Hàng loạt người sập bẫy khi "xem video kiếm tiền"
Sau khi Tiền Phong đăng tải vụ bà T.T.N (45 tuổi, ngụ huyện Củ Chi, TPHCM) bị lừa hơn 2,5 tỷ đồng, vì tham gia xem video kiếm tiền, nhiều bạn đọc thông tin bản thân cũng là nạn nhân của chiêu trò này. Các đối tượng thao túng tâm lý người giao tiếp qua mạng với chúng để dẫn dụ họ vào bẫy lừa đảo.
Đổ nợ vì xem video kiếm tiền
Ngày 30/9, chị L.T.H (23 tuổi, ngụ phường Chánh Nghĩa, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) được một người tự xưng tên là Lê Đăng Sỹ, nhân viên Điện Máy Xanh gọi điện thoại mời tham gia xem video trên Telegram để kiếm tiền và được chị H đồng ý. Người đàn ông này cho biết nhiệm vụ của chị là thực hiện bấm like (thích) sau khi xem video đánh giá với 3 sản phẩm thì được trả 60 nghìn đồng bằng hình thức chuyển khoản. Sau đó, ông ta yêu cầu chị H tải ứng dụng Telegram để làm nhiệm vụ like sản phẩm.
Chị H. like đến sản phẩm thứ 5 thì được yêu cầu đặt lệnh mua hàng ảo với số tiền thấp nhất là 160 nghìn đồng, cao nhất là 3 triệu đồng để hưởng 30% hoa hồng. Chị chọn sản phẩm 160 nghìn đồng thì được trả tới 330 nghìn đồng và chuyển sang làm nhiệm vụ tiếp theo. Thấy được trả tiền sòng phẳng và nghĩ mình không bị lừa, chị H tiếp tục like và đặt lệnh mua hàng ảo giá trị từ 3 triệu đồng đến 40 triệu đồng. Tổng số tiền chị H bị các đối tượng dẫn dụ chuyển khoản nhiều lần là gần 152 triệu đồng.
“Lúc biết mình bị lừa, tôi vay nóng bên ngoài, vay ngân hàng và mượn người thân để lấy lại số tiền đã chuyển khoản nhưng không được. Khi tôi chuyển khoản 40 triệu đồng cuối cùng thì bị các đối tượng cho ra khỏi nhóm, chặn liên lạc. Đó là số tiền lớn và tôi đang phải xoay xở để trả nợ”, chị H cho hay.
Tương tự, ngày 23/10, chị Đ.T.T.T (29 tuổi, ngụ quận 7) được đưa vào một nhóm Zalo hỗ trợ tương tác, làm nhiệm vụ like video hoặc các bài viết trên Shoppe để được nhận tiền. Chị T nghĩ chỉ cần like và nhận được tiền nên làm thử. Like video đầu tiên, chị T được chuyển khoản 30 nghìn đồng. Trong 4 lần tiếp theo, chị T nhận được 381 nghìn đồng. Đến lần thứ 6, nhóm này yêu cầu người chơi chuyển khoản 310 nghìn đồng, thực hiện lệnh mua hàng ảo trên một sàn thương mại điện tử để hưởng 40% hoa hồng.
Liên quan đến thủ đoạn trên, Công an TPHCM khuyến cáo người dân đã chuyển khoản cho các đối tượng lừa đảo thì cần liên hệ ngay với ngân hàng để yêu cầu thu hồi lệnh chuyển tiền, phong tỏa tài khoản đã chuyển tiền đến. Người dân cần báo với nhà cung cấp ứng dụng chuyển tiền nếu chuyển tiền qua ứng dụng của bên thứ 3. Nếu gửi tiền qua thư hoặc chuyển phát thì người dân cần liên hệ với bưu điện hoặc dịch vụ chuyển phát đã sử dụng để chặn gói hàng. Công an cũng khuyến cáo người dân thu thập, lưu lại bằng chứng, làm đơn tố giác gửi tới cơ quan công an nơi cư trú để được giúp đỡ. Bên cạnh đó, người dân cần bảo mật thông tin cá nhân, không chia sẻ tài khoản ngân hàng, mạng xã hội để tạo cơ hội cho kẻ gian thực hiện hành vi phạm tội.
Thấy số tiền được yêu cầu chuyển không nhiều nên chị T đồng ý làm theo hướng dẫn và được yêu cầu chuyển thêm 165 nghìn đồng để hưởng thêm 40% lợi nhuận, đồng thời hoàn tất nhiệm vụ. Sau đó, chị T được 661 nghìn đồng tiền công. Nhiệm vụ cuối cùng trong ngày, chị T like 6 sản phẩm trên Shoppe và nhận được 300 nghìn đồng. Tổng cộng, chị T được nhận gần 900 nghìn đồng.
