Hàng trăm giáo viên bị “cắt” hợp đồng, “về vườn”… chăn vịt trước kỳ tuyển viên chức
Trong khi sở Nội vụ Hà Nội cho biết đang triển khai, rà soát chỉ tiêu, nhu cầu tuyển dụng để thực hiện việc xét tuyển đặc cách giáo viên hợp đồng, hàng trăm giáo viên “đột ngột” bị cho “về vườn” trước kỳ xét tuyển viên chức, đang cảm thấy thất vọng và thiệt thòi.
“Về vườn” chăn vịt trước kỳ xét tuyển
Chiều 10/12 tại hội nghị giao ban báo chí thành uỷ, sở Nội vụ Hà Nội đã thông tin cho báo chí về kế hoạch xét tuyển đặc cách giáo viên hợp đồng. Tuy nhiên, hàng trăm giáo viên đã bị “về vườn” ngay trước khi diễn ra kỳ thi tuyển viên chức, đang cảm thấy thất vọng, thiệt thòi sau hàng chục năm cống hiến với nghề.
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Thanh, từng là giáo viên hợp đồng môn Ngữ Văn tại trường THCS Minh Quang, Ba Vì, Hà Nội với hơn 18 năm giảng dạy chia sẻ: “Gần 20 năm gắn bó với nghề dù đồng lương ít ỏi, những tưởng sẽ có một hy vọng nào đó. Vậy mà, đùng một cái, chúng tôi bị chấm dứt hợp đồng hàng loạt từ 31/8/2019.
Giáo viên nữ như tôi, lại sinh sống ở vùng thuần nông, tuổi không còn trẻ, có xin vào làm công nhân tại các khu công nghiệp cũng không được nhận, không dễ kiếm hợp đồng để kiếm thêm thu nhập. Từ lúc bị chấm dứt hợp đồng, tôi chỉ biết trở về làm nông, chăn gà chăn vịt để phụ chồng cáng đáng gia đình”.
“Từ sau khi ra trường năm 1999 đến nay cũng gần 20 năm, khi có một vài đợt thi tuyển viên chức, tôi cũng đã đăng ký tham gia, nhưng có đợt do không có chỉ tiêu Ngữ văn nên tôi cũng không được xét. Đợt thi tuyển vừa qua, huyện Ba Vì không có chỉ tiêu nên tôi đăng ký thi ở huyện Quốc Oai, nhưng cũng không đỗ vì thiếu điểm môn Tiếng Anh. Hàng chục năm ra trường, chúng tôi tập trung chuyên môn, không có thời gian để ôn luyện ngoại ngữ. Thế là trượt!
Đến khi Bộ Chính trị cho phép xét tuyển đặc cách thì chúng tôi lại bị chấm dứt hợp đồng. Theo nghề gần 20 năm, cống hiến hết cả thanh xuân, tâm huyết chỉ vì yêu nghề mà mình đã chọn, đến bây giờ, thực sự quá thất vọng!”, cô Thanh bày tỏ.
Một trường hợp khác tại huyện Ba Vì, thầy Phùng Đức Tăng, từng là giáo viên hợp đồng dạy Toán - Tin tại trường THCS Phú Sơn, cũng đã phải chạy theo rất nhiều nghề lao động chân tay sau khi bị “cắt” hợp đồng.
Chia sẻ về cuộc sống hiện tại, thầy Tăng cho biết, thầy đang phụ việc nhôm kính để có thu nhập: “Huyện Ba Vì chúng tôi có 341 giáo viên hợp đồng thì chỉ có hơn 100 giáo viên mầm non được giữ lại, còn hơn 200 giáo viên bậc tiểu học và THCS đều ngậm ngùi rời bục giảng khi bị “cắt” hợp đồng.
Trong đó, chỉ có một số ít các thầy cô được các trường mời dạy thỉnh giảng, còn như chúng tôi, hoàn toàn thất nghiệp, chỉ còn biết “chạy đua” với đủ nghề bên ngoài, ai thuê gì thì làm đó, từ sửa điện nước, đến làm nhôm kính, hàn xì… để trang trải cuộc sống. Mà đây cũng đâu phải nghề mà tôi được học hỏi gì từ trước, đang từ cầm phấn chuyển sang tay ngang, cầm cờ lê, tua vít… nhưng vẫn phải cố gắng”.
Sau một hồi trầm ngâm, thầy Tăng băn khoăn: “Dành gần 20 năm thanh xuân để truyền đạt kiến thức cho học sinh, cũng chỉ vì yêu nghề, vậy mà bây giờ chúng tôi đột ngột trở thành giáo viên… “mất dạy”.
Bây giờ còn có chút sức khỏe, vài năm nữa, khi không còn đủ sức “đánh đu” với mấy nghề lao động chân tay, thì tôi biết làm gì để nuôi gia đình?!”.
Thỉnh giảng 50.000 đồng/buổi
Sau khi bị chấm dứt hợp đồng, có một số thầy cô được tiếp tục đứng trên bục giảng với hình thức thỉnh giảng.
Nhắc đến chuyện này, giọng thầy Nguyễn Viết Tiến, từng là giáo viên hợp đồng dạy Toán tại trường THCS Xuân Sơn, Sơn Tây, Hà Nội như nghẹn lại: “Trong suốt quá trình công tác đến nay đã được 17 năm, tôi không được tăng lương và không được hưởng bất kỳ phụ cấp hay chế độ ưu đãi gì. Tôi là giáo viên dạy giỏi và được phân công luyện thi cho đội tuyển học sinh giỏi của trường THCS Xuân Sơn.
