Hàng xóm hỏi: “Bố mẹ đã sắm quần áo Tết cho cháu chưa?”, bé gái 6 tuổi bỗng bật khóc nức nở rồi nói một câu khiến mẹ ngượng đỏ mặt
Bà mẹ không ngờ, câu nói đơn giản mọi khi của mình lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của con như vậy.
Chị Vương (Trung Quốc) có cô con gái nhỏ 6 tuổi tên Mimi (nick name). Dù hoàn cảnh gia đình không hề khó khăn, thuộc dạng có của ăn của để nhưng chị Vương thường hay nói dối con "nhà mình nghèo lắm", "bố mẹ không có tiền" mỗi khi Mimi muốn xin mẹ mua cho thứ gì đó.
Chị Vương làm vậy để Mimi không có tính mè nheo, vòi vĩnh bố mẹ. Quả thật sau mỗi lần nghe câu "nhà mình không có tiền", Mimi liền lập tức im lặng và không đòi hỏi thêm. Dần dần, Mimi không còn xin bố mẹ mua cho đồ chơi mới. Mỗi khi đi qua cửa hàng bách hóa, cô bé cũng chỉ liếc nhìn búp bê, váy áo rồi lại nhanh chóng quay mặt đi chỗ khác.
Kỳ nghỉ Tết sắp tới, vì bận rộn công việc nên chị Vương chưa kịp dẫn con đi mua sắm quần áo mới. Kỳ lạ là con gái chị cũng không hề hối thúc mẹ.
Cuối tuần trước, Mimi sang nhà hàng xóm chơi. Hàng xóm rất quý đứa bé, cho bánh kẹo và hỏi han: "Mimi ngoan quá. Bố mẹ đã sắm quần áo Tết cho cháu chưa?". Vừa nghe xong câu hỏi, cô bé liền bật khóc nức nở rồi mếu máo trả lời: "Nhà cháu không có tiền. Bố mẹ cháu nghèo lắm. Cháu không cần quần áo mới, sẽ rất tốn kém".
Câu nói của Mimi khiến chị Vương ngượng đỏ mặt. Chị không ngờ con gái còn nhỏ tuổi nhưng lại có suy nghĩ già dặn như vậy. Hóa ra thời gian qua, Mimi không dám đòi hỏi bố mẹ điều gì là bởi ám ảnh bởi suy nghĩ "nhà không có tiền". Chị Vương không ngờ rằng, một câu nói đơn giản lại khiến con âu lo và bị tổn thương tâm lý đến như vậy.
Không chỉ chị Vương mà nhiều bậc cha mẹ khác cũng thường nói câu "nhà không có tiền" mỗi khi con đòi hỏi 1 món gì đó vượt khả năng chi trả. Hoặc đơn giản bố mẹ chỉ muốn con không có tính vòi vĩnh. Khi nói câu này, người lớn có thể không suy nghĩ nhiều nhưng trẻ lại lắng nghe và chịu ảnh hưởng không hề nhỏ.
Trẻ lo lắng và bị trưởng thành quá sớm
Chia sẻ quá đà về chuyện tiền bạc và chia sẻ theo cách tiêu cực có thể khiến con trẻ lo lắng, có suy nghĩ già dặn hơn so với độ tuổi. Con luôn nghĩ đến việc bố mẹ không có tiền và chẳng dám đòi hỏi gì, sống khép mình hơn. Trong khi đó, gánh nặng tài chính gia đình chưa bao giờ là vấn đề mà con nhỏ nên chịu.
Trẻ tự ti, cảm thấy thấp kém
Suy nghĩ nhà nghèo có thể khiến con cảm thấy tự ti, thua thiệt với bạn bè. Con sẽ nhút nhát, không dám chủ động kết bạn, không dám thể hiện bản thân trong một tập thể mới. Thậm chí nhiều đứa trẻ còn cảm thấy thấp kém khi so sánh với những người khác. Một khi đã bị ám ảnh tâm lý, con sẽ khó mà thoát khỏi những cảm xúc tiêu cực.
Chính vì những điều này, bố mẹ đừng bao giờ nói những câu "bố mẹ không có tiền" hay "nhà mình rất nghèo" với con. Thay vào đó, bố mẹ cần dạy con cách chi tiêu hợp lý, có kế hoạch để giúp con học được tính tiết kiệm.