Hai người phụ nữ “rủ nhau” làm vợ chồng suốt 30 năm, tuổi U70 sống ẩn dật nơi nghĩa trang

Thiên Yết,
Chia sẻ

Hai người bạn đời sống trong túp lều tạm bợ, rau cháo qua ngày, với tình yêu kỳ lạ và giản đơn.

Nghĩa trang Gò Cát, ranh giới giữa hai huyện liền kề Đức Hòa - Đức Huệ của tỉnh Long An là nơi yên nghỉ của khoảng 2.000 người đã khuất. Và là nơi sống của hai con người đã bước vào tuổi U70. 

Họ có lẽ là điều xinh đẹp và kỳ bí nhất tại đây. Hai người yêu nhau và chung sống suốt 30 năm, cùng nuôi một bé cún tên là Lucky. Họ chọn nơi nghĩa trang heo hút làm chốn dung thân, ngày ngày trồng rau hái quả để duy trì cuộc sống.

Hai người phụ nữ “rủ nhau” làm vợ chồng suốt 30 năm, tuổi U70 sống ẩn dật nơi nghĩa trang - Ảnh 1.

Khu vực nghĩa trang nơi cặp "vợ chồng" U70 dựng lều chung sống.

Cặp “vợ chồng” phụ nữ chung sống hơn 30 năm

Cắt tóc tém, ăn mặc đặc sệt đàn ông, nếu không nghe kỹ giọng nói mà chỉ nhìn vào vẻ ngoài, khó có thể nhận ra dấu vết của cơ thể sinh học là nữ trong “người chồng” - chú Bảy. 

Capture 2

Cô Thủy (trái) và chú Bảy (phải) đã chung sống 30 năm.

Chú Bảy (65 tuổi) tên thật là Phạm Minh Ngọc, nhưng chú đã bỏ lại cái tên cha sanh mẹ đẻ từ hồi bỏ quê Sóc Trăng lên thành phố sống, để được sống trong hình dáng đàn ông. 

Chú Bảy kể: “Từ hồi nhỏ Bảy đã thấy mình yêu thích phụ nữ, thích ăn mặc như đàn ông, chơi với mấy thằng con trai cũng kiểu ngang hàng vậy đó. 

Cách đây mấy chục năm, ở quê người ta không chấp nhận người như Bảy (người thuộc cộng đồng LGBT - PV), Bảy bỏ học sớm, lên Sài Gòn đi lang bạt tự làm tự sống, nhặt ve chai, phụ hồ, đánh giày, vá đồ nhựa…  

Bảy cũng yêu đương mấy mối rồi mới gặp bả (vợ của chú Bảy, cô Thủy - PV), mà toàn yêu phụ nữ thôi đó”.

Chú Bảy nhớ như in, năm họ bắt đầu chung sống là năm 1993. Hồi đó, cô Thủy làm nghề rửa chén mướn cho một quán cơm. Chú Bảy là “mối ruột” của quán, mê cô Thủy quá nên tới ăn hoài. 

Còn cô Thủy, hồi đó 34 tuổi rồi, nhưng chưa từng có một mối tình nào. “Tại nghèo quá đó, lo đi làm chứ không có lo yêu đương. Mà tui thấy mấy bà chị lấy chồng xong tối ngày gây lộn, mấy bả còn bị chồng uýnh (đánh) nữa, sợ lắm, nên không có quen đàn ông luôn. Gặp nó (chú Bảy - PV) thì thích vì nó hiền queo à, mà chiều mình, nên là ưng”.

Nghe cách cô Thủy kêu "chồng" bằng “nó”, xưng “mày - tao” trong khi chồng luôn gọi “em - tui”, “em - anh”, nhiều người càm ràm nghe không đủ tôn trọng. Chú Bảy bênh vợ liền. Chú giải thích rằng mình có được đi học một chút, tới năm lớp 7 mới nghỉ; còn vợ không được đi học, cha mẹ mất sớm không có người rèn cặp. Cô Thủy ăn nói hồn nhiên, có nhiều từ ngữ nói bóng gió không hiểu, nhưng với chú Bảy, hai chữ “mày - tao” đã trở nên thân thuộc, nghe vẫn thấy tình tứ.

Hồi đó, chú Bảy ngỏ lời thương rồi hai người thuê trọ 9 ngàn đồng/ngày ở sau bến xe miền Đông cùng sống. Một người đẩy thuốc lá bán dạo, một người làm đủ việc chân tay nhưng không lo đủ tiền trả nhà trọ, họ đành dọn ra vỉa hè, nằm ngủ cạnh tủ thuốc. Đủ thứ biến cố hai người đã trải qua, cũng mấy lần khổ quá định chia tay, nhưng quen hơi bện tiếng, họ vẫn ở bên nhau như một cặp vợ chồng cho đến giờ. 

Capture 4

Cô Thủy không quan tâm những lời gièm pha, vì thấy vui khi sống cùng chú Bảy.

Ở đất Sài Gòn được chục năm, cô Thủy dắt chồng về quê sống. Gọi là quê, nhưng cũng nào có đất đai nhà cửa gì, chỉ có họ hàng, bà con lối xóm thân quen. Cặp đôi cứ dựng lều ở đất trống làm nơi sống tạm.

Mấy người họ hàng của cô Thủy phát hiện ra "chồng" cô cũng là phụ nữ, buông lời trách cứ sao lại quen đàn bà .“Mấy chị khuyên tui nên lấy chồng có con, mai mốt còn tuổi già, tui cãi liền. Lấy chồng mà để bị uýnh như mấy chị, tui không cần lấy, tui lấy nó (chú Bảy - PV) vậy mà vui, nó chăm sóc tui, yêu chiều tui. Miễn tui vui là được”, cô kể lại.

