Hàng nghìn người dân chen chân xem diễu hành đường phố mừng Tết Nguyên tiêu, lâu lắm rồi TP.HCM mới vui đến thế!

ĐẶNG TUYẾT,
Chia sẻ

Sau 2 năm tạm ngừng vì dịch COVID-19, hôm nay (15-2) Lễ hội Tết Nguyên tiêu chính thức diễn ra. Đây là sự kiện văn hóa đầu tiên sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 được Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM tổ chức.

Hàng nghìn người dân chen chân xem diễu hành đường phố mừng Tết Nguyên tiêu, lâu lắm rồi TP.HCM mới vui đến thế! - Ảnh 1.

Toàn cảnh đường phố TP.HCM ngày Tết Nguyên tiêu

Từ rất sớm dọc hai bên đường Trần Hưng Đạo và Nguyễn Trãi (quận 5, TP.HCM) rất đông người dân đã có mặt để đợi đoàn diễu hành nghệ thuật đường phố, đây là tiết mục được trông chờ nhất trong ngày Lễ này.

Chị La Ân Đồng 4 năm du học bên Canada chưa có dịp ăn mừng ngày Lễ Tết Nguyên tiêu, năm nay chị Đồng rất vui vì cả nhà cùng quây quần bên nhau đón đêm trăng tròn đầu tiên của năm mới, cầu cho một năm bình an, khỏe mạnh, phát tài phát lộc.

“Đây là lần đầu tiên, mình rất vui vì cùng cả nhà đón chờ lễ diễu hành. Rất là lâu rồi mình mới thấy cảnh náo nhiệt như hôm nay. Rất là vui và hạnh phúc bên gia đình, mong sao ai cũng có sức khỏe tốt và bên gia đình… mình rất may mắn khi được còn gần gia đình”, chị Đồng nói.

Hàng nghìn người dân chen chân xem diễu hành đường phố mừng Tết Nguyên tiêu, lâu lắm rồi TP.HCM mới vui đến thế! - Ảnh 2.

Đoàn diễu hành nổi bật với bức tượng Bác Hồ

Hòa chung niềm vui đón chờ ngày Lễ lớn nhất trong năm của cộng đồng người Hoa, cô Nghiêm Vĩnh Trân (quận 5, TP.HCM) chia sẻ: "Ngày này rất lớn, mọi năm mình vẫn ra đây xem rồi quay phim lại cho người thân xem. Năm ngoái thì không có, năm nay có lại cô rất vui và hào hứng lắm. Lễ này tháng riêng là rằm lớn á… như Tết vậy á, rất ý nghĩa với người Hoa mình".

Theo đó, mở đầu của đoàn diễu hành gần 1.000 người của hơn 20 Hội - Đoàn người Hoa, với chương trình diễu hành nghệ thuật, với lộ trình: Hải Thượng Lãn Ông - Châu Văn Liêm - Lão Tử - Lương Nhữ Học - Nguyễn Trãi - Trần Xuân Hòa - Trung tâm Văn hóa quận 5.

Mỗi tuyến đường đều phân bổ lực lượng công an, CSGT, dân quân điều tiết giao thông và đảm bảo trật tự. Càng về gần tối, người dân đổ ra hai bên đường gần trung tâm văn hóa quận 5 càng đông. 

Đường phố TP.HCM lâu lắm rồi mới rộn ràng đến vậy

Chị Huỳnh Tuyết Hồng (quận 5, TP.HCM) cho hay: "Chị rất vui và hào hứng, nôn nao lắm để đón lễ hội này… Cả gia đình sợ không chen chân nổi để xem biểu diễn nên tranh thủ có mặt từ sớm, nãy giờ mình chờ cả tiếng rồi đó. Năm trước không tổ chức mình hụt hẫng lắm, năm nay tổ chức lại mình vui lắm… Ngày lễ này mở đầu cho một năm được may mắn và thành công".

Cả trẻ em và người lớn đều vô cùng háo hức

Lễ hội Tết Nguyên tiêu được tổ chức từ năm 1990 tại quận 5, TP.HCM nơi tập trung đông người Hoa sinh sống, với quy mô rất lớn. Từ năm 2000, Lễ hội Tết Nguyên tiêu được đưa vào danh mục các Lễ hội của TP.HCM. Cuối năm 2019, Lễ hội Tết Nguyên tiêu của người Hoa ở quận 5 được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Vào tháng 1-2020, "Tập quán xã hội và tín ngưỡng Tết Nguyên tiêu của người Hoa quận 5, TP Hồ Chí Minh" được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch trao bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

"Tập quán xã hội và tín ngưỡng Tết Nguyên tiêu của người Hoa quận 5, TP Hồ Chí Minh" được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch trao bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

"Nguyên tiêu" có nghĩa là đêm vọng đầu tiên của năm mới. Dịp này người Hoa hay đi chùa, miếu nhằm cầu cho một năm bình an, khỏe mạnh, phát tài phát lộc. Tết Nguyên tiêu được tổ chức chủ yếu tại các Hội quán (nơi thờ tự của cộng đồng) tập trung nhiều ở khu vực quận 5. Các nhân vật được thờ tại các Hội quán như: Thiên Hậu Thánh Mẫu, Quan Thánh, Ông Bổn, Kim Long (các vị thần thuộc tín ngưỡng Tam Nguyên - Tam Quan), các vị thần người Hoa…

Hàng nghìn người dân chen chân xem diễu hành đường phố mừng Tết Nguyên tiêu, lâu lắm rồi TP.HCM mới vui đến thế! - Ảnh 6.

Đường phố rực rỡ sắc màu trong ngày Rằm tháng Giêng

Lễ hội chính được tổ chức vào đêm Rằm tháng Giêng với phần lễ, hội đa dạng, đặc sắc, như: Tổ chức các nghi thức lễ, diễu hành, trình diễn ca kịch cổ truyền (tại các Hội quán người Hoa), múa lân sư rồng, thư pháp, trình diễn âm nhạc (Đại la cổ Triều Châu, Nhạc lễ Phúc Kiến).

Chia sẻ