Hãi hùng xem dân buôn "tẩu tán" thịt bẩn tại các chợ tạm
Thịt lợn bẩn, ôi thiu ngả màu thâm tím, thịt lợn chết màu trắng bệch được bày la liệt dưới mặt đất… tưởng chừng loại thịt này sẽ chẳng ai mua nhưng thực tế nó lại được tiêu thụ mạnh.
Theo chân những tay lái thịt ôi thiu
Cứ 11 - 12h trưa các tiểu thương buôn bán thịt lợn, thịt gà, thịt bò… tại các chợ trong nội thành lại “hò nhau” đi tẩu tán nốt số thịt ế với mong muốn vớt vát được đồng nào hay đồng đó. Và nhiều năm nay điều đó đã trở thành thông lệ của dân buôn thịt tại khắp Hà Nội.
Địa điểm lý tưởng nhất để “tẩu tán” số thịt này thuộc khu chân cầu Thăng Long (Đông Ngạc, Từ Liêm), chợ tạm khu công nghiệp (KCN) Bắc Thăng Long (xã Kim Chung, huyện Đông Anh), chợ Vồ (Hà Đông), khu đường tầu (Ba La, Hà Đông) và khu gầm cầu Mai Lĩnh (huyện Chương Mỹ).
Một quầy thịt bẩn, ế đến cả chục kg.
Hơn 11h trưa, khi các chợ trong nội thành bắt đầu vắng người thì vẫn có đến hàng chục, hàng trăm quầy thịt lợn, thịt gà, thịt bò “ế hàng”. Quầy nào ế nhiều cũng còn cả chục kg thịt, quầy nào ít cũng còn vài ba kg. Dưới trời nắng nóng và oi bức như thế này, nếu số thịt còn ế trên để đến chiều hoặc qua ngày chắc chắn chẳng “ma” nào thèm ngó tới. Những chủ sạp thịt liền tức tốc phi xe đến những khu chợ kể trên để tiêu thụ.
“Những chủ sạp may mắn và có lượng khách “ruột” ở chợ thì sẽ ế một vài kg, khi đó họ nhờ sạp khác đến các địa điểm bán hộ. Nếu chủ sạp nào lười họ sẽ mang về cất tủ lạnh gom lại vài ba ngày sẽ được chừng 10 kg rồi mới mang đi các chợ thịt bẩn tiêu thụ”, một người buôn đồ hải sản tại chợ Cầu Giấy bật mí.
Hơn 11 giờ các chủ sạp thịt thi nhau chở thịt bẩn, thịt ôi thiu về nhiều địa điểm để bán.
Khoảng gần 12h trưa, trên đường đến chợ tạm thuộc KCN Bắc Thăng Long có hàng chục chiếc xe máy của các chủ sạp thịt trong nội thành phóng với tốc độ lớn. Trên mỗi chiếc xe là chiếc làn, chiếc bao tải hay chiếc lồng chứa những tảng thịt lợn, thịt gà, thịt bò đã ngã màu bốc mùi ôi thiu.
Còn khu vực Hà Đông, Ba La, cầu Mai Lĩnh cũng diễn ra trường hợp tương tự, những chiếc xe máy cà tàng chạy tới những địa điểm trên với tốc độ lớn, thậm chí có lúc chúng tôi “vít căng ga” mà vẫn không thể đuổi kịp.
Một điểm tập kết của các chủ hàng thịt.
Kẻ mua, người bán đông đúc.
Sau khi đến địa điểm tập kết thịt, những người đàn ông lái xe tụ tập lại một góc, còn những người phụ nữ vội vàng xách những tảng thịt ôi thiu, trải vội mảnh nilon, bìa cacton hoặc bao tải xuống đất và đặt những tảng thịt lên.
Khi chủ sạp thịt “chưa kịp thở” lập tức đã có rất nhiều người “bu” quanh và phiên chợ “độc nhất vô nhị” này bắt đầu…
“Đệ nhất thịt bẩn” Hà Thành
Nổi tiếng nhất phải kể đến khu chợ tạm thuộc chân cầu Thăng Long (Đông Ngạc, Từ Liêm) nhưng ít ngày gần đây do có lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ nên gần hai chục sạp thịt bẩn tại đây đã di chuyển sang chợ tạm thuộc KCN Bắc Thăng Long (Kim Chung, Đông Anh).
