Người cha luôn đồng hành đến trường cùng cậu con trai mắc bệnh down
Mừng (27 tuổi) đang đánh chữ Tiếng Anh trên máy tính
Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ luôn rộn rã tiếng cười, ông Mạc Văn Mỹ (bố của Mừng, 66 tuổi) vui mừng đem khoe cuốn album hình ảnh của con trai trong lớp học đàn, học võ và những tấm huy chương Mừng đạt được trong các kì thi thể dục thể thao do TP.HCM tổ chức với chúng tôi. Đối với ông Mỹ đó là tài sản giá trị nhất mà ông có được.
Bắt đầu câu chuyện về cuộc đời và nghị lực của cậu con trai mình, ông Mạc Văn Mỹ cho hay, ông và vợ mình là bà Đặng Thị An (66 tuổi) cưới nhau vào năm 1970, đến năm 1988 thì sinh đứa con đầu lòng là Mạc Đăng Mừng. Niềm vui khi con trai đầu lòng chào đời chưa được bao lâu thì hai vợ chồng đau đớn phát hiện con bị mắc chứng bệnh down bẩm sinh.
Từ khi biết Mừng mắc bệnh down ông Mỹ như mất đi tất cả, nhiều lần ông định đầu hàng nghịch cảnh nhưng ông nghĩ lại vì thương cho số phận chẳng may của con trai mình. Ông Mỹ đã đưa Mừng đi nhiều nơi chữa trị nhưng không có kết quả. Không muốn con chấp nhận số phận, ông Mỹ đã tự tìm hiểu nhiều phương pháp tự dạy cho con học và tập cho con vượt qua căn bệnh để hòa nhập cùng cộng đồng.
Ông Mỹ bồi hồi nhớ lại: “Sinh con khi vợ đã ở tuổi tứ tuần, bao nhiêu niềm sung sướng, hạnh phúc hai vợ chồng đặt hết lên cái tên Mừng của con vậy mà đến 5 tuổi mừng vẫn không biết đi, đến 9 tuổi vẫn không biết nói. Không muốn con bị người khác chê cười, nên tôi đã tìm phương pháp để dạy cho con biết học Anh văn, học nghề và học nhiều thứ khác để cháu được phát triển tư duy một cách bình thường".
Chứng chỉ nghề kĩ thuật viên đồ họa của Mừng
Hai cha con mừng chụp ảnh lưu niệm cùng các thầy cô, bạn bè trong lớp học võ
Những ngày đầu tiên cho con đi học ông Mỹ muốn con mình được học đàn để kích thích các dây thần kinh lên não. Nhiều lần ông Mỹ tìm đến các nơi dạy đàn để đăng kí cho con học nhưng đều bị từ chối. Không bỏ cuộc, nhiều tháng liền ông tìm đến phòng dạy đàn ở nhà thờ để học lỏm cách đánh đàn rồi về bàn với vợ gom góp tiền mua đàn về dạy cho con tập đánh đàn. Ngoài việc dạy con đánh đàn ông Mỹ còn dành thời gian mỗi buổi chiều để tập cho Mừng đi trên những viên đá xanh giúp kích thích các dây thần kinh từ lòng bàn chân lên não, giúp cho việc tiếp thu của Mừng nhạy bén hơn.
“Khi đó tôi gõ cửa nơi bán đàn để xin cho con vào học, nhưng thầy bảo con tôi bị bệnh thế thì học được gì. Lúc đó buồn lắm nhưng tôi bảo với họ là nếu con tôi biết đánh đàn thì phải nhận dạy cho cháu, thế là họ cho đánh thử, khi con đánh được một đoạn nhạc thì họ tỏ ra rất ngạc nhiên và sau đó nhận dạy cháu đến bây giờ”, ông Mừng tâm sự.
Người cha kiên trì 27 năm qua giúp con trai vượt qua mặc cảm bệnh tật
Luôn đồng hành cùng con
Đến năm Mừng theo học ở trường Võ Thị Sáu, ông Mỹ phải đưa đón con đi học rồi ngồi lại trường để đợi đón con về. Những ngày nghỉ ông dạy cho con trai học thêm Anh văn. Thấy việc học phổ thông quá khó đối với con ông quyết định cho Mừng nghỉ học lớp 9 và tìm trường dạy nghề đồ họa cho Mừng theo học.
Niềm hạnh phúc luôn hiện hữu trên gương mặt ông khi kể về hành trình cùng cậu con trai không may mắc căn bệnh down bẩm sinh
Với những môn học có tính sáng tạo Mừng tỏ ra rất thích thú. Những ngày con đến học môn đồ họa ở trường đại học Văn Lang, ông Mỹ xin thầy dạy cho phép được vào học cùng con, những ghi chú của thầy cô dặn dò ông tỉ mỉ ghi chép lại để về nhà giảng lại cho con.
Cứ như thế sau 5 tháng Mừng đã hoàn thành khóa học chứng chỉ nghề kĩ thuật viên đồ họa. Ngoài khóa học trên ông Mỹ còn cho con mình tham gia rất nhiều khóa học khác như: kỹ năng sống, võ thuật, Anh văn… để Mừng có điều kiện phát triển tốt và tăng tính tư duy hơn. Sau nhiều năm học tập kết hợp rèn luyện giờ đây Mừng đã phát triển khá bình thường và người ngoài khó có thể nhận ra đây là một chàng trai này đã từng mắc bệnh down.
Gia tài của gia đình Mừng là những tấm huy chương
Sau giờ học, Mừng thường giúp mẹ nấu cơm, xem hoạt hình giải trí
Khi trò chuyện với chúng tôi, Mừng phấn khởi cho hay, sau khi hoàn thành khóa học nghề Mừng đang xin làm việc tại một công ty chuyên về kĩ thuật đồ họa ở Quận 3, để có thêm thu nhập và giúp đỡ bố mẹ. Mừng chia sẻ:“Mình sẽ cố gắng học thật giỏi, làm việc thật giỏi để không phụ lòng bố mẹ mình đã yêu thương mình những năm qua. Qua đây mình cũng khuyên các bạn trẻ khác là đừng bao giờ đầu hàng số phận, dù cuộc sống trao cho mình một số phận nghiệt ngã nhất nhưng nếu mình cố gắng phấn đấu không đầu hàng với số phận thì sau này mình chắc sẽ gặp được thành công”.
Chiến dịch “Bàn tay của bố” – một chiến dịch đầy cảm hứng và yêu thương của We are family 2015.
Bạn cũng có thể đồng hành cùng chúng tôi bằng cách:
- Tham gia hoạt động “Ngàn cam kết – Triệu sẻ chia” một hoạt động kêu gọi đàn ông Việt, đặc biệt là các ông bố cùng ký cam kết tham gia chia sẻ việc nhà và việc nuôi dạy con cùng với vợ mình.
- Chờ đợi tham gia một cuộc thi với tổng giá trị giải thưởng lên tới 100.000.000 đồng khởi động từ ngày 11/7/2015.
- Chào đón một cuốn sách vô cùng thú vị và đặc sắc phác họa hình ảnh của một ông bố Việt trẻ hiện đại và đầy tình yêu thương.
- Kêu gọi, chia sẻ trên facebook cá nhân của mình chiến dịch “Bàn tay của bố” để lan tỏa mạnh mẽ hơn thông điệp ngọt ngào và ý nghĩa của chương trình.
Mọi thông tin về chiến dịch sẽ liên tục được cập nhật trên trang web http://waf.afamily.vn/
Chúng tôi luôn sẵn sàng đón nhận tất cả những chia sẻ bài viết, hình ảnh và thông tin của tất cả các bạn. |