Hai quốc gia châu Á phải lao đao vì con gà: Chủ cửa hàng chật vật không dám bán, người mua "bấm bụng" chẳng dám ăn

Diệp Lục,
Chia sẻ

Giá cả ngày một leo thang, nguồn cung thì khan hiếm đã khiến hai quốc gia châu Á này phải đau đầu tìm cách giải quyết tình hình.

Vào ngày 24/5, CNA đưa tin, Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob cho biết nước này sẽ hạn chế xuất khẩu gà từ ngày 1/6 tới đây. Thông tin này đã khiến cho Singapore, một trong những nước nhập khẩu gà nhiều nhất của Malaysia, rơi vào tình trạng khan hiếm nguồn cung.

Tình hình khó khăn

Malaysia cho biết họ sẽ ngừng xuất khẩu tới 3,6 triệu con gà cho đến khi giá cả và sản xuất trong nước ổn định. Người tiêu dùng Malaysia trong thời gian gần đây phải mua thịt gà với giá tăng phi mã khi nguồn cung bị thiếu hụt.

Một số nhà bán lẻ cho hay, họ đang phải giới hạn số lượng gà bán cho khách hàng. Ông Ameer Ali Mydin, giám đốc điều hành của chuỗi đại siêu thị và cửa hàng bán lẻ Mydin nói: "Để đối phó với tình trạng thiếu nguồn cung, chúng tôi đã phải hạn chế bán thịt gà tại các cửa hàng của mình ở mức chỉ hai con cho một khách hàng".

Ông Lai Wai Loon, một nhà cung cấp và bán buôn thịt gà có trụ sở tại Petaling Jaya, chia sẻ rằng do nguồn cung thiếu hụt, ông phải ưu tiên các đơn đặt hàng của khách hàng doanh nghiệp.

"Nếu người tiêu dùng đặt mua một vài con gia cầm, tôi phải giới hạn một nửa số lượng đơn đặt hàng của họ", ông nói thêm.

Hai quốc gia châu Á phải lao đao vì con gà: Chủ cửa hàng chật vật không dám bán, người mua "bấm bụng" chẳng dám ăn  - Ảnh 1.

Một khu chợ bán gà ở Kuala Lumpur, Malaysia.

Ông Lai Wai Loon cho biết số lượng giao hàng tuần từ các nhà cung cấp nông trại đã giảm từ hơn 500 con xuống còn 300 con. Các nhà bán lẻ nhỏ hơn cũng phải đối mặt với vấn đề tương tự.

Ông Ishak Shaifuddin, một người bán gà tại chợ ẩm thực ở Larkin, Johor, cho biết ông chỉ nhận được 10% nguồn cung thông thường vào sáng 23/5. "Chúng tôi thường nhận được khoảng 500 con gà nhưng hôm nay chỉ có khoảng 40 con", ông nói.

Người nông dân tại Johor cho biết một vấn đề ảnh hưởng đến nguồn cung hiện nay là chi phí thức ăn cho gà đang tăng cao. Ông Irwan Samad, người sở hữu một trang trại với khoảng 500 con gà ở Kota Tinggi, nói rằng, giá thức ăn cho gà đã tăng gấp đôi so với tháng trước.

"Chi phí của chúng tôi đã đội lên rất nhiều nhưng khi xuất bán, chúng tôi không thể định giá gà cao hơn mức giá trần mà chính phủ đưa ra. Vì vậy, đây là một hoàn cảnh rất khó khăn cho người nông dân hiện nay", ông nói thêm.

Ông Irwan cho hay người nông dân có rất ít sự lựa chọn ngoài việc chỉ nuôi một số lượng gà hạn chế hơn so với trước đây. Irwan, người chuyên bán gà cho các chợ đầu mối và cửa hàng ven đường, thừa nhận rằng hơn tháng qua, ông không thể đáp ứng đủ nhu cầu của những người bán lẻ này.

