Chan”. Bún chả khô giống cách ăn bún chả Hà Nội. Theo nhiều khách sành ăn, món chả nướng tại đây ngon không kém gì món chả nướng ngon nhất tại các quán bún chả Hà Nội.
Để chế biến được món chả nướng than hoa cũng khá cầu kỳ. Nguyên liệu được chọn là loại thịt vai tươi ngon không quá nhiều mỡ. Thịt vai lợn mang làm chả nướng là loại ngon nhất trong toàn bộ con lợn.
Thịt lợn thái thành miếng vừa phải, được tẩm ướp với sả tươi xay nhỏ, hành khô, đường, gia vị, nước mắm và đặc biệt được ướp thêm một loại gia vị bí truyền để tạo nên mùi vị đặc trưng của miếng chả sau khi nướng. Sau đó ướp khoảng 6 tiếng cho ngấm gia vị rồi xiên vào que tre vừa đủ và nướng trên than hoa.
Để nướng được chả ngon cũng là cả một nghệ thuật. Người nướng không được để lửa than cháy quá to vì như vậy sẽ tạo mùi khét và chín ép. Còn để nhỏ lửa nướng sẽ lâu và làm miếng chả khô đi sẽ không ngon. Khi nướng phải nhìn xiên chả mà lật đi lật lại cho vàng đều, nướng sao cho không cháy và không khô miếng chả là đạt yêu cầu.
Bún được hấp nóng cho lên đĩa, bên cạnh là bát nước chấm dùng để chấm chả nướng, bún và rau thơm ăn kèm. Nước chấm được pha từ nước mắm, đường, tỏi băm nhỏ, ớt, chanh và rau mùi (rau ngò), vị ngọt vừa phải không chua quá. Kết hợp với đu đủ ngâm giấm và rau mùi băm nhỏ.
Khi ăn bạn nên gọi thêm một xiên chả bên ngoài suất bún để ăn trước. Trong không khí se se lạnh của Sa Pa, xiên chả nóng đem lại một cảm giác thật thú vị. Tay bạn cầm xiên chả nướng nóng hôi hổi, lấy miếng chả ra khỏi xiên nhúng vào bát nước chấm rồi đưa lên miệng. Vị giòn mềm của chả kết hợp với vị ngọt, vị chua, vị cay nồng của ớt quyện vào nhau. Bên ngoài là cái lạnh se se của thời tiết Sa Pa sẽ làm bạn không bao giờ quên khi đã một lần thưởng thức.
Khi ăn, cho bún với rau thơm được trồng tại Sa Pa vào bát nước chấm đã có sẵn chả nướng được cắt nhỏ. Chú ý lấy lượng bún nhỏ cho vào bát nước chấm vừa đủ cho một lần ăn, ai thích nhiều nước chấm có thể gọi thêm mà không phải trả thêm tiền.
Bún chả “Chan”
Với những ai không thích ăn bún chả nướng khô có thể thưởng thức món bún chả "Chan". Đây là món bún chả chan nước dùng như phở hoặc bún gà, bún ngan. Rất nhiều du khách khá ngạc nhiên vì nghe tên gọi bún Chan. Vì thông thường bún chả Hà Nội chỉ ăn bún chả chấm chứ không có món bún chả chan như tại quán Sa Pa.
Bún được nhúng nước nóng cho vào bát. Cắt chả nhỏ cho vào bát, thêm rau mùi, hành thái nhỏ rồi chan nước dùng lên. Trước khi ăn bạn có thể cho thêm ớt xào, ớt tỏi ngâm giấm, chanh, hạt tiêu để thêm phần hấp dẫn cho món ăn. Khi thưởng thức bạn nên ăn kèm với các loại rau thơm để tạo thêm hương vị quyến rũ cho món bún tuyệt vời này.
Nếu không thích món bún chả, bạn có thể thưởng thức món bánh cuốn tại đây. Ngày trước bánh cuốn được tráng bằng tay nhưng về sau không có người ngồi tráng nên chuyển qua tráng bằng máy. Tuy vậy nhân bánh vẫn ngon như xưa. Bánh cuốn cũng là món du khách rất thích khi đến đây thưởng thức món ngon Sa Pa.