Hàn Quốc "đau đầu" với hệ lụy dân số già
Hàng chục năm nay, Hàn Quốc đã đưa ra nhiều chính sách nhằm đối phó với tỷ lệ sinh thấp và dân số già hóa. Mặc dù vậy, thay vì được cải thiện, hiện tượng tỷ lệ sinh thấp lại đang ngày một trở nên nghiêm trọng hơn.
Theo số liệu của Cục thống kê quốc gia Hàn Quốc, tổng tỷ suất sinh chỉ còn dưới 0,75 trẻ, thấp nhất trong lịch sử và có xu hướng tiếp tục giảm. Đây là vấn đề xã hội lớn vì nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Hệ quả dân số giảm, tỷ lệ người già tăng
Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, có tới gần một nửa số cặp vợ chồng mới cưới ở nước này trong năm trở lại đây không sinh con. Cùng với đó, dân số già hóa cũng đã diễn ra từ hàng chục năm nay. Đây thực ra không phải là vấn đề của riêng Hàn Quốc mà ngay cả những quốc gia có dân số trẻ cũng có dự báo sẽ rơi vào tình trạng trở thành quốc gia có dân số già.
Xét từ góc độ xã hội có những nguyên nhân chủ yếu sau:
Thứ nhất, tại Hàn Quốc chủ nghĩa tự do cá nhân ngày càng trở nên rõ nét. Tuy dân số là chủ đề mang tính xã hội, duy trì sự phát triển xã hội bền vững, nhưng việc sinh con cái là quyết định mang tính cá nhân. Hơn thế nữa, giới trẻ họ không coi đó là trách nhiệm mang tính xã hội. Vì vậy, giới trẻ Hàn Quốc khi kết hôn với nhau có con hay không có con là điều không quan trọng, mà điều quan trọng là cuộc sống của chính họ có thoải mái theo cách nghĩ của họ hay không.
Thứ hai, tỷ lệ sinh thấp phải được nhìn nhận dưới góc độ “hệ quả” chứ không phải là “vấn đề”. Trong cơ cấu xã hội Hàn Quốc, người dân bị bất an về vấn đề tuyển dụng, nhà ở, khó cân bằng công việc và nuôi dạy con cái. Chính điều này khiến tầng lớp thanh niên gặp rất nhiều khó khăn khi kết hôn và sinh con, dẫn tới họ coi việc kết hôn và sinh con không còn là điều thiết yếu nữa.
Thứ ba, tỷ lệ người già ngày càng tăng. Xét theo địa phương, từ 5 năm trước, Hàn Quốc có 6 địa phương đã bước vào "xã hội siêu già" nghĩa là những địa phương này có tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên đã vượt hơn 20%.
Từ năm 2021, lần đầu tiên trong lịch sử Hàn Quốc, số dân ở độ tuổi trên 65 đã vượt xa số dân ở độ tuổi dưới 15. Hàn Quốc dự kiến sẽ phải đối diện với hiện tượng già hóa dân số đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, đe dọa đẩy Hàn Quốc tới bên “bờ vực dân số”.
Như vậy, ngân sách để chăm sóc người già sẽ tăng và gây khó khăn cho nền kinh tế nếu Hàn Quốc không cân đối được nguồn chi này. Bên cạnh đó, nhân lực cho việc chăm sóc người già sẽ rất thiếu, gây ra sự phản ứng của người dân khi quyền lợi họ không được đảm bảo.
Và còn một số nguyên nhân nữa như sau đại dịch Covid-19, kinh tế-xã hội chưa thực sự phục hồi nên cũng khiến việc sinh con sẽ nằm trong kế hoạch trong tương lai…
Nhận diện rõ nguy cơ nhưng tình hình không mấy cải thiện
Hàn Quốc nhiều năm nay đã thực hiện nhiều chính sách nhằm cải thiện tình hình dân số già đi nhanh chóng, nhưng tỷ lệ sinh ngày càng giảm. Hàn Quốc thực hiện những biện pháp như hỗ trợ trực tiếp bao gồm chi trả trợ cấp trẻ sơ sinh, nâng khoản hỗ trợ khuyến khích sinh con, mở rộng hỗ trợ chi phí giáo dục cho các gia đình đông con... Với các gia đình thu nhập thấp đông con, từ con thứ ba trở đi sẽ được hỗ trợ toàn bộ học phí đại học. Gia đình có hai con đã là gia đình đông con và nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ.
Trong vòng 16 năm qua, chính phủ Hàn Quốc đã tiêu tốn 280.000 tỷ won (196,2 tỷ USD) để giải quyết vấn đề dân số, trong đó tích cực xây dựng xã hội lành mạnh cho trẻ em. Theo kết quả khảo sát về điều kiện môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ em tại 39 nước thành viên thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) và Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc xếp thứ 32 trong số 39 quốc gia khảo sát về mức độ lành mạnh của môi trường sống cho trẻ em. Tây Ban Nha, Ireland và Bồ Đào Nha lần lượt chiếm ba vị trí đầu trong bảng xếp hạng. Nhật Bản đứng thứ 13 và Mỹ tụt xuống thứ 37.
Ngoài ra, Hàn Quốc hướng tới xây dựng xã hội bền vững, mọi thế hệ đều hạnh phúc. Theo đó, trẻ em trở thành đối tượng được hưởng quyền lợi chính từ các đối sách hỗ trợ, còn người già thì được đảm bảo sống thoải mái bằng cách có việc làm cho lương hưu cơ bản tăng, được hưởng dịch vụ y tế chăm sóc tận nơi cho người cao tuổi...
Tuy nhiên, Hàn Quốc chưa thể cải thiện được tình hình dân số già hóa mặc dù đã nhận diện được nguy cơ và thực hiện tích cực các biện pháp như trên. Sự thay đổi đã không phụ thuộc hoàn toàn vào các chính sách ưu việt từ chính phủ, mà nó phụ thuộc phần lớn vào nhận thức của giới trẻ liên quan đến việc sinh sản, duy trì nòi giống và sự phát triển của xã hội. Có lẽ cùng với việc tăng cường giáo dục, thì Hàn Quốc cũng cần có thời gian để thế hệ trẻ hiểu thấu đáo hơn về tầm quan trọng của sinh sản, từ đó mới có thể thay đổi tình trạng hiện nay về dân số./.