Hàng nghìn người dân đổ về lễ hội đua bò lớn nhất miền Tây

BỬU NGỌC,
Chia sẻ

Hội đua bò là một trong những lễ hội độc đáo của dân tộc Khmer ở vùng đất Thất Sơn trong dịp Tết Dolta hàng năm. Lễ hội có ý nghĩa tinh thần sâu sắc, mang đến sự may mắn trong hoạt động nông nghiệp địa phương.

Từ sáng sớm 21/9, hàng nghìn người bao gồm đồng bào Khmer và người dân từ các tỉnh thành lân cận đã có mặt quanh những thửa ruộng phía sau chùa Rô (xã An Cư, huyện Tịnh Biên) để xem hội đua bò, cấy mạ. Đây là lễ hội truyền thống dịp Tết Sene Dolta (Lễ cúng ông bà), thường được đồng bào người Khmer vùng Thất Sơn (Bảy Núi) tổ chức vào khoảng 29/8 - 1/9 Âm lịch hàng năm.

Năm nay, sư Cả chùa Rô Ta Nhu Chas Cach mời 24 đội đua từ các xã thuộc huyện Tịnh Biên và Tri Tôn về tham dự. Các đôi "bò chiến" được đeo số thứ tự, đứng theo hàng chuẩn bị ra thi đấu. 

Hàng ngàn người dân đổ về lễ hội đua bò lớn nhất miền Tây  - Ảnh 1.

Lễ hội đua bò là một trong những lễ hội độc đáo của dân tộc Khmer vào dịp lễ Sene Dolta hàng năm ở An Giang.

Với người dân Khmer địa phương, Hội đua bò chùa Rô đã trở thành sự kiện văn hóa đặc sắc trước ngày lễ Sen Dolta thiêng liêng. Bởi thế, già trẻ, trai gái đều muốn đến với hội đua bò để hò reo, cổ vũ cho các "nài bò" giành chiến thắng.

Có mặt từ sáng sớm, Sư Cả chùa Rô Chau Sóc Khonl cho biết: Đây là lễ hội truyền thống của chùa đã được duy trì nhiều năm nay. Năm nào, vào dịp lễ Sene Dolta nhà chùa cũng phối hợp cùng UBND huyện Tịnh Biên để tổ chức sân chơi truyền thống, lành mạnh, bổ ích cho bà con phật tử. Lễ hội còn có ý nghĩa tái hiện độc đáo nguồn gốc lịch sử của bộ môn đua bò, vốn được hình thành từ những nông dân Khmer xưa đi cày ruộng công đức cho các chùa.

Năm nay, huyện Tri Tôn đăng cai với sự tham gia của 64 đôi bò trong tỉnh An Giang và các địa phương lân cận. 

Hàng ngàn người dân đổ về lễ hội đua bò lớn nhất miền Tây  - Ảnh 2.

Bò đua được các huyện, thành trên địa bàn tỉnh An Giang lựa chọn kỹ lưỡng.

Hàng ngàn người dân đổ về lễ hội đua bò lớn nhất miền Tây  - Ảnh 3.

Các đôi bò được rèn luyện, tập dượt từ trước.

Sân đua là một khoảng ruộng rộng, được người dân địa phương nạo sâu xuống khoảng 10cm và phải bơm nước ngập từ 5 đến 10cm.

Bò đua theo từng đôi một, "nài bò" (là người điều khiển cặp bò) đứng trên dàn bừa cầm xalul (roi) thúc vào bò để điều khiển vận tốc của chúng. 

Theo quy định, trong quá trình đua, các cặp bò hay nài bò lệch khỏi đường đua sẽ bị loại. Các cặp bò về đích sẽ lần lượt vào vòng chung kết đua cùng với các cặp khác cho đến khi chỉ còn duy nhất 1 cặp bò dành chiến thắng.

Trên sân đua, các đôi bò khá sung sức, đều là những cặp bò được các địa phương lân cận tuyển chọn, có sức khoẻ, được chăm sóc công phu, kỹ lưỡng. 

Hàng ngàn người dân đổ về lễ hội đua bò lớn nhất miền Tây  - Ảnh 4.

Các đôi bò càng sung sức, người xem càng hăng hái. Trên nền nhạc dân tộc, tiếng hét của những "nài bò", cộng thêm tiếng cổ vũ thất thanh của những người xem hoà vào nhau tạo nên một không khí lễ hội hiếm có trong năm.

Hàng ngàn người dân đổ về lễ hội đua bò lớn nhất miền Tây  - Ảnh 5.

Lễ hội cũng thu hút hàng nghìn người dân, nhiếp ảnh gia ở các địa phương lân cận tìm đến săn ảnh.

Hàng ngàn người dân đổ về lễ hội đua bò lớn nhất miền Tây  - Ảnh 6.

Người dân tập trung về lễ hội đua bò trong dịp Tết Dolta của đồng bào Khmer. Ảnh: Tien Dinh

Theo quan niệm của đồng bào Khmer, đôi bò của xã nào thắng giải cao sẽ mang đến cho xã đó nhiều may mắn và báo hiệu có một vụ mùa bội thu. Người sở hữu đôi bò sẽ không bán hay thịt mà giữ lại nó như một tài sản quý của gia đình và cả xã. 

Theo đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang cho biết, lễ Sel Dolta là một trong những lễ hội lớn của đồng bào Khmer ở miền Tây, là thời điểm người Khmer chuẩn bị cho vụ lúa mới. Riêng phần hội đặc biệt sôi nổi và mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống dân gian của cư dân nông nghiệp lúa nước.

Đây cũng là lúc người Khmer chuẩn bị cho vụ lúa mới. Xét về mặt lịch sử, môn thi đấu này đã tồn tại hàng trăm năm, với lòng biết ơn thiên nhiên, vật nuôi đã góp phần làm nên vụ mùa bội thu, cuộc sống ấm no hơn.

Chia sẻ