"Ban nhạc" của đôi tri kỷ già hợp sức múa hát ở giữa Sài Gòn mùa dịch, mặc kệ ánh mắt người đời miễn là còn "gánh được cho cả gia đình"
Ở thời đại này người ta luôn quan tâm nhu cầu của bản thân hơn tất cả. Nhưng giữa mùa đại dịch, chúng ta lại bắt gặp hai người đàn ông xa lạ nương tựa nhau đi qua cái vòng quay mưu sinh ở Sài Gòn.
Người góp tiếng hát, người ấm chút âm thanh, ở ngay một ngã tư đường, cả hai cùng nhau tìm kiếm chút hy vọng còn sót lại vào thời điểm Sài Gòn trở thành tâm dịch căng thẳng nhất cả nước.
Một ngày đi làm của chú Long không có chú Minh bỗng trở nên lặng lẽ.
NGƯỜI 10 NĂM "CHỞ" GIỌNG CA KHẮP NƠI, NGƯỜI MẤT "NỬA ĐỜI" NGỒI XẾP CÀO CÀO LÁ TRE
Vào những ngày Sài Gòn căng mình phòng dịch, thì cứ vào độ khoảng 15h hằng ngày ngay tại các ngã tư các cung đường vòng quanh trung tâm thành phố, hình ảnh hai ông cụ tuổi ngoài 70 này lại trở nên quen thuộc với những người đi đường.
"Già còn phải đi kiếm tiền kiểu này, sao mà khổ quá!", e rằng người đi đường sẽ nói như thế mỗi khi lướt qua.
Ở nơi ngã tư Võ Thị Sáu giao với Pasteur ngày hôm nay, người ta bắt gặp một ông cụ 76 tuổi dùng nghệ danh Chế Long cất tiếng hát "phục vụ" người đi đường, bằng sự hứng khởi và giọng ca say mê của mình, trên tay ông cũng không ngừng chìa ra một xấp vé số. Đứng cạnh đó, một ông cụ khác tuổi chừng 70, vừa ngồi tỉ mẩn gấp lá dừa cho thành hình dạng của một chú cào cào miệng vừa nhẩm theo lời hát: "Chiều một mình đi phố, hồn không nắng không mưa..." Nhìn qua sự đồng điệu này, ai cũng chắc rằng họ có một sợi dây thâm tình nào gắn kết, nhưng thật ra họ là hai người xa lạ, chỉ vô tình gặp nhau vào một ngày đẹp trời ở một góc ngã tư và... thành một đôi tri kỉ.
#chúLong
Những bài hát xưa vang lên từ chiếc loa đựng trong một cái thùng nhựa và được giữ cố định sau một chiếc xe máy cũ. Chú Chế Long dán lên đó dòng chữ "Ủng hộ ca lẻ ngàn lời cảm ơn", để chắp nối đam mê ca hát của mình, đã hơn 10 năm nay ông chú tuổi 76 này phiêu bạt khắp nơi và sống bằng niềm đam mê ấy cùng những xấp vé số mới toanh.
"Chú đam mê ca hát từ nhỏ, nhưng vì lúc trẻ lo làm ăn phụ gia đình đâu có thời gian đâu thực hiện nguyện vọng của mình. Sau này cha mẹ chú mất, rồi vợ chú cũng mất, chú buồn nên mới bắt đầu đi hát, lấy âm nhạc làm niềm vui. Chú đi hát 10 năm rồi nhưng lúc trước chỉ hát ở tựu điểm thôi chứ không hát ngoài đường thế này. Nhưng giờ muốn đem âm nhạc của mình gửi đến mọi người", chú Long chia sẻ.
Chú Long nuôi tâm hồn bằng niềm say mê âm nhạc và mong muốn được mang lời ca tiếng hát đến mọi người.
Hiện tại, ban ngày chú Long rong ruổi các nẻo đường để bán vé số. Chẳng còn vợ con bên cạnh, công cuộc mưu sinh của chú vì thế cũng nay đây mai đó, cô độc và tự do chính là điều mà chú Long hiện đang tâm đắc nhất.
#chúMinh
Khi chú Long say mê trong giọng hát của mình, chú Minh vẫn ngồi đó, miệng cười sảng khoái khi gấp xong một chú cá. Nào cào cào, chim bồ câu, cua, ngựa,... hay kể cả những con vật khó nhất như trâu, chim công, rồng hay rắn... chú Minh đều làm được. Tính ra sẽ đến gần trăm con vật được thành hình từ lá dừa trên tay chú Lê Minh.
Chú Lê Minh kể nhiều về đam mê thời trẻ, gác lại bút vẽ với nghề họa sĩ vì tuổi đã cao, chú theo nghề tạo hình thủ công. Thật ra, đây không còn là món đồ chơi hứng thú với trẻ con thời hiện đại, khi mà trên khắp các con đường mọc lên đầy các cửa hàng trưng bày bắt mắt từ búp bê, robot, siêu nhân,... Những đứa trẻ sống ở thành thị có lẽ cảm thấy rất xa lạ với những con vật được tạo hình từ lá cây, nhưng những người lớn sẽ có dịp nhìn lại tuổi thơ của mình khi đi ngang qua những tác phẩm của chú Lê Minh.