Thịt thủ ngả màu nhờn nhợt, bốc mùi hôi khó chịu tại chợ tạm KCN Bắc Thăng Long.
Hay thịt nạc có màu tím đen...
Đều được mua bán một cách chóng vánh, mau lẹ.
Tại đây, dường như tất cả mọi thứ đều rẻ bất ngờ từ rau củ quả, trái cây và rẻ nhất phải kể đến thịt gia súc và gia cầm. Đơn cử như thịt lợn mông, thịt vai, thịt nạc chỉ 50 ngàn đồng/kg, thịt ba chỉ còn 45 ngàn đồng/kg, thịt thủ chỉ 40 – 45 ngàn đồng/kg. Thậm chí mua trên 1kg người bán còn xởi lởi thêm cho 1 lạng thịt là chuyện thường. Với giá như trên chúng ta có thể thấy giá thịt tại đây đã rẻ chỉ bằng một nửa so với ở các chợ nội thành.
Tuy nhiên đồng nghĩa với việc giá thành rẻ ấy, những tảng thịt tại đây cũng không còn tươi rói mà nó đã ngả sang màu tím tái, thậm chí có những sạp bán thịt màu trắng bệch. Đi vào khu chợ tạm này, mùi ôi, mùi hôi thối từ các loại thịt bốc lên nồng nặc.
Ấy nhưng những cuộc mua bán, ngã giá cũng trở nên chóng vánh, mau lẹ. Người mua và người bán cũng rất kiệm lời, chỉ nói câu một câu hai là cắt thịt, trả tiền và ra về.
Rời chợ tạm này, chúng tôi đến với chợ Vồ (Số 10 Quang Trung, Hà Đông) khi đồng hồ báo hơn 12h30. Tại giữa chợ này những người buôn thịt từ khắp mọi nơi “tay xách nách mang” những tảng thịt, những bộ lòng mề… lại một góc giữa chợ để bán. Nếu đem so sánh thịt tại đây và tại KCN Bắc Thăng Long thì chợ Vồ thịt bẩn và ôi thiu hơn, nhiều mỡ hơn và đặc biệt theo lời một chủ bán quần áo tại đây thì: “Tại đây có một người chuyên buôn thịt lợn chết, thịt lợn bệnh”.
Những tảng thịt lớn có mùi hôi được nhiều người bán tại chợ Vồ.
Thậm chí có người còn mang thịt ế, thịt ôi thiu đem bán "di động".
Một bảo vệ chợ cho biết: “Những sạp bán thịt tại chợ khoảng hơn 11h là họ rút về, từ khoảng hơn 12h, các chủ sạp khắp nơi tụ tập vào chợ bán thịt không đảm bảo về an toàn vệ sinh thực phẩm nên chúng tôi liên tục đuổi họ đi”. Vừa nói, người bảo vệ này lập tức dọa tịch thu số thịt bốc mùi ôi thiu thì mấy người phụ nữ liền “ôm hàng” chạy.
Cách chợ Vồ không xa, chúng tôi tiếp tục di chuyển xuống khu vực Ba La, đoạn gần đường tàu và khu dưới gầm cầu Mai Lĩnh lại càng bất ngờ hơn khi có đến mấy chục sạp thịt lợn bày la liệt dưới trời nắng oi ả, bụi đường mịt mù. Có lẽ do được “hít” bụi đường nên những tảng thịt tại hai địa điểm này được mệnh danh “đệ nhất thịt bẩn” Hà Thành.
Những tảng thịt "đệ nhất ôi thiu" Hà Thành.
Thịt thi nhau "hít bụi" dưới cái nắng như đổ lửa ven đường giao thông.
Không khí mua bán tại đây có vẻ ảm đạm hơn rất nhiều so với những địa điểm kia, tuy vậy giá thịt cũng rẻ hơn đôi chút. Đơn cử, giá chung cho các loại thịt loại 1 là 45 – 50 ngàn đồng/kg, thịt loại 2 giá 40 – 45 ngàn đồng/kg.
Biết bẩn nhưng vẫn phải ăn!
