Hãi hùng chuyện bố phá đền, con dâu sinh 'bụt'
Ông Lức phá đền xây lò vôi, một thời gian sau cô con dâu sinh hạ một đứa con có khuôn mặt giống như 'ông bụt'.
Từ đó, nhiều chuyện lạ kì xảy ra, ám ảnh ngôi làng bé nhỏ ở thôn Phú Hào (xã Thọ Phú, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa).
Khu đền thờ, lăng mộ quận công Lê Thì Hiến của dòng họ Lê Văn ở thôn Phú Hào ( xã Thọ Phú, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa ) đang bị đồn đại là có nhiều chuyện ly kỳ.
Phá đền, sinh ... "bụt"
Vào cuối những năm 60 của thế kỷ 20, gia đình ông Lê Văn Lức (cháu đích tôn của dòng họ Lê Văn) được giao trọng trách bảo vệ đền Lê Thì Hiến. Vì hoàn cảnh túng quẫn, ông quyết định thanh lý ngôi đền rồi cho thuê thờ xây lò nung vôi, ngôi nhà thì làm củi nấu vôi, đá trong đền thành nguyên liệu ...
Khi ông Lức mất, em trai ông là Lê Văn Truyền nay 83 tuổi thay người anh cả trông nom và hương khói cho ngôi đền. ông Truyền cho biết người thợ được thuê xây lò nung vôi là người ở huyện Thiệu Hóa, sau khi xây xong lò và đốt mồi lửa đầu thì xin về sớm vì nhà ở xa. Khi anh này về đến gần nhà bỗng nhiên hộc máu và chết một cách tức tưởi. Nhắc đến đây, ông Truyền thở dài: "Cũng từ đó, dòng họ Lê Văn chúng tôi gặp nhiều chuyện không may mắn".
Là di tích cấp quốc gia nhưng người dân có thể tự do chăn bò.
Mọi việc kỳ lạ bắt đầu khi con dâu ông sinh hạ đứa con thứ hai là một bé trai (nhiều người cho rằng vào năm 1974). Đứa trẻ sinh ra với hình hài kỳ dị, giống hệt như tượng ông bụt trong đền. Trên đầu đứa trẻ có hai xoắn tóc, khuôn mặt đầy đặn, cơ thể vuông vức, nước da trắng ngần... Lúc đó hàng trăm người kéo nhau đến xem, nhưng không ai dám đến gần.
Thất kinh trước sự việc trên, gia đình và người mẹ đó đã bỏ mặc con mình, không cho bú mớm, để lại đứa tre nằm lại trung tâm y tế xã trong sự chứng kiến và lo lắng về một điềm chẳng lành của người dân địa phương. Nhiều người đã lăm lăm cuốc xẻng chực xông vào mang đứa trẻ đi chôn sống. Chỉ ít tiếng đồng hồ sau khi ra đời, đứa trẻ sơ sinh đã chết.
Theo bà Vũ Thị Xinh (70 tuổi, người thôn Mỹ Hào), khi ấy cả dòng tộc kinh hãi, bà con trong làng xã kéo đến xem rất đông. Có người nói anh Lê Văn Nhẫn (là bố đẻ của đứa bé và là con trai của ông Lức) sang xứ Thọ Xuân (huyện Thọ Xuân bây giờ), nhờ ông thầy Bèo gieo quẻ thì bị ông này chửi: "Bói toán cái chi? Không về mà phụng dưỡng người ta. Người ta mà sống được thì nhà mi được nhờ, không may để người ta chết đi thì nhà mi chỉ có đầu đường xó chợ chết hết. Tai họa sẽ ập xuống dòng họ Lê Văn ...". Anh Nhẫn quên cả lễ tạ thầy cúng, chạy vội về nhà nhưng về đến nơi thì đứa trẻ đã tắt thở.
