Hai khu tập thể xập xệ, xuống cấp trầm trọng, người dân vẫn kiên quyết bám trụ
Nhiều người từng gắn bó với 2 khu nhà tập thể G6A Thành Công và nhà A1 Ngọc Khánh (Ba Đình – Hà Nội) suốt mấy chục năm đều không muốn di chuyển bởi nhiều lý do khác nhau.
Sụt lún, bong tróc và nguy hiểm
Mới đây, UBND TP. Hà Nội đã tổ chức khảo sát, lập phương án xây dựng và tổ chức kế hoạch hỗ trợ, di chuyển các hộ gia đình đang sinh sống tại các tòa nhà chung cư cũ. Đặc biệt, tại 2 tòa nhà tập thể gồm: nhà G6A tập thể Thành Công và nhà A1 tập thể Ngọc Khánh (Ba Đình) đều được đánh giá ở cấp độ D – cấp độ nguy hiểm nhất cần được di chuyển.
Ngay sau khi có kết luận về mức độ nguy hiểm của 2 khu nhà tập thể này, chúng tôi đã có cuộc khảo sát tại đây và nhận thấy cả 2 tòa nhà trên đều tiềm ẩn những nguy cơ có thể gây nguy hiểm cho hàng trăm nhân khẩu đang sinh sống tại đây.
Theo đó, tại tòa nhà tập thể G6A Thành Công nằm trên mặt phố Nguyên Hồng và hướng thẳng ra hồ Thành Công được đưa vào sử dụng từ năm 1987. Trải qua 30 năm sử dụng, tòa nhà đã bộc lộ nhiều điểm yếu đơn cử như sự sụt lún của 2 đơn nguyên, điều này có thể quan sát bằng mắt thường và dễ dàng nhận thấy khe nứt của 2 nguyên đơn từ 30-60cm.
Như vậy, việc sụt lún ảnh hưởng đến kết cấu của 2 tòa nhà là mối nguy hiểm khó lường. Theo người dân cho biết thì hiện tượng sụt lún này đã diễn ra nhiều năm nay.
Không chỉ thế, việc cơi nới, cải tạo hoặc việc thiết kế những “chuồng cọp” ở khu tập thể này cũng làm ảnh hưởng đến mỹ quan cũng như ảnh hưởng đến kết cấu chung của tòa nhà. Nói về điều này, một người dân cho biết: “Nhà tập thể thường có không gian chật hẹp, không đủ để sinh hoạt trong khi đó nhà nhiều người nên việc cơi nới thêm những “chuồng cọp” là điều hiển nhiên và đã diễn ra cách đây cả chục năm”.
Trong khi đó, tòa nhà tập thể Ngọc Khánh A1 cũng đưa vào sử dụng 32 năm nay cũng nằm trong tình trạng tương tự như xuất hiện nhiều vết nứt, sụt lún.
Đặc biệt, khi chúng tôi di chuyển vào khu vực cầu thang, hành lang của 2 tòa tập thể này đều nhận thấy sự nguy hiểm đang rình dập người dân từng ngày bởi các vết nứt, tường bong tróc, cầu thang lung lay và đặc biệt khu vực cầu thang buộc phải “chống nạng” bằng thép mới có thể chống chịu được.
Trao đổi với chúng tôi, bác Tâm cho biết: “Phía dầm cầu thang để tránh nguy hiểm, đơn vị chức năng đã phải làm dầm thép để chống đỡ từ lâu, riêng những thanh vịn cầu thang thì nứt hoặc hỏng toàn bộ, nếu có còn thì lúc vịn vào cũng lung lay khá sợ hãi”.
Không chỉ thế, phía trong căn hộ của nhiều gia đình cũng xảy ra tình trạng tường bị nứt, trần nhà bị dột khá tạm bợ. Chính bản thân người dân sống ở 2 tòa nhà này cũng cho rằng nó đã xuống cấp và họ liên tục phải sửa chữa, gia cố.
Nguy hiểm nhưng không muốn chuyển
Tuy 2 tòa nhà xuống cấp đến mức báo động nhưng khi được hỏi người dân đang sinh sống ở đây đều ái ngại và cho rằng họ chưa hoặc không muốn chuyển đi.
Theo lý giải của người dân vì đến thời điểm hiện tại người dân chưa nhận được phương án cụ thể của nơi di chuyển mới. Và theo người dân thì hiện tại họ sinh sống tại đây suốt mấy chục năm qua, con cháu cũng đang theo học các trường gần đó và nếu phải di chuyển thì không biết giải quyết những vấn đề này thế nào.
Bác Tâm, một người dân sống tại khu tập thể lý giải: “Ở đây mấy chục năm nay rồi, giờ chuyển đi sẽ không biết thế nào và khi nào mới có thể quay lại được. Tất cả mọi sinh hoạt, công việc, học tập của hàng trăm nhân khẩu đang vào guồng thì giờ thay đổi không biết sẽ xoay sở ra sao”.
Trong khi đó, kết luận của cơ quan chức năng về mức độ nguy hiểm của 2 tòa nhà trên thì một số người dân lại cho rằng nhà họ đang ở vẫn tốt chứ không hề nguy hiểm nên thời gian này sẽ chưa đi.
Thừa nhận là xuống cấp nghiệm trọng nhưng nhiều cư dân lại không muốn chuyển khỏi nhà tập thể.
Trước đó, UBND Thành phố đồng ý với đề xuất của Sở Xây dựng tại văn bản số 370/SXD-PTN, ngày 14/1/2016, về “Xử lý kết quả kiểm định, đánh giá chất lượng hiện trạng các nhà chung cư trên địa bàn Thành phố”.
UBND quận Ba Đình chỉ đạo UBND các phường Ngọc Khánh, Thành Công và các tổ chức đoàn thể ở địa phương thông báo tới các Chủ sở hữu, sử dụng đang cư trú tại Nhà A Ngọc Khánh, phường Ngọc Khánh (đơn nguyên 1) và Nhà G6A Thành Công, phường Thành Công (đơn nguyên 2) là các nhà nguy hiểm mức độ D: Chủ động tự tháo dỡ các phần cơi nới trái phép làm ảnh hưởng tới kết cấu công trình; Lắp đặt biển báo, rào chắn, chống đỡ những kết cấu nguy hiểm và xây dựng phương án đề phòng trường hợp khẩn cấp xẩy ra.
Tổ chức khảo sát, lập phương án và xây dựng kế hoạch hỗ trợ, di chuyển các hộ gia đình, tổng hợp nhu cầu tạm cư, gửi Sở Xây dựng để tổng hợp, trình UBND Thành phố quyết định tổ chức di chuyển các hộ gia đình, cá nhân đang cư trú tại các Nhà chung cư nguy hiểm mức độ D nêu trên.
Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với UBND quận Ba Đình bố trí nhà tạm cư và dự thảo Quyết định của UBND thành phố về việc tổ chức di chuyển các hộ gia đình, cá nhân đang cư trú tại các Nhà chung cư nguy hiểm mức độ D.