Hàng chục hộ dân giữa Hà Nội điêu đứng vì bùn đất phun trào: Động thái mới nhất từ nhà thầu
Ngày 24/2, thông tin từ Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội, hiện tượng phụ gia khoan hầm bị phun lên mặt đất tại ngõ 7 Giang Văn Minh, quận Ba Đình, đã chấm dứt hoàn toàn.
Ngày 24/2, thông tin từ Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội, hiện tượng tại ngõ 7 Giang Văn Minh, quận Ba Đình, phụ gia khoan hầm bị phun lên mặt đất đã chấm dứt hoàn toàn. Đồng thời, công tác vệ sinh cũng cơ bản được thực hiện xong, người dân khu vực Giang Văn Minh có thể sinh hoạt bình thường trở lại.
Liên quan đến sự cố trên, bước đầu nhà thầu đã hỗ trợ 30 hộ dân bị ảnh hưởng mỗi hộ 1 triệu đồng (30 hộ dân bị ảnh hưởng tương ứng với 30 triệu đồng).

Lực lượng chức năng đang giải quyết sự cố
Trước đó, ngay sau khi xảy ra hiện tượng phun trào phụ gia khi khoan hầm vào ngày 20/2 tại ngõ 7 Giang Văn Minh, Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội cùng nhà thầu và các đơn vị liên quan đã thực hiện các biện pháp xử lý, làm sạch khu vực bị ảnh hưởng, đánh giá lại kết cấu địa chất và các công trình ngầm trong khu vực, điều chỉnh biện pháp khoan hầm để hạn chế tối đa nguy cơ phát sinh tình huống tương tự trong giai đoạn tiếp theo của dự án.
"Mọi bước thi công đều tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Việt Nam và tiêu chuẩn của Dự án. Đồng thời, đơn vị đang hợp tác với các chuyên gia hàng đầu và cơ quan quản lý để đánh giá và kiểm soát rủi ro trong các giai đoạn tiếp theo nhằm bảo đảm tính an toàn và hiệu quả cao nhất", Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội khẳng định.
Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội cam kết duy trì nghiêm ngặt các biện pháp đảm bảo an toàn trong suốt quá trình khoan hầm, giám sát chặt chẽ tiến độ thi công và các yếu tố kỹ thuật, đồng thời cập nhật và kiểm tra chi tiết dữ liệu về công trình ngầm để hạn chế tối đa rủi ro.Theo Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội, một trong các nguyên nhân dẫn đến sự cố trên là do dưới lòng đất còn tồn tại các giếng khoan cũ và cống thoát nước cũ không còn được sử dụng, tạo thành đường đi cho phụ gia khoan hầm trào lên mặt đất.
Chủ đầu tư cho hay, trong quá trình khoan, phụ gia khoan hầm được phun áp lực để giữ ổn định đất trước gương đào. Khi gặp phải lỗ hở, phụ gia khoan hầm kết hợp nước và vật liệu mịn trong đất sẽ theo các lỗ rỗng này trào lên mặt đất.
Đây là một hiện tượng thông thường trong quá trình thi công các công trình khoan hầm trong đô thị bằng TBM công nghệ cân bằng áp lực đất (EPB), theo Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội.

Hình ảnh ghi nhận sự việc
Trước đó, tối 20/2, đại diện UBND quận Ba Đình (TP Hà Nội) cho biết khoảng 15 giờ cùng ngày, xuất hiện hiện tượng hỗn hợp dung dịch bentonite tại các hố khoan thăm dò trào lên mặt đường, rãnh thoát nước khu vực ngõ 7 Giang Văn Minh (phường Kim Mã, quận Ba Đình).
Đây là khu vực trong phạm vi đoạn ngầm tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội đi qua, đang được thi công.
Theo ghi nhận, khoảng 18 giờ 30 phút, nhiều bùn đất trào lên từ các miệng cống thoát nước. Hàng chục nhân viên, công nhân nhà thầu cùng các phương tiện máy móc, xe hút bùn đã được huy động đến để khắc phục sự cố.
Nhà chức trách nhận định nguyên nhân ban đầu do áp lực khi máy khoan ngầm từ ga S9 đến ga S10 tuyến đường sắt đô thị số 3 khoan qua khu vực này.
Đại diện quận Ba Đình cho biết ngay sau khi phát hiện sự việc, quận đã giao các đơn vị liên quan phối hợp với chủ đầu tư (Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội - MRB) khẩn trương kiểm tra khắc phục. Chủ đầu tư đã huy động 4 máy hút, 100 công nhân tập trung kiểm tra dọn vệ sinh môi trường nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, sinh hoạt của nhân dân.
Theo đại diện UBND quận Ba Đình, các hiện tượng xấu có thể ảnh hưởng khi thi công khoan ngầm cũng đã được quận phối hợp chủ đầu tư khuyến cáo đến nhân dân từ năm 2024, quận, phường đã vận động người dân đi tạm cư trong thời gian thi công.