Hành khách đi xe buýt, vận tải công cộng vào Hà Nội cần những thủ tục gì?
Hành khách đi xe phải có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên xe ô tô. Lái xe, nhân viên phục vụ trên xe phải được tiêm tối thiểu 1 mũi vaccine phòng COVID-19.
Sở GTVT Hà Nội vừa ban hành Văn bản số 4601/SGTVT-QLVT về việc tổ chức lại hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, taxi, xe công nghệ dưới 9 chỗ.
Văn bản do Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội Đào Việt Long ký cho biết, từ 6h ngày 14/10, thành phố cho phép vận tải hành khách công cộng hoạt động trở lại, trong đó xe buýt hoạt động với 50% biểu đồ chạy xe đã được Sở GTVT Hà Nội phê duyệt, phải tuân thủ các quy định.
Hành khách phải có “Thẻ xanh COVID” hoặc xét nghiệm âm tính
Đối với hành khách đi từ địa phương/khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao đến địa phương/khu vực có nguy cơ tương đương hoặc thấp hơn: Phải tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 (thẻ xanh trên Sổ Sức khoẻ điện tử/PC-COVID hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin của cơ quan có thẩm quyền cấp, liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày) hoặc đã khỏi bệnh COVID- 19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19);
Có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên xe ô tô;
Tuân thủ “Thông điệp 5K”; khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế (không tham gia chuyến đi khi có các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng…);
Trường hợp hành khách chưa đủ điều kiện tiêm chủng vắc xin theo quy định của Bộ Y tế khi đi cùng người thân trên chuyến xe phải đáp ứng quy định phòng dịch.
Với hành khách đi từ địa phương/khu vực có nguy cơ và bình thường mới đến địa phương/khu vực có nguy cơ cao hơn phải tuân thủ “Thông điệp 5K”; khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế (không tham gia chuyến đi khi có các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng…);
Có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên xe ô tô;
Thực hiện các biện pháp về phòng, chống dịch của Bộ Y tế và từng địa phương nơi đến.
Phải kê khai thông tin vào Danh sách hành khách đi xe theo hướng dẫn của lái xe hoặc nhân viên phục vụ trên xe; Khi ở trên phương tiện: Đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, hạn chế tiếp xúc.
Trong quá trình di chuyển từ bến xe, điểm đón, trả khách về nơi cư trú, lưu trú: tuân thủ “Thông điệp 5K”, sử dụng ứng dụng PC-COVID, hạn chế dừng và không tiếp xúc nơi đông người;
Kết thúc chuyến đi phải chủ động thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú, lưu trú;
Tự theo dõi sức khoẻ hoặc thực hiện cách ly tại nơi cư trú, lưu trú theo quy định của Bộ Y tế và cụ thể của từng địa phương về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 kể từ ngày về địa phương; tuân thủ “Thông điệp 5K”;
Trường hợp có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác... thì thông báo ngay cho cơ quan y tế để theo dõi và triển khai quy trình xử lý dịch bệnh theo quy định.
Lái xe, phục vụ trên xe buýt phải tiêm ít nhất 1 mũi vaccine
Theo quy định, các đơn vị vận tải taxi, xe công nghệ dưới 9 chỗ thông báo đến Sở GTVT Hà Nội về số lượng xe được phép hoạt động trên nguyên tắc không vượt quá 50% số xe đã được cấp phù hiệu còn hiệu lực và cam kết đảm bảo hoạt động đúng số lượng xe đã thông báo.
Tại văn bản này, Sở GTVT Hà Nội cũng yêu cầu đối với các đơn vị, tổ chức, cá nhân và phương tiện tham gia hoạt động vận tải thực hiện các quy định của Bộ Y tế, Bộ GTVT và thành phố Hà Nội.
Đơn vị kinh doanh vận tải xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 và phương án xử lý khi có trường hợp mắc COVID-19 theo quy định; chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt hoạt động của phương tiện, lái xe trong suốt quá trình vận chuyển.
Các đơn vị cần tăng cường kiểm tra, giám sát thông qua thiết bị giám sát hành trình, camera lắp trên xe ôtô kinh doanh vận tải; bảo đảm phương tiện, lái xe hoạt động theo đúng hành trình, đối tượng vận chuyển và tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; tổ chức vệ sinh, khử khuẩn phương tiện hằng ngày và sau mỗi chuyến đi.
Đáng chú ý, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe phải được tiêm tối thiểu 1 mũi vaccine phòng COVID-19, tuân thủ “Thông điệp 5K”; khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế; xét nghiệm SARS-CoV-2 (bằng PCR hoặc test kháng nguyên nhanh) khi có ho, sốt, khó thở hoặc có yếu tố dịch tễ liên quan; phải xét nghiệm SARS-CoV-2 hàng tuần (7 ngày/lần).
Nhà xe, xe buýt đảm bảo các quy định phòng dịch
Trên xe phải bố trí dung dịch sát khuẩn tay cho hành khách sử dụng, áp dụng các biện pháp thông gió tự nhiên phù hợp với từng loại hình phương tiện giao thông công cộng, yêu cầu hành khách đeo khẩu trang trong suốt quá trình di chuyển.
Nhà xe phải vệ sinh, khử khuẩn phương tiện hàng ngày và sau mỗi chuyến đi đối với các bề mặt tiếp xúc nhiều như bề mặt vô lăng lái, tay nắm cửa, ghế ngồi, cửa sổ, sàn phương tiện...
Đối với xe taxi, xe công nghệ dưới 9 chỗ, lái xe, người phục vụ trên xe phải lau chùi tay nắm cửa, ghế ngồi của xe sau mỗi lần hành khách lên, xuống xe bằng dung dịch sát khuẩn nhanh.
Cùng đó, lái xe từ chối vận chuyển đối với hành khách không thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định của Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải và các quy định hiện hành.
"Phương tiện vận tải phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định; lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, camera trên xe theo quy định tại Nghị định số 10 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Đơn vị cung cấp phần mềm chịu trách nhiệm tổ chức kiểm tra, giám sát, sàng lọc, quản lý lái xe đảm bảo các điều kiện theo đúng quy định", văn bản của Sở GTVT Hà Nội nêu.
Sở GTVT giao Thanh tra Sở GTVT tăng cường kiểm tra đối với hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe buýt, taxi, xe công nghệ dưới 9 chỗ trong hoạt động vận tải và công tác phòng, chống dịch COVID-19; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định về phòng, chống dịch bệnh, trật tự an toàn giao thông./.