Không còn sự lựa chọn nào khác

Việc Malaysia ngừng xuất khẩu gà đã khiến cho các chủ cửa hàng ở Singapore lo lắng. Theo số liệu của Cơ quan Lương thực Singapore, khoảng 1/3 nguồn cung thịt gà của nước này được nhập khẩu từ Malaysia.

Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Singapore, giá gà đông lạnh đã tăng mạnh vào tháng 4 vừa qua. Tại chợ Bukit Merah View, ông Mohamed Basheer, chủ cửa hàng ăn cho biết, một số khách hàng đã bày tỏ sự không hài lòng và phàn nàn về giá cả "đắt đỏ".

Giá gà tăng khiến ông Basheer buộc phải nâng giá bán của mình lên. "Tôi đã nói với khách hàng rằng không có sự lựa chọn nào khác nữa. Tất cả cửa hàng quanh đây đều tăng giá rồi, tôi cũng phải vậy", người đàn ông cho biết.

Hai quốc gia châu Á phải lao đao vì con gà: Chủ cửa hàng chật vật không dám bán, người mua "bấm bụng" chẳng dám ăn  - Ảnh 2.

Người bán hàng cũng chật vật để duy trì cuộc sống và giữ khách hàng thân thiết.

Cũng trong tình cảnh tương tự, Peh Ah Lai, 58 tuổi, một chủ cửa hàng ở Fu Lai Fa cho biết: "Nếu không nhập gà về công việc kinh doanh của tôi sẽ bị ảnh hưởng. Tôi chẳng biết phải nói gì với khách hàng khi họ phàn nàn quá nhiều. Chúng tôi không hề muốn tăng giá".

Trong khi đó, tại cửa hàng gà tươi Swee Heng ở chợ Beo Crescent, chủ quầy hàng Kwee Huey nói với CNA về tương lai ảm đạm: "Nếu không có gà từ Malaysia nhập về, chúng tôi sẽ ngừng bán một thời gian. Chi phí đầu vào quá đắt rồi. Nếu không bán được tôi sẽ ngừng bán. Tạm thời không bán sẽ dễ hơn việc cố bán một thứ đắt như vậy".

Một cụ bà 70 tuổi cũng cho hay, nếu không có gà bán, bà sẽ nghỉ một thời gian. Bà không muốn bán với giá quá đắt vì khách hàng quen thuộc sẽ quay lưng bỏ đi. Ông Stanley Yeow, một người bán gà tại chợ Tiong Bahru cho biết việc ngừng xuất khẩu gà của Malaysia không chỉ ảnh hưởng đến ông mà còn cả toàn bộ Singapore.

"Tất cả số gà bạn mua ở chợ đều từ Malaysia. Nếu nhà cung cấp đưa tôi 10 con, tôi bán 10. Nếu họ có 100 con, tôi cũng bán như vậy. Nếu không có gà để bán, tôi sẽ tạm thời đóng cửa hàng và nghỉ ngơi", ông Stanley Yeow nói.

Hai quốc gia châu Á phải lao đao vì con gà: Chủ cửa hàng chật vật không dám bán, người mua "bấm bụng" chẳng dám ăn  - Ảnh 3.

Món ăn yêu thích giờ đây trở thành thứ xa xỉ.

Cơm gà là một trong những món ăn phổ biến và được ưa chuộng nhất tại Singapore. Nó có ở hầu khắp mọi nơi từ quán ăn bình dân cho đến nhà hàng cao cấp. Chắc chắn việc giá gà tăng cao cùng nguồn cung khan hiếm sẽ ảnh hưởng đến các thực khách yêu thích món ăn này.

Một bộ phận người dân Singapore cho rằng, cách tốt nhất để đối mặt với tình hình hiện nay đó là họ ăn ít thịt gà hơn so với trước kia. Một giáo viên mầm non 42 tuổi nói rằng: "Với giá cả leo thang như hiện giờ, chỉ cần ăn ít hơn là được". Người phụ nữ cho biết thêm, gia đình cô hiện chỉ mua thịt gà khoảng một lần một tuần.

Nguồn: CNA

Chia sẻ