Hãi hùng khi đột nhập xưởng sản xuất bánh rán siêu bẩn
Hàng ngàn chiếc bánh rán xuất xưởng mỗi ngày được “tắm” chất phụ gia, rán bằng mỡ động vật bốc mùi. Các dụng cụ như xô, chậu, rổ rá, xoong nồi cáu bẩn… được vứt khắp mọi nơi. Đó là cảnh tượng đang diễn ra tại một cơ sở sản xuất bánh rán tại một con phố ở Gia Lâm, Hà Nội.
Dụng cụ làm bánh cả năm không chùi rửa
Nhìn những chiếc bánh rán vàng ruộm, béo ngậy và hấp dẫn giá chỉ 2 ngàn đồng nhưng ít ai biết chúng đã trải qua những công đoạn chế biến “siêu bẩn”.
Để được tận mắt quan sát công nghệ làm bánh siêu bẩn này, chúng tôi đã phải đóng vai một chủ buôn bánh và muốn được lấy lại bánh tại cơ sở này để hàng ngày đi đổ mối. Có mặt tại cơ sở này lúc 11 giờ trưa, lúc này có đến 4-5 công nhân đang ngào bột, luộc nhân (nhân đậu xanh).
Cơ sở bánh rán bẩn này nằm trong một căn nhà cấp 4 lụp xụp.
Các vật dụng được trưng khắp căn nhà 20 mét vuông.
Theo quan sát, cơ sở nằm trong một căn nhà cấp 4 lụp xụp, nhếch nhác và vô cùng chật chội. Tuy vậy, để thuận tiện cho việc sản xuất bánh, chủ cơ sở tên H. đã tận dụng mọi góc để đặt các vật dụng như máy xay bột, khu ngâm bột, khu chứa nguyên liệu, khu rán bánh…
Thùng đựng bột ngay cạnh cống thoát nước, cạnh đó là những rổ bánh thành phẩm.
Trong không gian chật hẹp, nhem nhép nước, bốc mùi hôi của bột dậy mùi chua, của mỡ động vật thiu, của nước cống và mùi cáu bẩn từ các dụng cụ làm bánh khiến ai mới bước vào cũng phải giật mình. Phải cố gắng lắm tôi mới đủ kiên trì để đứng trong xưởng trong vòng 5 phút, chốc chốc lại phải ra ngoài để “hít khí trời”.
Clip đột nhập cơ sở sản xuất bánh rán bẩn.
Thấy tôi có vẻ khó chịu trước vô số mùi xú uế trong nhà, một chị công nhân cười và nói: “Chắc chú không quen nên mới thế, chứ chúng tôi ngày nào cũng ngồi trong này làm gần 10 ngàn chiếc bánh nên quen rồi”. Nói xong, cả nhóm phá lên cười.
Vừa nặn bánh vừa gãi chân khành khạch.
Để bột được dẻo và đủ độ nở thì chủ cơ sở đã cho các công nhân ngâm gạo trước khi nghiền bột. Tuy nhiên, những chiếc xô ngâm bột lại không được che chắn, thậm chí bụi, mạng nhện trên từ đường hoặc trên mái nhà thi nhau rơi xuống. Đặc biệt, những chiếc xô này có lẽ chẳng bao giờ được kỳ cọ nên lúc nào cũng cáu bẩn đến rợn người.
Những chiếc chảo rán cáu bẩn bám đen sì dày cả cm.
Không chỉ thế, những chiếc rổ, rá, thau và cả những chiếc chảo chiên bánh cũng cáu bẩn. Đáng nói nhất là những chiếc chảo chiên bánh phía ngoài những mảng bám từ dầu mỡ, bụi bẩn, bột bánh bám dày đến cả cm.
Đối với công đoạn ngào bánh, nặn bánh tất cả những công nhân đều tay trần. Có công nhân vừa nặn bánh vừa gãi chân khành khạch do nhà rất nhiều ruồi muỗi; có người khác lại đang nặn thì viên bột rơi xuống lập tức vội nhặt lên… nặn tiếp.
Sau khi bánh nặn xong được các công nhân “ném” vào chiếc chảo lớn đựng mỡ đang sôi sùng sục. Chỉ mất chưa đầy 5 phút lập tức bánh sẽ chín, căng phồng và trở nên vàng ruộm. Nhưng khi vớt bánh ra, các công nhân lại đổ bánh ra những chiếc rổ được xếp sẵn trên nền nhà nhem nhép nước, bụi và lũ ruồi muỗi thi nhau “chén no nê”.
