Hàng trăm người vô gia cư ngồi co ro trên vỉa hè đêm 29 Tết và sự nồng ấm của người Sài Gòn
Tối 29 Tết, đường phố Sài Gòn rộn ràng sắc xuân khi người dân tất bật trang trí nhà cửa, mua sắm đồ đạc, hoa kiểng để đón năm mới thì vẫn còn đó những phận đời bất hạnh, không nhà cửa và đã lâu rồi, họ chẳng được ăn một cái Tết đàng hoàng.
Mỗi dịp Tết đến, với mọi người, từ cô chú công nhân đến học sinh, sinh viên, người làm ăn xa đều có một nơi để về đón Tết, sum vầy bên nhau. Thế nhưng những người vô gia cư, họ chẳng có nhà cửa để về. Với họ, khi nhiều quán xá Sài Gòn đóng cửa, mái hiên, vỉa hè là nhà, là nơi để họ nghỉ ngơi sau một ngày vất vả kiếm sống.
Một người phụ nữ ôm con ngồi co ro giữa góc đường Phan Đăng Lưu.
Với nhiều người vô gia cư, những ngày cận Tết là dịp để họ có được những món quà từ sự nồng ấm của Sài Gòn.
22h tối 29 Tết, trên những tuyến đường chính ở trung tâm TP.HCM, số lượng người vô gia cư có vẻ đông hơn mọi khi, ai nấy đều co ro trong cái se se lạnh của tiết trời ngày cận Tết để chờ đợi sự hào phóng, nghĩa tình của người Sài Gòn.
Hàng ngày, để có tiền trang trải cuộc sống, những người vô gia cư thường đi lượm ve chai, bán vé số để sống. Người nào may mắn, thuê được chỗ trọ giá rẻ, rủ năm bảy người ở cùng để đỡ đần nhau, còn cũng có người đã quen với lề đường, góc chợ mỗi khi đêm xuống. Đối với họ, Tết là một khái niệm xa vời.
Không có nhà để về, vỉa hè là nơi trú ngụ của rất nhiều người.
Một hộp cơm được san sẻ cho nhau giữa những người khốn khổ.
Ngôi nhà di động, chất đầy đồ đạc của một người vô gia cư.
"Mấy năm rồi bà không có về quê ăn Tết, bà đi nhặt ve chai, Tết người ta bỏ nhiều lắm. Năm nào trước Tết cũng được mọi người đem gạo mì, bánh kẹo và tiền lì xì đến cho, mừng lắm con ơi", bà Xuân (lượm ve chai) nghẹn lời.
Còn với cả gia đình của chị Loan khi dẫn cả 2 đứa nhỏ ra ngồi co ro vỉa hè để chờ đợi những món quà Tết, chị cho biết chẳng ai mong muốn phải ôm con ra ngoài đường ngồi trong đêm lạnh như thế cả. Nhưng cũng vì hoàn cảnh khó khăn, nỗi ám ảnh mỗi khi con cái khóc thét vì đói bụng buộc chị phải đưa con ngồi vỉa hè trước Tết.
Niềm vui từ chính sự sẻ chia, nghĩa tình của Sài Gòn.
Em bé ngủ thiếp, co ro trong cái se se của tiết trời ngày cận Tết.
Một cụ bà chợp mắt ở góc đường Hai Bà Trưng.
Dáng vẻ gầy gò, khuôn mặt khắc khổ, một người đàn ông lớn tuổi nằm co ro trên "căn nhà" di động của mình từ chiếc ba gác cũ rồi ngủ thiếp đi. Đêm càng về khuya, một số người vô gia cư đã ngon giấc, một số khác vẫn ngắm nhìn ánh đèn điện của Sài Gòn hoa lệ và nghĩ về cái Tết xa quê. Nhiều nhóm tình nguyện, người dân đi rải rác khắp các tuyến đường để gởi tặng những người vô gia cư quần áo, bánh kẹo và những phong bao lì xì trước Tết.
"10 năm rồi, cô có biết Tết là gì đâu. Tết chỉ mong có được ngày ba bữa cơm no thôi. Qua nay ở đây mọi người cho quà cũng nhiều lắm, có cả bánh kẹo để ăn Tết luôn rồi", cô Trâm xúc động nói.
Nhiều người ngồi và chờ đợi những món quà trong năm mới.
Không có nhà để về, tấm bạt trải tạm bợ trên vỉa hè Sài Gòn là nơi ngủ của rất nhiều người.
Đêm càng về khuya, những người vô gia cư ngủ thiếp đi trong mệt mỏi.
Có lẽ, với những người vô gia cư, Tết đến, họ chỉ mong cơm ngày ba bữa được đủ no, có được manh áo ấm để mặc. Chẳng cần phải mua sắm, quà cáp sang trọng, điều ý nghĩa mà họ nhận được chính là từ tấm lòng biết yêu thương, san sẻ của mọi người dành cho nhau. Đôi khi, chỉ là một bát cháo trắng hay ổ bánh mì trong những ngày cận Tết cũng khiến người khác ấm lòng.
Những món quà nghĩa tình, sẻ chia nhau.
Nhiều người vô gia cư vui mừng khi nhận được những món quà Tết.
Một hộp bánh mứt cũng đủ để người vô gia cư cảm thấy ấm lòng.
Thêm một manh áo ấm cho cụ bà giữa đêm lạnh.
Những lượt người cứ đến và đi nhưng chính cái cách mà người Sài Gòn luôn nồng hậu, sẻ chia với nhau. Niềm vui hiện rõ lên khuôn mặt của người cho lẫn người nhận giữa đêm 29 Tết như chính sự nồng ấm từ trong tâm hồn của người dân Sài Gòn.
Chiếc xe chở đầy ve chai vẫn nặng trĩu nhọc nhằn của những người lao động nghèo.
Ai lại không muốn về nhà, nhưng với nhiều người điều đó là không thể.
Nụ cười ấm áp, vui vẻ nói chuyện lẫn nhau.
Hi vọng sang năm mới, những người vô gia cư sẽ có được cuộc sống tốt đẹp hơn.