Ngày hôm sau, chị T like tiếp 6 sản phẩm và được thưởng 188 nghìn đồng. Sau đó, các đối tượng yêu cầu người chơi chuyển khoản số tiền 1,020 triệu đồng đặt lệnh mua hàng để hưởng hoa hồng. Chị T nghĩ số tiền này ít hơn số tiền công chị đã được nhận hôm trước nên làm theo. Khi chị T chuyển tiền xong, các đối tượng liền đưa ra thêm nhiệm vụ đặt lệnh mua hàng với số tiền 5,2 triệu đồng. Chị T do dự vì thấy số tiền khá lớn nhưng đúng lúc bị nhiều người trong nhóm hối thúc nên chị chuyển tiền để tất cả cùng được hưởng lợi. Tuy nhiên, quản lý nhóm lại thông báo công ty đưa ra nhiệm vụ đặt lệnh mua hàng cuối cùng trị giá 21 triệu đồng để tất toán, kèm theo hơn 50% hoa hồng.
“Tôi tưởng sẽ nhận được tất cả số tiền trước đó khi chuyển 21 triệu đồng nên làm theo. Sau đó, họ đưa ra nhiệm vụ mới là đặt lệnh mua hàng trị giá 61 triệu đồng. Lúc này, tôi hỏi người thân thì mới biết mình bị lừa. Đây là bài học đắt giá của tôi”, chị T chia sẻ.
Chị T.H.B (35 tuổi, ngụ quận 8) bị các đối tượng lừa chiếm đoạt gần 10 triệu đồng cũng bằng thủ đoạn trên. Theo chị B, nhóm của chị gồm 4 người tham gia chơi và do một tài khoản có tên C.E.O Xuân Thành quản lý, giao nhiệm vụ. Tất cả người chơi trong nhóm chọn nhiệm vụ giống nhau mới có thể thực hiện. Sau khi chọn đơn hàng, người chơi chuyển tiền vào số tài khoản tên To Thi Kim Huong do C.E.O Xuân Thành cung cấp và chụp hình báo cáo để hoàn thành nhiệm vụ. Lúc phát hiện bị lừa đảo, chị B bị cho ra khỏi nhóm và chặn liên lạc. Ngoài ra, chị B còn bị C.E.O Xuân Thành ghép hình ảnh cá nhân, số điện thoại cùng với thông tin bôi nhọ danh dự và đưa lên mạng xã hội.
Theo một số nạn nhân, những nhóm này có khoảng 10 - 20 người tham gia và đều được động viên chuyển tiền làm nhiệm vụ để mọi người trong nhóm cùng có lợi. Sau khi bị cho ra khỏi nhóm, họ tiếp tục được gọi điện mời tham gia tiếp hoặc hướng dẫn nhấp vào đường link để lấy lại tiền nhưng thực chất là cái bẫy lừa tiền của nhóm lừa đảo.
Có đòi được tiền?
Luật sư Lê Thị Thủy (Đoàn luật sư TPHCM) cho biết, các hành vi dùng thủ đoạn gian dối để tạo sự tin tưởng khiến nạn nhân chuyển khoản và sau đó chiếm đoạt tiền là vi phạm pháp luật, có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ, số tiền chiếm đoạt. Luật sư Thủy cho rằng, cơ quan chức năng cần điều tra, làm rõ vai trò chủ nhân của tài khoản ngân hàng mà những nạn nhân đã chuyển khoản để xem có sự phối hợp, hỗ trợ đồng phạm của chủ tài khoản này đối với các đối tượng lừa đảo hay không?
Còn theo luật sư Nguyễn Văn Tín (Đoàn Luật sư TPHCM), thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng rất tinh vi. Tài khoản ngân hàng mà các đối tượng sử dụng thường thuê người khác mở hoặc mua lại từ người khác nên việc truy tìm, xác minh kẻ phạm tội gặp khó khăn.
Cả 2 chuyên gia luật đều cho rằng, cơ quan công an có thể sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để lần ra đối tượng phạm tội từ thông tin tài khoản ngân hàng. Trường hợp xác định được chủ nhân của những tài khoản ngân hàng nói trên là trong đường dây của nhóm lừa đảo thì các đối tượng liên quan sẽ bị xem xét truy cứu trách nhiệm.
“Dù tài khoản ngân hàng của chính các đối tượng lừa đảo hay tài khoản không chính chủ, được mua, thuê của các cá nhân/tổ chức khác thì đây là một trong những căn cứ, đầu mối để cơ quan chức năng điều tra, truy tìm, xác minh tội phạm, sớm xác định được thủ phạm thực hiện hành vi vi phạm”, luật sư Tín nói.