Những chuyện hãi hùng
Sau cái chết của đứa trẻ, chỉ ít năm sau, cô con dâu nhà ông Lức lại mang thai đứa con thứ ba và không hiểu lý do gì mà cả hai mẹ con đều chết. Anh Nhẫn sau đó cũng bị bệnh rồi chết ở bệnh viện tỉnh. Gia đình và họ hàng vô cùng sợ hãi không ai dám đến bệnh viện đưa xác anh Nhẫn về an táng. Từ đó, trong các gia đình thuộc họ tộc Lê Văn ở đây liên tục xảy ra những chuyện bất thường. Trong nhà thường có chuyện lục đục, anh chị em tranh giành của cải, mâu thuẫn đánh nhau. Bao nhiêu điếu không may và nhiều cái chết lạ bắt đầu xuất hiện. Tang trắng phủ lên dòng tộc này suốt một thời gian dài. Sau cái chết của vợ chồng người con trai duy nhất, ít năm sau, trong lúc đi chợ Hào, ông Lức bị ngã và qua đời.
Thắp nén nhang trước ngôi mộ rồi khấn xin ngài đại xá, ông Truyền tiếp tục câu chuyện: "Tộc Lê Văn chúng tôi ở đây có 4 anh em, chia làm 4 chi. Tôi là con thứ hai sau anh trai cả là Lê Văn Lức. Sau khi anh Lức phá đền xây lò nung vôi thì trong gia đình của cả 4 anh em đều gặp nạn, làm ăn thất bát, nhiều người phải chết oan như anh Lê Văn Dũng bị đột tử ở tuổi 39, Lê Văn Liên cũng mất khi bước sang tuổi 40. Còn Lê Thị Thơ - con gái tôi - năm nay đã tròn 40 tuổi nhưng vẫn ngây ngô như một đứa trẻ lên ba, chẳng ý thức được việc gì. Nhiều người dân đến trộm đồ hoặc mua lại đồ do ông Lức bán thì gia đình họ cũng gặp những chuyện chẳng lành, làm ăn thua lỗ. Họ phải tự mang trả lại những đồ vật đó và làm lễ tạ tội thì sau đó gia đình mới bình thường trở lại".
Năm 2006 - 2007, chính quyền địa phương tiến hành khơi thông dòng chảy chặn đoạn kênh nhà Lê uốn quanh khu đền. Về sau bà con nơi đây cho rằng đây là nguyên nhân khiến trong làng xảy ra nhiều chuyện không may, nhiều người tre tuổi đi làm ăn xa bị chết bất ngờ. Nhiều người làm đến chức vụ cao cấp như thứ trưởng, viện phó viện kiểm sát, bí thư huyện ủy ... cũng bị kỷ luật cách chức hoặc chuyển vị trí công tác không mong muốn. Có người đang ngồi uống nước trên vỉa hè bị xe tông, người thì đang ngồi ăn nhậu bình thường bỗng ngã lăn ra chết mà không rõ lý do đột tử.
Ông Phạm Như Hoàn (Chủ tịch UBND xã Thọ Phú) cho biết: "Đền thờ quận công Lê Thì Hiến đã được công nhận là Di tích cấp quốc gia năm 1994. Ngày xưa ở đây rậm rạp lắm, trong đền có rất nhiều tượng được làm bằng đá, người dân gọi là ông phỗng. Về sau các ông phỗng bị mất trộm, chỉ còn lại hai ông nhưng đã bị gãy mất đầu. Nghe nói ngày trước người trong họ Lê Văn đập đá trong đền nung vôi, nhưng vôi toàn bị sống sượng và không sử dụng được".
Ông Hoàn cho biết thêm, việc vợ anh Nhẫn sinh ra đứa trẻ bị dị dạng giống tượng ông phỗng là chuyện có thật. Còn về những cái chết kỳ lạ, như người dân nói, chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Vì những người chết đều mắc phải những căn bệnh như tai biến mạch máu não, bệnh ung thư ...