Hàng loạt báo Nhật bức xúc dòng chữ "A.HÀO" khắc bậy lên khu di tích quốc gia

Đ.L,
Chia sẻ

Dòng chữ do vật nhọn khắc lên khu thành cổ Yonago, nhiều người cho rằng kẻ phá hoại viết bằng tiếng Việt.

Hôm 30/10, ban quản lí văn hóa thuộc di tích Thành Yonago, tỉnh Tottori, Nhật Bản chính thức thông báo phát hiện nhiều dòng chữ, hình vẽ được cho là dùng vật nhọn khắc lên tường đá của thành cổ.

Người coi sóc tòa thành đã phát hiện "dòng chữ lạ" vào hôm 26/10. Trong đó nổi bật là chữ "A.HÀO" có kích thước khoảng 60cm, cùng 2 hình vẽ ngôi sao và trái tim.

Hàng loạt báo Nhật bức xúc dòng chữ A.HÀO khắc bậy lên khu di tích quốc gia - Ảnh 1.

Dòng chữ được cho là "A.HÀO" trên bệ đá thành cổ (Ảnh: Asahi.com)

Ngay sau đó, nhiều phương tiện truyền thông ở Nhật như NHK, Sankei News, News Nifty, Asahi... đã đồng loạt bức xúc phản ánh vụ việc.

Dù các trang này chỉ đưa tin "có 3 kí tự HAO vẽ bậy bằng chữ cái La-tinh", nhưng từ hình chụp tại hiện trường, nhiều người dùng MXH cho rằng đây là chữ tiếng Việt do một người tên Hào khắc lên.

Hàng loạt báo Nhật bức xúc dòng chữ A.HÀO khắc bậy lên khu di tích quốc gia - Ảnh 2.

Dòng chữ dài đến 60cm được phát hiện hôm 26/10

Được biết, thành cổ Yonago tọa lạc trên núi Minato-yama ở độ cao 90m, có lẽ vì vậy mà sau khi leo dốc, một số người đã giữ thói quen đáng xấu hổ mà khắc tên mình lên di tích như cách đánh dấu "Tôi đã ở đây"!

Thật sự, đó là hành vi phá hoại gây phẫn nộ đối với người dân Nhật Bản và cộng đồng nói chung. Tòa thành cổ đã có tuổi đời hơn 500 năm, từng uy nghi bề thế bậc nhất vào đầu thế kỉ 17, từ đỉnh tháp có thể phóng tầm mắt ngắm toàn thị trấn phồn vinh nhộn nhịp lúc bấy giờ.

Theo dòng chảy thời gian, tòa thành qua nhiều đời chủ, cuối cùng bán cho gia tộc các võ sĩ đạo vào năm 1869 rồi sụp đổ. Tuy vậy, bức tường và bệ đá vẫn được người dân gìn giữ hàng trăm năm qua, là địa điểm yêu thích của người dân địa phương để thưởng ngoạn thiên nhiên, cho đến khi bị bôi bác bởi dòng chữ "A.HÀO" từ ngày 26/10 vừa qua.

Đây không chỉ là hành vi vô ý thức, mà giới chức địa phương còn đang truy tìm thủ phạm để xử lý theo Luật Bảo tồn Di sản Văn hóa vốn được quản lí rất chặt ở Nhật Bản.

Kono Hirayama - trưởng ban bảo tồn văn hóa thành phố Yonago cho biết: "Không thể nào chấp nhận hành vi gây hại cho tài sản văn hóa, có giá trị to lớn và ý nghĩa thiêng liêng đối với hậu thế".

(Tổng hợp)

Chia sẻ