Hàng trăm công nhân Bình Dương nhập viện sau khi hít phải thuốc diệt mối, mọt: Hóa chất diệt côn trùng nguy hiểm thế nào?
Gần 200 công nhân ở Bình Dương liên tiếp nhập viện sau khi hít phải thuốc diệt mối, mọt của công ty. Vậy nguy cơ ngộ độc khi tiếp xúc với chất diệt côn trùng thường ngày là lớn thế nào?
Trong ngày 12/8, liên tiếp có hàng chục công nhân tại công ty TNHH MTV Grand Woood (xã Hội Nghĩa, thị xã Tân Uyên, Bình Dương) phải nhập viện cấp cứu sau khi đến nơi làm việc vì các triệu chứng chóng mặt, buồn nôn, khó thở.
Hàng trăm người nhập viện sau khi hít hóa chất diệt mối, mọt
Họ cho biết đã hít phải mùi của hóa chất. Phía công ty sản xuất gỗ cho biết, nơi này vừa thuê người phun thuốc diệt mối vào ngày 11/8.
Đến ngày 13/8, công ty này vẫn để công nhân đi làm. Hậu quả là thêm hàng trăm trường hợp phải vào viện. Tổng cộng, có 161 bệnh nhân từ công ty được đưa đến Trung tâm y tế Thị xã Tân Uyên.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, cơ quan chức năng đã có buổi làm việc và kiểm tra công ty trên.
Công nhân điều trị tại Trung tâm y tế Tân Uyên. (Ảnh: L.A)
Điều đáng nói là dù ngày đầu tiên đã có nhiều trường hợp nhập viện nhưng phía công ty vẫn tiếp tục để công nhân đến làm việc khiến hậu quả nặng nề hơn. Phải chăng có sự chủ quan và chưa nhận thức rõ mức độ nguy hiểm của việc ngộ độc thuốc diệt côn trùng. Và thuốc diệt côn trùng bình thường giống hay khác thuốc diệt mối mọt?
Bác sĩ Lê Thiên Lam, làm việc tại một cơ sở y tế công lập tại quận 9 (TP.HCM) chia sẻ, hầu như thuốc diệt côn trùng dành cho côn trùng có cánh, bay hoặc sống đậu trên tường dưới sàn (trên bề mặt).
Do đó, tác dụng của thuốc diệt côn trùng bình thường rất ngắn. Chỉ trong 30 phút đến 2 giờ thì người dân có thể hoạt động sinh hoạt trở lại.
Nhưng thuốc diệt mối thì là thuốc ngấm vào bên trong gỗ nên tàng trữ nhiều hóa chất hơn, nồng độ và liều lượng cao hơn. Hóa chất này ít hòa tan trong nước, kết dính tốt vào đất và bền vững trong môi trường có pH, chất hữu cơ và loại đất khác nhau, dạng nhũ dầu.
Theo bác sĩ Lam, hiện có 9 loại hóa chất diệt côn trùng đang được sử dụng tại các cơ sở y tế gồm: Permethrin 3 loại, Deltamethrin 2 loại, Cypermethrin và Lambdacyhalothrin có 1 loại.
Một số loại hóa chất diệt côn trùng được Bộ Y tế cấp phép.
100% hóa chất đều được cấp, có số đăng ký lưu hành và còn hạn sử dụng. Có 3 loại hóa chất là Permethrin, Delta UK 2,5 EW và Fendona 10 SC được các cơ sở y tế tự mua thêm.
"Hầu hết thuốc diệt mối không độc khi thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, đúng liều lượng, đúng loại thuốc được kiểm định.
Tuy nhiên việc sử dụng thuốc diệt côn trùng một cách tràn lan, không hướng dẫn không liều lượng tạo ra một mối nguy hiểm tiềm ẩn. Khi con người hít phải các thuốc diệt côn trùng có liều lượng hóa chất cao sẽ tác động lên hệ thần kinh gây đau đầu, chóng mặt.
Nếu để ảnh hưởng kéo dài còn dẫn đến suy hô hấp, tăng nhịp tim, lâu dần sẽ gây ung thư. Ngoài ra nếu để thuốc diệt côn trùng dính lên thức ăn, nguồn nước, đặc biệt là các thuốc có tác dụng mạnh có thể gây ngộ độc.
Những tác hại không ngờ tới như khi phun thuốc, hóa chất còn tàn dư lại trong không khí, nước, môi trường sẽ gây ô nhiễm và để lại ảnh hưởng lâu dài" - bác sĩ phân tích.
Triệu chứng của ngộ độc hóa chất diệt côn trùng và cách xử lý
Các bác sĩ cho biết, độc từ hóa chất diệt mối mọt, côn trùng có thể gây suy hô hấp qua các cơ chế ức chế thần kinh trung ương gây thở chậm hoặc thậm chí ngừng thở.
Da bệnh nhân bị kích thích, cảm giác bỏng rát, toát mồ hôi nhiều, sạm da. Mắt ngứa và cũng có cảm giác bỏng rát, chảy nước mắt, nhìn mờ, co hoặc giãn đồng tử.
Những tác hại không ngờ tới như khi phun thuốc, hóa chất còn tàn dư lại trong không khí, nước, môi trường sẽ gây ô nhiễm và để lại ảnh hưởng lâu dài.
Miệng và họng tiết nước bọt nhiều, bỏng rát, nôn mửa, đau bụng và tiêu chảy. Bệnh nhân sẽ nhức đầu, chóng mặt, co giật, choáng váng, nói líu lưỡi, không có ý thức, ho nhiều, tức ngực, khó thở và thở khò khè.
Phát hiện các triệu chứng trên, bệnh nhân cần được đưa ra khỏi vùng nguy hiểm đến nơi thoáng khí rồi chuyển vào viện ngay.
Việc can thiệp, xử trí cho bệnh nhân trong tình huống này nhằm khai thông đường thở, bảo đảm thông khí, thở oxy để bảo đảm tình trạng oxy hóa máu.
Nếu chất độc bắn vào mắt, bệnh nhân cần rửa mắt liên tục 15 phút bằng dòng nước muối 0,9% chảy liên tục trước khi khám chuyên khoa mắt.
Trong trường hợp quá nặng, bệnh nhân đã ngưng thở cần hô hấp nhân tạo.