Bánh được rán từ mỡ bốc mùi hôi thối
Khi tôi đặt vấn đề hợp tác với bà chủ tên H. để lấy bánh về đổ mối thì bà chủ nói: “Chú cứ yên tâm đi, ở đây bánh vừa chất lượng lại rẻ nhất rồi đó, chứ mấy cơ sở khác họ toàn cho chất phụ gia, đường hóa học, chất bảo quản nhiều lắm. Nếu chú lấy cất mỗi ngày trên 500 bánh thì giá là 1.200 đồng/bánh và mỗi sáng sớm đều có người chở đến tận nơi”.
Mỗi ngày cơ sở sản xuất gần 10 nghìn chiếc bánh.
Cũng theo bà H. thì mỗi ngày cơ sở làm từ 6 – 9 nghìn chiếc bánh, buổi sáng sớm làm khoảng 5 nghìn bánh để nhập cho cánh bán bánh rong, các quán vỉa hè, người bán rong ở các bến tầu bến xe. Còn buổi trưa, chiều làm từ 3 – 4 nghìn bánh để bán cho buổi chiều và đêm.
Clip đột nhập cơ sở sản xuất bánh rán bẩn.
Những can mỡ động vật bốc mùi hôi được dùng để rán bánh.
Khi tôi quan sát thấy những chiếc can (loại 20L) đựng mỡ động vật đặc sánh, có mùi lạ, thấy thế một công nhân vội vàng nói: “Mỡ này đạt chuẩn đấy, đảm bảo vệ sinh cả chú không phải lo gì cả đâu”. Nhưng khi hỏi về nguồn gốc thì bà chủ đành thú thật: “Mỡ này là mỡ động động vật do một cơ sở cung cấp, giá rẻ hơn mua mỡ lợn ở chợ về rán rất nhiều. Tuy nhiên, khi đun nóng lên chắc chắn vi khuẩn sẽ chết hết nên không phải lo gì đâu”.
Gặng hỏi những người công nhân tại đây về nguồn gốc thì một số xác nhận: "Mỡ này được một cơ sở chuyên sản xuất tại Đan Phượng mang đến với giá 21.000 đồng/kg, một can 20L này chỉ dùng được gần 1 tuần là hết. Dùng mỡ này kinh tế hơn rất nhiều so với dùng dầu thực vật hoặc mỡ lợn mua từ chợ về".
Tìm hiểu thêm chúng tôi cũng được biết, tại cụm công nghiệp xã Tân Hội (Đan Phượng, Hà Nội) vốn nổi tiếng với các đầu mối cung cấp mỡ bẩn ra khắp thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận. Tại đây, các chủ cơ sở mua mỡ động vật ôi thiu, thậm chí từ nhiều nguồn khác nhau, có giá rẻ hơn giá thị trường từ 3-4 lần. Sau khi rán các chủ cơ sở phân phối khắp Hà Nội cho các quán cơm, các quán bán đồ rán, làm bánh... Giá mỗi lít mỡ dao động từ 18.000 - 22.000 đồng/kg.
Phụ gia (trong chiếc ấm và chiếc âu nhựa) đặt cạnh chậu bột.
Trở lại với công đoạn nặn bánh, bên cạnh chiếc chậu lớn luôn có một chiếc ấm và chiếc âu đựng chất phụ gia. Khi được hỏi thì các công nhân đều khẳng định đó là nước hàng, chất tạo mầu. Nhưng bên cạnh là một chiếc can nhựa, bên ngoài toàn chữ Trung Quốc, khi tôi xách lên xem thì một công nhân phải thú thật: “Đó là chất bảo quản bánh khỏi ôi thiu”.
Ngoài ra, để bánh phồng to và đẹp hơn, thì bột nở (bột khai) là một trong những chất phụ gia không thể thiếu trong sản xuất bánh rán, quẩy, bánh bao.... và sẽ có hại cho cơ thể người nếu bột khai không tinh khiết. Theo một số thợ làm bánh rán, bánh quẩy cũng như lời của những người buôn chất phụ gia tại chợ Đồng Xuân thì soda có tác tác dụng làm bánh, quẩy nở to và giòn hơn. Giá của mỗi túi bột khai dao động từ 12.000 - 19.000 đồng/kg.
Như vậy, đằng sau vỏ bọc của hàng ngàn chiếc bánh vàng ruộm ấy là cách chế biến, sản xuất đáng sợ và ẩn chứa những hiểm họa khôn lường đến sức khỏe của người tiêu dùng.