Hiện nay, sau khi bị cắt hợp đồng, tôi lại được trường mời thỉnh giảng ngay tại chính ngôi trường đã gắn bó hàng chục năm qua. Tôi đang dạy hai lớp Toán, trong đó có một lớp vốn đang ôn thi học sinh giỏi thị xã”.
Được biết, thầy Tiến đang thỉnh giảng tại trường 12 tiết/tuần, mỗi tiết thầy nhận được 50.000 đồng và phải tự đóng bảo hiểm.
Cô giáo Lê Thị Thu Hằng, một giáo viên THCS tại huyện Ba Vì cũng thỉnh giảng 10 tiết/tuần môn Tiếng Anh tại trường, sau suốt 18 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục.
“Thật sự chua xót khi phải thỉnh giảng và đếm từng tiết dạy mỗi tuần tại chính ngôi trường mà mình đã gắn bó suốt gần 20 năm. Nhưng chúng tôi vẫn còn chấp nhận, bởi chúng tôi quá yêu nghề, mến trẻ. Và cũng có thể, chúng tôi đang mong đợi một tia hy vọng nào đó từ phía các cấp lãnh đạo, để những giáo viên đã cống hiến thanh xuân như chúng tôi không bị thiệt thòi”, thầy Tiến nhấn mạnh.
Hà Nội xét tuyển chỉ tiêu ra sao?
Bên cạnh băn khoăn về việc hàng trăm giáo viên bị chấm dứt hợp đồng, nhiều giáo viên cũng thắc mắc, thành phố có bổ sung chỉ tiêu xét tuyển để đảm bảo quyền lợi cho giáo viên hợp đồng sau kỳ thi tuyển hay không?
Thầy Nguyễn Viết Tiến cho biết, thầy được UBND thị xã Sơn Tây ký hợp đồng giảng dạy tại trường THCS Xuân Sơn từ ngày 1/9/2002 đến 31/12/2012 (mức lương 1,0 của lương cơ bản). Từ 1/1/2013 đến nay (mức lương 2,1 của lương cơ bản) và được đóng bảo hiểm xã hội từ 1/1/2006. Đến ngày 31/5/2019 thì thầy bị trường chấm dứt hợp đồng, sau 17 năm công tác.
Liên quan số phận của giáo viên hợp đồng, thầy Nguyễn Viết Tiến đại diện cho 94 giáo viên hợp đồng của thị xã Sơn Tây (trong đó, có 53 giáo viên tiểu học và THCS đã bị chấm dứt hợp đồng) không giấu nổi sự phiền não: “Chúng tôi đã đấu tranh cùng giáo viên hợp đồng huyện Sóc Sơn và các huyện khác từ tháng 4/2019 đến nay.
Nếu bây giờ cho xét tuyển đặc cách thì chúng tôi vô cùng thắc mắc hai vấn đề. Thứ nhất, một số giáo viên đã bị chấm dứt hợp đồng trước kỳ thi tuyển thì liệu có được xét tuyển không? Giáo viên ở Sơn Tây chúng tôi ký hợp đồng năm một và được đóng bảo hiểm từ năm 2006, ai nấy đều hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ được giao. Do đơn vị sử dựng lao động hợp đồng đơn phương chấm dứt hợp đồng. Chúng tôi rất mong có tiêu chí tháo gỡ để giáo viên hợp đồng không khỏi thấp thỏm, lo âu và quyền lợi không bị thiệt thòi.
Thứ hai, chỉ tiêu vị trí việc làm, theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, xét tuyển xong còn thiếu thì mới thi tuyển, nhưng Hà Nội lại cho thi xong rồi mới xét đặc cách. Vậy, sau khi thi tuyển hầu hết các quận, huyện, thị xã đều hết chỉ tiêu vị trí việc làm thì thành phố sẽ bổ sung chỉ tiêu vị trí việc làm như thế nào để xét đặc cách chúng tôi vào viên chức giáo dục của thị xã Sơn Tây?”.
“TP. Hà Nội hẹn sẽ xét tuyển đặc cách đến quý I/2020 nghĩa là gần hết năm học mới xét, mà trong gần cả năm học, các giáo viên hợp đồng thị xã Sơn Tây và giáo viên hợp đồng huyện Ba Vì đã bị đơn phương chấm dứt hợp đồng trong khi hàng năm chúng tôi vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ hoặc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Tôi nghĩ giáo viên hợp đồng chúng tôi đã thiệt thòi quá nhiều rồi vậy mong TP. Hà Nội có cơ chế riêng xét đặc cách hết số giáo viên hợp đồng đủ điều kiện theo tiêu chí tính theo giáo viên đang giảng dạy tại các trường công lập năm học 2018-2019 để chúng tôi không bị thiệt thòi”, thầy Tiến cũng bày tỏ.
Sau hàng chục năm “trồng người”, những người thầy, người cô ấy trở thành thất nghiệp, từng ngày đang phải “vật lộn” với cuộc sống thật khó khăn và chờ đợi có một tia hy vọng để nối duyên với nghề.