Hãi hùng bé gái 9 tuổi bị đũa đâm thủng lưỡi
Trong lúc ngồi ăn cơm trước nhà, bé gái bị một thanh niên va phải khiến đôi đũa cắm thẳng vào miệng, đâm thủng lưỡi cô bé.
Ngày 24/2, bác sĩ Nguyễn Thế Huy - Phó khoa tai mũi họng, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM - cho biết: bé gái T.T.N.A (9 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TPHCM) nhập viện lúc 21h30 ngày 22/2 với đôi đũa đâm sâu vào miệng, xuyên qua lưỡi xuống đến sàn miệng. Nhìn bên ngoài, có thể thấy đầu đũa ló ra ở phần hàm bên phải của bé.
Theo gia đình, khoảng 19h cùng ngày, bé N.A ngồi ăn cơm trước sân nhà và xem các thanh niên đá bóng gần đó. Bất ngờ một “cầu thủ” va vào bé gái N.A khi mải tranh bóng. Người nhà chỉ nghe tiếng bé thét lớn. Khi chạy ra, họ thấy đôi đũa mà N.A dùng để ăn cơm đã cắm sâu vào miệng cô bé. Ngay lập tức gia đình đưa bé đi cấp cứu.
Ngay khi tiếp nhận bệnh nhi, bác sĩ Huy đã đánh giá khá lạc quan về tình trạng của em bé mặc dù nhìn bên ngoài, tổn thương của bé gái là rất khủng khiếp. “Tổng trạng bệnh nhân khá, tỉnh, không có dấu hiệu mất máu, sàn miệng không phù nề… cho thấy đôi đũa đã không gây tổn thương cho các động mạch lớn, quan trọng khác. Đầu đũa đi sát bờ xương hàm phải. Đồng thời, do đưa ngay vào bệnh viện nên tình trạng nhiễm trùng được kiểm soát tốt. Chúng tôi đã quyết định mổ cấp cứu lấy đôi đũa ra trong đêm”, ông Huy cho biết.
Một may mắn nữa, đôi đũa mà bé N.A sử dụng là đũa tre nhưng bề ngoài trơn láng, không phải loại đũa dùng 1 lần rồi bỏ có rất nhiều dằm có thể gây thêm các vết xước bên trong.
Bé N.A đang được bác sĩ Huy thăm khám trước khi cho bé xuất viện. Ảnh: Quốc Ngọc.
Các bác sĩ đã dùng kéo tỉa cây kiểng cắt ngắn phần cán đũa còn thò ra bên ngoài miệng bé N.A để có thể gây mê, đặt nội khí quản và tránh tối đa việc làm đôi đũa xê dịch. Lần lượt từng chiếc đũa được bác sĩ cẩn thận rút ra mà không xảy ra hiện tượng xuất huyết ào ạt. Sau khi bơm rửa, khâu vết thương, đặt ống ăn thông dạ dày, hiện bé gái đã hồi phục tốt.
Theo bác sĩ Huy, trung bình mỗi năm bệnh viện tiếp nhận hơn 10 trường hợp trẻ bị đũa đâm vào miệng. Phần lớn chỉ bị 1 chiếc đâm vào gây thủng vòm họng hoặc thủng một bên thành họng. Trường hợp cả đôi đũa đâm thủng lưỡi như bé N.A là hiếm gặp.
“Phụ huynh tuyệt đối không cho trẻ ngậm bất cứ thứ gì trong miệng. Đặc biệt đũa, tăm… Không cho trẻ vừa ăn vừa chơi. Khi xảy ra sự cố, phụ huynh cần bình tĩnh giữ nguyên hiện trạng, không nên động vào dị vật, đưa bệnh nhân đến ngay bệnh viện”, bác sĩ Huy cảnh báo.
Ông Huy cho biết thêm, Tết vừa qua có một em bé suýt chết vì một hạt đậu phộng lọt vào khí quản. Các bác sĩ đã kịp thời gắp dị vật ra cứu sống em.