Hào quang “chất lượng Nhật Bản” liên tiếp chịu giông tố: Bánh mì có chuột chết, thực phẩm chức năng gây tử vong tới gian lận chất lượng quy mô toàn cầu… khiến "những cái cúi đầu" ngày càng nhiều
Những cái cúi gập người xin lỗi của lãnh đạo các doanh nghiệp Nhật Bản đang diễn ra thường xuyên hơn, làm dấy lên câu hỏi điều gì đang xảy ra với danh tiếng "chất lượng Nhật Bản".
Người Nhật nổi tiếng khắp thế giới với những yêu cầu cao, sự tỉ mẩn và trung thực. Đây cũng chính là những điều làm nên thương hiệu Nhật Bản. Thế nhưng, trong thời gian gần đây, chất lượng Nhật Bản liên tiếp bị thách thức bởi loạt bê bối rúng động.
Xác chuột trong 2 gói bánh mì, 104.000 sản phẩm bị thu hồi
Những bê bối trong lĩnh vực thực phẩm thường rất hiếm khi xảy ra ở Nhật. Thế nhưng, một vụ việc hãi hùng vừa xảy ra đầu tháng 5 khi người ta phát hiện xác chuột chết bên trong 2 gói bánh mì của công ty Pasco Shikishima – nhà cung cấp sản phẩm loại này cho một vùng rộng lớn của nước Nhật, từ Tokyo tới Aomori ở phía bắc.
Sự cố kinh hoàng khiến 104.000 gói sản phẩm bị thu hồi, 1 nhà máy ngừng hoạt động để điều tra. Bản thân nhà sản xuất cũng không thể biết xác chuột chui vào gói bánh mì như thế nào nhưng vụ việc đã gây ra một đòn đánh mạnh với thương hiệu này.
Đây không phải lần đầu tiên người Nhật phát hiện xác động vật trong thức ăn được bán tại siêu thị. Mới chỉ năm ngoái, chuỗi của hàng tiện lợi 7-Eleven đã một phen khốn đốn khi xác gián được phát hiện trong một nắm cơm.
Vụ việc mới nhất việc xảy ra khi một loạt bê bối đang gây những ảnh hưởng nghiêm trọng tới các thương hiệu đình đám của Nhật Bản nói riêng và cả danh tiếng “chất lượng Nhật Bản” nói chung.
Trong khi Pasco nói rằng không khách hàng nào của họ bị ảnh hưởng sức khỏe trong vụ việc này, vụ bê bối vẫn gợi nhắc đến sự kiện xảy ra chỉ vài tháng trước đó khiến ít nhất 5 người Nhật Bản tử vong cùng hơn 30.000 người chịu ảnh hưởng.
Dùng thực phẩm chức năng, ít nhất 5 người thiệt mạng
Không chỉ lĩnh vực thực phẩm dính bê bối, gần đây, một công ty sản xuất thực phẩm chức năng cũng dính chàm. Theo đó, sản phẩm chứa gạo men đỏ Kobayashi đã khiến 5 người tử vong, hơn 100 ca nhập viện khác. Nhà máy của Kobayashi bị kiểm tra, nằm ở thành phố Osaka, miền Tây Nhật Bản. Đây là nơi sản xuất thành phần của sản phẩm thực phẩm chức năng có chứa men gạo đỏ "beni-koji" của công ty.
Các trường hợp tử vong liên quan đến men gạo đỏ của hãng dược Kobayashi được xem là vụ bê bối đầu tiên ở Nhật Bản liên quan tới thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, nó cũng đủ làm dấy lên những lo ngại của người dân Nhật Bản với những dòng sản phẩm có lợi cho sức khỏe – vốn được xác doanh nghiệp sản xuất mà không cần có sự chấp thuận của cơ quan chức năng.
Sau khi bê bối vỡ lở, người ta cũng phát hiện ra rằng hãng dược Kobayashi đã phớt lờ nhiều cảnh báo. Cụ thể, khi nhận thông tin về việc người dùng phải nhập viện vì sử dụng sản phẩm có chứa men gạo đỏ của công ty, họ chẳng hề có động thái thu hồi sản phẩm nào dù cả tháng đã trôi qua.
Phải tới 22/3 vừa qua, hãng dược này mới tự nguyện thu hồi sản phẩm do có nhiều người gặp vấn đề nghiêm trọng về thận. Japan Times dẫn lời nhiều người dân cho rằng hãng dược này đã đặt lợi ích của họ lên trên sức khỏe của khách hàng và cũng chẳng có cơ chế giám sát sản phẩm của mình ngay cả khi chúng gây hại trên diện rộng.
Không chỉ gây ảnh hưởng tới thanh danh của mình, Japan Times cho biết bê bối này có thể ảnh hưởng tới 33.000 doanh nghiệp ở Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực này.
Bê bối gian lận chất lượng ảnh hưởng toàn cầu
Cuối năm ngoái, cả thế giới rúng động vì vụ bối gian lận thử nghiệm an toàn của Daihatsu – Toyota. Đây được xem là một trong những vụ bê bối lớn nhất trong ngành công nghiệp ô tô toàn cầu thế kỷ 21. Theo đó, hồi tháng 4/2023, một người trong nội bộ của Daihatsu đã tố cáo hãng này gian lận trong các bài kiểm tra an toàn khi xe bị va chạm bên hông.
Theo đó, các mẫu xe Toyota Vios và Perodua Axia đi thử nghiệm được gia cố viền cánh cửa nhằm giảm thiểu rủi ro với người ngồi trong còn xe bán cho khách hàng thì không. Thậm chí, có tới cả trăm nghìn chiếc xe bị ảnh hưởng bởi sự gian lận này.
Thế nhưng, đó chưa phải tất cả. Một ủy ban độc lập đã phát hiện thêm nhiều sai phạm với 174 hành vi gian dối, trong đó có những việc xảy ra từ năm 1989. Tuy nhiên, các vụ gian lận phổ biến xảy ra từ năm 2014. Túi khí của các dòng phương tiện thử nghiệm cũng khác biệt so với túi khí trong các sản phẩm bán cho người dùng.
Về phần Toyota – công ty mẹ của Daihatsu, họ cho biết những mẫu xe liên quan đến bê bối được bán trên toàn cầu, bao gồm cả xe cho thị trường Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Campuchia và Việt Nam.
Cả Chủ tịch Toyota và Chủ tịch Daihatsu đều đã mất chức trong nỗ lực vực dậy danh tiếng sau bê bối. Thế nhưng, những lần cúi đầu xin lỗi có lẽ sẽ còn lâu mới xóa được tác động xấu tới nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới nói riêng và thương hiệu chất lượng Nhật Bản nói chung.
Nguồn: Tổng hợp