Suốt 30 năm bên nhau, không phải lúc nào cô Thủy, chú Bảy cũng chỉ có niềm vui. Nhưng sự nhún nhường, chăm sóc, cưng chiều vợ của chú Bảy và cái hồn nhiên, thẳng thắn của cô Thủy đã níu họ ở lại bên nhau. Không có đám cưới, không có lễ ra mắt họ hàng, gia tiên, tấm ảnh cưới chụp vội để kỷ niệm tình cảm "vợ chồng" cũng đủ làm họ hạnh phúc.

Cuộc sống nương nhờ người chết, dù nghèo nhưng có nhau

Riết rồi bà con trong vùng quen dần với sự có mặt của cặp đôi kỳ lạ. Bà con thấy cả hai đều hiền khô, chăm chỉ làm lụng, không cự cãi nhau cũng chẳng phiền lối xóm, nên từ tò mò chuyển sang thương cảm. Thấy họ dựng chòi tạm chỗ này chỗ kia hoài cũng tội, địa phương cho mượn mảnh đất trống nằm khuất sâu trong nghĩa trang của ấp để dựng lều sống bên nhau.

Chú Bảy kể, hồi xưa khu đất của họ đầy những cây mắc cỡ, lối đi toàn gai là gai. Bữa cơm đầu tiên, trải chiếu xuống ngồi ăn mà gai mắc cỡ đâm rách hết da thịt. Rồi họ thổi sức sống lên chỗ đất cằn, khai hoang, cải tạo đất làm mảnh vườn cỡ 100m2, làm giàn trồng mướp, bầu, bí, dưới đất gieo thêm vài bụi hành, rau lang, rau muống… lấy cả măng làm thức ăn.  

Capture 6

Nền nhà được lát từ những viên gạch xây mộ thừa ra.

Cái lều và “nội thất” cũng được tận dụng đồ thừa của người ta cho, từ tủ đồ đến thùng nhựa, đồ đạc lỉnh kỉnh không có gì giá trị. Họ cũng lát nền đá hoa cương, là gạch đá thừa người ta làm mả, xin mang về tận dụng. Chiếu nằm cũng là xin lại chiếu người đi lễ mộ rải ra quỳ trên đó. 

Đợt này, sức khỏe chú Bảy yếu nên nằm trên võng, cô Thủy nằm dưới sàn nhà. Người dân xung quanh vừa cho lắp ké điện để thắp bóng đèn. Mấy bà chị của chú Bảy nói nếu đường điện ổn, họ sẽ tặng cho cái quạt, cái ti vi cũ để xem truyền hình.

Nói vậy chứ chú Bảy không ham ti vi cho lắm, mà chỉ mong hai người có đủ sức khỏe để làm lụng, chăm sóc nhau, vậy là được rồi. Tuổi trẻ lao động quần quật, hai người giờ cũng không khỏe lắm, nhưng vẫn cố làm việc nuôi nhau, không phiền lụy đến ai.

Mới đợt trước, cô Thủy bị tai nạn lao động, tay chân sưng vù, đau liên miên. Chú Bảy xót vợ, muốn để cô dưỡng thương cho khỏe nên nhận việc chăm bệnh thuê, đi biền biệt 2 tháng không về nhà.

Capture 5

Cô Thủy chăm sóc vườn rau, dư ra sẽ cho "chồng" đem bán.

Với cô Thủy, đó là hai tháng dài nhất cuộc đời. Ở bên nhau, cô cứ giỡn là tình cảm nhạt nhẽo, “hết xí quách” nên không có cảm giác yêu đương bùng cháy nữa, thấy như là hai người bạn vậy thôi. Nhưng xa nhau, người đàn bà cục mịch lại cuộn lên nỗi nhớ, xót xa chồng vất vả làm việc thay cho cả hai người. Và đó là khi cô thấm thía nhất về tình yêu đã được đắp bồi suốt ngần ấy năm.

Giờ thì chú Bảy không đi chăm bệnh nữa, mà ở nhà cùng cô trồng rau, trồng khoai mì. Có rau trái thu hoạch dư, chú Bảy đạp xe ra chợ bán, có thêm đồng ra đồng vô trang trải cuộc sống.   

Họ cũng cùng nhau chăm sóc cho những phần mộ “vô chủ” đã lâu không có người ghé thăm. Cả hai tin rằng, đó là trách nhiệm của mình, khi ở nhờ phần đất của người âm. Sáng nào chú Bảy cũng thắp nhang, khấn xin những người nằm dưới mộ phần phù hộ cho hai vợ chồng có sức khỏe.

Capture 3

Sống nhờ đất người âm, họ tin rằng sống tử tế sẽ có phúc phần.

Sự gắn kết giữa chú Bảy và cô Thủy chỉ đơn giản là tình yêu thôi. Cuộc sống vợ chồng của họ không cần tuân thủ khuôn mẫu giữa đàn ông với đàn bà, sinh con đẻ cái mà chỉ là hai người biết chăm sóc, chia sẻ, cùng nhau vượt qua khó khăn. 

Họ giống hai “cục đá” xù xì, thô ráp, không biết nói lời hoa mỹ nhưng bên trong lại là tâm hồn đẹp và quyết liệt với tình yêu. 30 năm trước, định kiến xã hội về những người thuộc cộng đồng LGBT rất nặng nề. Để hai người có thể đến bên nhau, trụ lại với nhau, hạnh phúc trong cảnh éo le, thật sự cần rất nhiều dũng khí!

Ảnh: Độc lạ Bình Dương, Tiến Sài Gòn

Chia sẻ