"Chú làm nghề này được 12 năm rồi. Lúc trước chú làm họa sĩ, nhưng bây giờ mắt kém rồi nên chú chuyển qua làm nghề thủ công. Mỗi ngày chú chỉ bán vài tiếng thôi. Chú làm lâu lắm nên phải một ngày bán, ngày nghỉ để làm trước sẵn sản phẩm cho ngày sau. Đáng lẽ cái tuổi của chú là nên ở nhà nhưng vì cuộc sống chú vẫn phải đi bán. Nhưng kiếm được tiền mà không phải đi làm mướn làm thuê là vui rồi con", chú Minh chia sẻ.
Niềm vui với nghề ánh lên trong đôi mắt đã nhòe đi vì năm tháng của chú Minh. Gần trăm tác phẩm với đủ tạo hình như con cá, con rồng, con phụng,...được chú Minh mang đi khắp Sài Gòn. Được biết, chú Minh nhận lá dừa nước từ miền Tây gửi lên, rồi cẩn thận ướp lạnh để giữ cho lá lúc nào cũng tươi nên sản phẩm chú Minh làm ra luôn bắt mắt và sinh động.
"ÔNG MINH ỔNG NÓI: "TRỜI ƠI ÔNG GIÀ, SAO MÀ HÁT HAY DỮ!", VẬY LÀ 2 CÁI ĐẦU GIÀ NƯƠNG TỰA NHAU LUÔN"
Từ ngày hai người bạn lớn tuổi này kết hợp với nhau, chú Long cách ngày lại tạm gác "sự phiêu lưu" của mình để chờ ông bạn già mang những sản phẩm ra ngã tư đường bày bán. Sau khi chú Minh nắn nót những tác phẩm vừa hoàn thành treo lên cây, chú Long bật lên dòng âm nhạc yêu thích rồi cả hai lại say sưa với những câu hát giữa dòng xe vẫn hối hả ngược xuôi.
Ở cái tuổi của chú Long hay chú Minh đều đã trải qua hết thăng trầm của cuộc đời, thấu hiểu cái khó của việc kiếm tiền khi những gì họ tạo ra chẳng mấy ai thiết tha chú ý. Tuy nhiên giữa dòng mưu sinh đó, hai chú vẫn nuôi dưỡng tâm hồn bằng đam mê của riêng mình và họ trở thành hai mảnh ghép vừa khít ở giữa con phố tấp nập của Sài Gòn.
Chú Chế Long vốn tính nghệ sĩ phiêu du, đem âm nhạc đi khắp các con đường ở Sài Gòn. Cả hai vô tình gặp dọc đường, từ một cuộc nói chuyện thường đã chọn cách cùng nhau mưu sinh. Cứ đúng giờ hẹn, khoảng 15h - 16h chiều, sau một buổi buôn bán cực nhọc, chú Minh và chú Long ngồi lại với nhau, chú Long vừa hát vừa bán vé số, còn chú Minh trong tiếng nhạc cũng hứng khởi xếp từng nếp lá dừa bán kiếm tiền.
Chú Long nhớ lại thời điểm mình tìm được người bạn chí cốt là chú Lê Minh: "Hai chú mới kết hợp với nhau vài tháng nay thôi. Chú chạy trên đường thấy ổng bán ở đèn xanh đèn đỏ, nghĩ trong đầu "Ông này ổng bán cái gì ngộ vậy ta?". Chú dừng xe lại đậu kế bên, hỏi chuyện với ổng một chút. Rồi chú mở nhạc hát, ổng khen: "Trời ơi ông già, sao mà hát hay quá ông già!", ổng hứng chí về mua cái trống phối hợp với chú luôn, nương tựa lẫn nhau".
Hai chú từng sống một cuộc sống khác, trải qua những thăng trầm không giống nhau và cả sản phẩm họ đang bán ra cũng không có sự tương đồng. Có lẽ điểm chung của họ là nhặt về những đam mê dang dở của tuổi trẻ rồi chắp vá nó lại lúc đã xế chiều. Họ không phải là nghệ sĩ, họ cũng chẳng phải cố gắng biểu diễn để cầu cạnh tình thương của người đi đường. Đơn giản một người mê ca hát, một người thích thưởng thức lời ca rồi nối lại với nhau thành một. Sự đồng điệu trong âm nhạc của họ khiến bất kì người nào đi ngang qua cũng muốn dừng đèn đỏ lâu hơn một chút để thưởng thức thứ âm thanh rất đời này.
TỪ SỰ CƯU MANG CỦA "NHỮNG NGƯỜI CÙNG KHỔ"
Nhìn hình ảnh hai người đàn ông lớn tuổi "cưu mang nhau" vào thời điểm Sài Gòn trở thành tâm dịch của cả nước khiến tôi nhớ ngay đến tác phẩm Những người khốn khổ của Victor Hugo, chuyện kể dựa vào tình yêu thương chỉ có ở những con người nghèo khổ. Dĩ nhiên câu chuyện ngày hôm nay không thê lương đến thế nhưng nó nhắc chúng ta nhớ rằng hoàn cảnh không phải là mục đích đến cuối cùng của mỗi người nên đừng dừng chân trước nó.
Như câu tục ngữ ngày xưa: "Lá lành đùm lá rách", vốn dĩ câu tục ngữ chỉ như một lời nhắc nhở, nhưng lời nhắc nhở này đã giúp ông bà ta mở rộng bờ cõi, gìn giữ nước non. Đại dịch có thể tấn công, lặp đi lặp lại nhiều lần, nhưng chúng ta nhất định phải vượt qua bằng sự liên kết, giúp đỡ lẫn nhau một cách nhân đạo.