Trong vai người đi “săn” thịt bẩn, thịt ôi thiu, thịt rẻ dùng để chế biến cho các quán cơm bình dân, cơm bụi, cơm sinh viên thì khi đặt vấn đề nhiều chủ sạp tại đây mừng rỡ như “bắt được vàng”. Họ sẵn sàng giao thịt đến tận nơi, cam kết thịt rẻ, ngon…?!
Nếu sạp thịt bẩn, thịt ôi thiu nào đặt "quan hệ" tốt với những quán cơm bình dân, cơm bụi hay một số nhà hàng thì quả là "hái ra tiền" kể cả khi giá mà các sạp thịt bẩn, thịt ôi thiu để lại cho các quán "mềm" hơn so với giá đi bán ở chợ.
Dù các điểm bán thịt khác nhau, chất lượng những tảng thịt ôi thiu cũng khác nhau nhưng có một điểm chung nhất đối với những nơi này lại là đối tượng mua thịt. Hầu hết những người “chuộng” sử dụng các loại thịt ôi thiu, thịt bẩn, thịt lợn chết đều là chủ những quán cơm bình dân, công nhân, người có thu nhập thấp. Nếu ở các chợ trong thành phố người ta có thể mua 1 – 2 lạng thịt lợn nhưng tại những địa điểm này chẳng ai mua với số lượng ít như vậy, hầu hết họ đều mua từ 5 lạng trở lên.
Sinh viên, công nhân, người thu nhập thấp là đối tượng tiêu thụ mạnh thịt bẩn, thịt ôi thiu.
Trao đổi với chúng tôi, chị H. (công nhân tại KCN Bắc Thăng Long) cho rằng: "Dù có mùi ôi thiu một chút nhưng khi về chỉ cần ướp các loại gia vị để "đánh" hết mùi đi là thịt lại trở nên tươi ngon như thường". Chung quan điểm trên, chị Vân (người buôn đồng nát tại Hà Đông) cho hay: "Chính vì rẻ nên chúng tôi mới mua về để chế biến, còn nếu cứ giá như tại các chợ buổi sáng thì ít khi mua lắm".
"Thực chất ai cũng muốn ăn thịt, rau cỏ, hoa quả tươi ngon, nhưng thử hỏi với lương công nhân bèo bọt, cộng với hàng tháng phải chi bao nhiêu thứ tiền nên chị em ở đây tiết kiệm được đồng nào hay đồng đấy", chị Hường ngậm ngùi nói.
"Anh thử nghĩ xem, ở chỗ tôi một suất cơm bụi chỉ có 20 ngàn đồng buộc chúng tôi phải cân đối các loại thực phẩm làm sao cho phù hợp. Vẫn biết là bẩn, là ôi thiu nhưng khi mang về những loại thịt này sẽ được chế biến, tẩm ướp gia vị là ngon ngay", anh Hùng một chủ quán cơm tại Ba La lý giải.
Được biết, mánh khóe của những chủ buôn thịt ôi thiu này đều ngâm qua hóa chất để tẩy trắng, tẩy mùi khiến cho miếng thịt trở nên tươi hơn. Nhưng do trời nắng cộng với có những tảng thịt để vài ba ngày nên các loại hóa chất cũng không thể xóa sạch dấu vết được. Những loại thịt bẩn, thịt ôi thiu này là môi trường lý tưởng để các loại vi khuẩn như: Campylobacter jejuni; E.coli O157 H7; L.monocytogenes; Salmonella... gây nguy hiểm đến sức khỏe cũng như tính mạng người tiêu dùng, đặc biệt là trong thời điểm này, gia súc gia cầm đang bùng phát mạnh các dịch bệnh như: Tai xanh, H1N1...
Theo nghị định 41 của Bộ Y tế về bày bán thực phẩm, cửa hàng thịt phải đảm bảo các tiêu chí sau: 1. Tất cả các loại thịt được bày bán phải có nguồn gốc an toàn và phải có chứng nhận kiểm dịch của thú y. 2. Thịt phải được bày bán trên bàn cao cách mặt đất ít nhất 60cm và có thiết bị chống ruồi, nhặng và các loại côn trùng, động vật gây hại khác. 3. Không được bày bán thịt bị bệnh, thịt ôi và thịt ô nhiễm... |