Hành trình đoàn tụ kì diệu của người đàn ông bị bắt cóc lúc 3 tuổi, gặp lại bố mẹ sau 31 năm

Đ.L,
Chia sẻ

Về phần ông bà cụ, họ không chỉ đoàn tụ với người con thất lạc bấy lâu mà còn gặp con dâu và các cháu nội lần đầu tiên. Câu chuyện này đang được người dùng mạng Trung Quốc chia sẻ mạnh mẽ.

Anh Qin Yujie (tên khai sinh: Cheng Xueping) đã ôm chầm lấy bố mẹ và òa khóc trong giây phút gặp gỡ ở làng Chengjiawan thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Xung quanh họ là băng rôn "Chào mừng trở về nhà", tiếng pháo nổ và tiếng vỗ tay của hàng trăm hàng xóm đến chia vui.

"Con đã tìm cha mẹ suốt bao năm nay nhưng chẳng có lấy một dấu hiệu nào cả", Qin nói với ông bà Cheng Jiguang và Gao Lingzhen vào hôm thứ sáu 22/2. Về phần ông bà cụ, họ không chỉ đoàn tụ với con trai mà lần đầu tiên được biết đến con dâu và các cháu nội của mình. Trước hình ảnh đó, nhiều người không cầm được nước mắt.

Người đàn ông gặp lại bố mẹ sau 31 năm bị bắt cóc và lưu lạc

Năm 1988, khi mới 3 tuổi, Qin bị đánh ngất xỉu rồi đưa đi từ một công trường thuộc tỉnh Quý Châu. Bố mẹ Qin làm việc xây dựng tại đó, khi phát hiện con thất lạc đã dừng mọi thứ để tìm kiếm. Họ nghĩ con chỉ đi lạc đâu đó mà thôi, nhưng suốt nhiều năm sau vẫn không biết cụ thể chuyện gì đã xảy ra. Bậc cha mẹ lại dành dụm, mượn tiền từ họ hàng để phiêu bạt khắp nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc, hi vọng tìm thấy tung tích của con. Đáng tiếc, sau gần 30 năm mà mong ước đoàn tụ vẫn chưa thành.

Gần đây, ông Cheng và bà Gao quyết định nộp mẫu xét nghiệm ADN cho kho dữ liệu di truyền quốc gia. Đây là hồ sơ được cảnh sát thành lập để giúp đỡ nhân thân tìm lại các thành viên trong gia đình bị thất lạc.

Quyết định này tỏ ra hiệu quả bất ngờ. Ông bà cụ được cảnh sát thông báo, con trai họ hóa ra bị bắt cóc, bán đến một ngôi làng xa thuộc tỉnh Hà Bắc. Nhưng tạm thời vẫn chưa biết anh ta giờ sống ở đâu, dù gì cũng hơn 30 năm trôi qua rồi.

Hành trình đoàn tụ kì diệu của người đàn ông bị bắt cóc lúc 3 tuổi, gặp lại bố mẹ sau 31 năm - Ảnh 2.

Qin kể lại mình đã lớn lên ra sao ở tỉnh Hà Bắc, cách quê nhà Tứ Xuyên gần 1.800 cây số (Ảnh: AsiaWire)

Về phần Qin, anh lớn lên, cảm nhận rõ sự khác biệt về phong tục, thói quen so với các bạn đồng trang lứa ở địa phương. Dễ nhận thấy nhất là cách phát âm, giọng nói của Qin không giống người Hà Bắc. Anh luôn nhớ quê nhà và muốn tìm lại bố mẹ ruột của mình.

Năm 2018, Qin xét nghiệm ADN theo yêu cầu công việc, nhưng nó lại đem đến kết quả ngoài mong đợi. Cảnh sát Tứ Xuyên (quê nhà Qin) liên lạc cho biết, họ có thể đã tìm thấy bố mẹ ruột của anh.

Cảnh sát tiến hành lấy mẫu xét nghiệm của ông Cheng, bà Gao và anh Qin một lần nữa. Tháng 2/2019, kết quả đã có: họ đúng là có quan hệ máu mủ với nhau.

Gia đình ở Tứ Xuyên đoàn tụ sau 31 năm chia cắt (Ảnh: AsiaWire)

Theo SCMP, hành vi bắt cóc phụ nữ và trẻ em từ lâu là một vấn nạn nhức nhối ở Trung Quốc. Tháng 12/2018, dư luận nước này chấn động trước phiên tòa xét xử Zhang Weiping và Zhou Rongping vì liên quan đến 8 vụ bắt cóc và 9 vụ buôn người suốt từ năm 2003 - 2005. Tòa tuyên án tử hình 2 bị cáo sau gần 2 năm trải qua các phiên xét xử (2016 - 2018).

Trong khi đó, giới chức Trung Quốc cũng có nhiều biện pháp ngăn chặn tội phạm bắt cóc và giúp các gia đình đoàn tụ. Ví dụ như họ đã sử dụng ứng dụng cảnh báo trên mạng xã hội và thành lập kho dữ liệu ADN.

(Theo SCMP, Daily Mail)

Chia sẻ